Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: Tôi chưa dùng một chiêu trò nào để PR

Thứ Năm, 10/08/2017, 09:56
"Đáp trả" lại ý kiến cho rằng, Đàm Vĩnh Hưng luôn biết cách bày chiêu trò để lăng xê trước thềm liveshow âm nhạc, "ông hoàng nhạc Việt" khẳng định: "Có mặt đèn, có trời đất, tổ nghiệp, Hưng chưa dùng một chiêu trò nào để PR".


- 15 năm trước, anh nhen nhóm ngọn lửa bolero bằng ca khúc "Xin dìu nhau đến tình yêu" trong album "Bình minh sẽ mang em đi". Từ đốm lửa nhỏ đó, điều gì đã thổi bùng lên ngọn lửa khiến anh chọn lối đi "hai hàng", theo đuổi cả nhạc trẻ lẫn bolero?

+ Ở thời điểm đó, phải thú thật, Hưng hát gào thét, hay làm khùng, làm điên, nằm lăn ra sân khấu, có khi leo lên cột điện hai bên sân khấu, bật ngửa ra hát một cách không bình thường khiến một số phụ huynh hoảng sợ.

Tôi nghe một vài thông tin rằng, phụ huynh cấm con nghe nhạc của Hưng vì họ sợ con mình "điên" giống Hưng. Hưng nghĩ mình phải làm một điều gì đó xoa dịu, làm vừa lòng người lớn, làm mềm tình hình lại. Từ đó, tôi tìm một con đường khác để mở rộng đối tượng khán giả. Hưng đã tung ra bài "Xin dìu nhau đến tình yêu" làm mềm tình hình.

Sau khi nhận được thiện cảm từ khán giả, ngay lập tức tôi cho ra ca khúc "Thương hoài ngàn năm" bắt đầu khiến khán giả thích. Tôi tiếp tục "tổng tiến công" bằng album "Tình ca 50" và đã làm khán giả đã bị "trúng độc".

Thời điểm đó, tôi nhận thấy các ca khúc hit có dấu hiệu suy thoái, thường có tuổi thọ rất ngắn và không sống lâu như trước đó nữa. Bên cạnh đó, tôi tìm thấy có một mảnh đất phong phú, nhiều nguồn vốn mà không ai sử dụng. Có nhiều bài hát mà khán giả quá quen thuộc, chỉ cần hát lên là họ có thể hát theo được liền. Chỉ có điều mình sẽ hòa âm ra sao để khán giả đón nhận ca khúc mới mẻ hơn.

Hơn nữa, tôi tự hỏi đến 40, 50 tuổi, mình có thể đứng trên sân khấu nhảy tưng tưng, nhuộm tóc highlight, mặc áo lưới không, khán giả sẽ gọi mình là "ông Hưng" hay "thằng Hưng"? Đó cũng là lí do cho bước ngoặt này. Hưng chọn cho mình một con đường khó coi là đi hai hàng, một bên là nhạc trẻ, một bên nhạc xưa để muốn bao trùm khán giả. Và thật may mắn, sau này Hưng được khán giả thương yêu tặng danh xưng "ông hoàng nhạc Việt".

- Thần tượng âm nhạc của Đàm Vĩnh Hưng là ai?

+ Nghệ sĩ cải lương Thanh Nga chính là thần tượng lớn nhất và có ảnh hưởng đặc biệt đến sự nghiệp ca hát của tôi. Hồi còn nhỏ xíu, tôi luôn mong đến những ngày cuối tuần để có thể nghe cô Thanh Nga hát. Nghe cô ấy hát tôi mê lắm, lúc đó, tôi thường cầm chày đâm tiêu giả làm micro, dùng khăn tắm để làm áo choàng hát hò mãi thôi.

- Được biết, sau đêm diễn 5-8 tại Nhà hát Hòa Bình (TP Hồ Chí Minh) thì ngày 26-8 tới đây, liveshow "Sài Gòn Bolero & Hưng" cũng sẽ được trình diễn tại Hà Nội (Trung tâm hội nghị quốc gia). Anh sẽ mang điều đặc biệt gì dành tặng đến các khán giả Thủ đô?

+ "Sài Gòn Bolero & Hưng" là show diễn không áp dụng công nghệ cao, thay vào đó, có khối lượng cảnh trí lớn. Điểm ấn tượng trong thiết kế sân khấu là chúng tôi sử dụng hơn 2.000 bóng đèn dây tóc, được kết tỉ mỉ bằng phương pháp thủ công, tạo thành tấm màn nhung lộng lẫy.

Trong chương trình, tôi sẽ cùng các khách mời như danh ca Hương Lan, Lệ Quyên, Quang Lê, Dương Triệu Vũ, Hoài Lâm, Thu Hằng Bolero,... thể hiện khoảng 40 ca khúc nhạc xưa, trong đó có bài hát "Ngẫu hứng Bolero" tập hợp tên 62 ca khúc của thể loại nhạc này.

Trong số các ca khúc sẽ trình diễn ở liveshow có hai ca khúc mà tôi đã kiên trì đi xin cấp phép, đó là "Tình bơ vơ" của nhạc sĩ Lam Phương và "Thương hận".

Để được hát những ca khúc này, tôi đã phải tìm gặp để xin phép tác giả và xin được điều chỉnh một số ca từ cho phù hợp, cũng như bổ sung đủ hồ sơ, giấy tờ… cho cơ quan quản lý Nhà nước và đến nay đã được cấp phép lại.

Tôi muốn đưa người xem trở về một Sài Gòn hào nhoáng, náo nhiệt của những năm 1960 với những câu chuyện rất đời của các thế hệ và tầng lớp con người khác nhau. Tại đây, những câu chuyện giản đơn, những ước mơ bình dị về một cuộc tình hạnh phúc sẽ được tái hiện một cách rõ nét.

Sâu thẳm trong những câu chuyện tưởng chừng như đơn giản lại là những hình ảnh khắc khoải, hoài niệm về quá khứ vàng son xen kẽ với những hào nhoáng của ánh đèn Sài Gòn. Qua đó, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy chính mình trong những khung cảnh của ngày xưa, những ký ức tưởng chừng như đã lãng quên.

- So với cách bài trí sân khấu ở TP Hồ Chí Minh, tại Hà Nội, anh có gì thay đổi hay không?

+ Chúng tôi quyết định giữ nguyên cảnh trí và nội dung chương trình ra Hà Nội. Với chương trình lần này, khán giả không phải bước vào lâu đài hay cung điện để nghe nhạc mà đúng kiểu người Sài Gòn ngày xưa đi nghe hát là phải có ghế mộc.

Toàn bộ những chiếc ghế trên sân khấu là ghế ăn hủ tiếu theo cách người Sài Gòn xưa giờ đây chỉ còn 22 cái, chúng tôi đã cố gắng lắm mới gom lại được và sẽ giới thiệu với công chúng Thủ đô. Những chiếc xe hủ tiếu, xe xích lô cũng được mang ra hết. Tôi muốn chỉn chu tới từng chi tiết, từ cách mặc áo dài của người xưa, mùi nước hoa xịt trên người cũng phải theo đúng kiểu người xưa thì tôi mới hài lòng.

- Có ý kiến cho rằng, Đàm Vĩnh Hưng luôn biết cách bày chiêu trò để lăng xê trước thềm liveshow, như mới đây, khi đăng status "đáp trả" người đã tung tin đồn thất thiệt mình bị tai biến phải nằm một chỗ, anh bị nghi là cố tình gây chú ý.

+ Thật ra mà nói, có mặt đèn, có trời đất, tổ nghiệp, Hưng chưa dùng một chiêu trò nào để PR. Nếu có, ngày mai Hưng bay về không thấy bà con dòng họ mình nữa. Hưng thề danh dự.

Hoài Lâm là ca sĩ duy nhất mà Đàm Vĩnh Hưng từng năn nỉ ở lại.

- Nhiều người tỏ ra nghi vấn về việc Hoài Lâm (con nuôi nghệ sĩ hài Hoài Linh) được "đặc cách" đứng chung hàng với các ca sĩ gạo gội như Hương Lan, Lệ Quyên, Quang Lê, Dương Triệu Vũ trong liveshow tại hai miền Nam Bắc của anh. Anh nói gì về điều này?

+ Tôi không hề ưu ái hay nâng đỡ đàn em bởi nam ca sĩ gốc Vĩnh Long hội tủ đủ tài năng và ngoại hình. Bên cạnh đó, Hoài Lâm là một trường hợp rất hiếm của showbiz: vừa biết hát cải lương, hát xẩm, giả giọng, tự thu âm, tự mix, tự quay clip, tự cắt ghép bằng một cái điện thoại bình thường.

- Thực hư mối quan hệ của anh và Hoài Lâm ra sao?

+ Tôi xem Hoài Lâm như con trai ruột. Nghệ sĩ Hoài Linh gửi con nuôi sang cho tôi đào tạo từ lúc Hoài Lâm mới 14 tuổi. Sau một thời gian, đã có lúc Hoài Lâm quyết định rời xa tôi, tôi từng khuyên nhủ Hoài Lâm đến 3 lần.

Mỗi lần nói lời chia tay, thầy trò đều đẫm nước mắt và rất khó nói lời tạm biệt. Trước khi đi, Hoài Lâm còn quỳ xuống xin lỗi và ôm tôi khóc. Sau đó, Hoài Lâm lại chạy qua gõ cửa phòng, khóc xin ở lại.

Khi mới rời xa, tôi để Hoài Lâm tự thân vận động. Hoài Lâm bị áp lực nặng nề bởi bản tính vốn thích bình yên, không bon chen trong showbiz. Lâm hát phòng trà chỉ được từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi đêm thôi, vì lúc đó Lâm chưa có nổi tiếng, chỉ là ca sĩ triển vọng thôi. Những nghệ sĩ khác hát giá cao hơn rất nhiều, có thể 3-4 lần của Lâm như từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng vì có thể họ hát lâu năm hơn.

Trong quãng thời gian đó, nhiều chủ phòng trà không dám nhận Lâm vì ngại tôi. Tuy nhiên, giữa lúc đó, tôi không muốn bỏ mặc Lâm, tôi nhắn với các chủ phòng trà tạo điều kiện để Hoài Lâm trở lại với sân khấu.

Bên cạnh sự nghiệp, chuyện tình cảm của Hoài Lâm cũng rơi vào bế tắc vì tình yêu với bạn gái trẻ tuổi bị nhiều người phản đối. Lúc đó, Lâm lánh mặt mọi người, bỏ đi biệt tăm và rất ít khi liên lạc về nhà. Phải một năm sau, cậu ấy mới chịu trở lại bình thường. Hoài Lâm đổi số điện thoại liên tục. Một thời gian sau tôi không gọi nữa, mà chuyển sang nhắn tin, để Hoài Lâm có thời gian trả lời.

Mỗi lần thu âm với Hoài Lâm, tôi luôn muốn thu đi thu lại. Lâm hát quá hay nên mỗi lần thu lại đều mang cho tôi một cảm xúc khó tả. Tôi phải thận trọng, cậu bé này hát hay lắm. Bài tôi thu cho Lâm đã phát hành rồi, đó là "Thói đời". Trừ người thân trong gia đình, chưa một người nào đặc biệt đối với tôi như Hoài Lâm.

- Cảm ơn ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng về cuộc trò chuyện!

Việt An (thực hiện)
.
.
.