Già làng có nhiều đóng góp hay về đảm bảo ANTT vùng cao

Thứ Hai, 04/10/2021, 09:19

Thời gian qua, già làng Hồ Minh Lý, ở bản Thúc, xã vùng cao Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã đóng góp nhiều cách làm hay để cùng lược lượng Công an địa phương giữ gìn ANTT, đảm bảo bình yên cho quê hương.

Với những đóng góp hiệu quả, hằng năm già làng Hồ Minh Lý vinh dự được ra Hà Nội tham dự các đại hội tổng kết, thi đua xây dựng, phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và được Bộ Công an, UBND tỉnh Quảng Trị, Công an tỉnh Quảng Trị, cùng chính quyền và Công an huyện Vĩnh Linh… tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Ông Hồ Văn Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô cho biết, Vĩnh Ô nằm giáp ranh với tỉnh Quảng Bình, lại có nhiều đường mòn, lối mở từ rừng núi biên giới dẫn vào địa phương. Những năm qua, trên địa bàn nổi lên tình trạng người ngoài địa phương đến khai thác gỗ rừng trái phép. Hoặc khai thác gỗ ở vùng rừng các huyện Hướng Hoá, Đakrông (Quảng Trị); hoặc tỉnh Quảng Bình và khu vực biên giới Việt-Lào rồi tập kết vào Vĩnh Ô, kết thành bè thả ở sông, suối để vận chuyển theo một nhánh sông Bến Hải ở thượng nguồn về đồng bằng.

Già làng có nhiều đóng góp hay về đảm bảo ANTT vùng cao -0
Già làng Hồ Minh Lý (bên phải) trao đổi với lãnh đạo xã Vĩnh Ô về việc phát triển kinh tế hộ gia đình của thôn, bản.

Trước đây, Công an huyện Gio Linh từng triệt phá một điểm tập kết, cưa xẻ, buôn bán, vận chuyển hơn 100m³ gỗ trái phép ở bờ Nam sông Bến Hải nằm trên địa bàn thôn Kinh Thị, xã Trung Sơn. Ngoài ra, với vị trí, đường sá phức tạp nên không loại trừ khả năng những đối tượng tội phạm ma tuý đưa “hàng” vào địa bàn cất giấu, rồi vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Đặc biệt, vài ba năm trở lại đây, đời sống kinh tế người dân ở Vĩnh Ô khấm khá hẳn lên thì lớp trẻ ra bên ngoài để giao lưu, nâng cao đời sống tinh thần ngày một nhiều; thêm nhiều đường mòn, lối mở nối các địa phương lân cận được hình thành, gây thêm khó khăn cho công tác kiểm soát phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT địa bàn.

Trước tình hình đó, Công an xã Vĩnh Ô chủ trì phối hợp các ban, ngành chức năng, đoàn thể, người có uy tín ở địa phương họp bàn, tìm phương án phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn. Điều vui mừng, trong các cuộc họp này, già làng Hồ Minh Lý đã có rất nhiều ý kiến đóng góp hay. Đơn cử, các phương án ông đưa ra, như duy trì sự ổn định trật tự địa phương, bên cạnh yếu tố luật pháp, còn phải dựa vào các quy định mang tính tiến bộ do các thôn, bản đặt ra và đã xây dựng thành “hương ước”.

Chẳng hạn, hành vi uống rượu say, mắng chửi vợ, con có thể bị phạt gà; nặng hơn là lợn, dê đến trâu, bò. Hành vi ăn cắp, bên cạnh chịu hình phạt của pháp luật, đối tượng còn bị thôn bản phạt làm việc công ích và phạt trâu, bò… Mỗi công dân từ đủ 18 tuổi trở lên phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội, với cam kết không tham gia, không để xảy ra tội phạm, tệ nạn xã hội trong gia đình mình; khi phát hiện tội phạm, tệ nạn xã hội phải cương quyết đấu tranh, tố giác kịp thời với chính quyền, cơ quan chức năng địa phương hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất. Trường hợp vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện nhưng không đầy đủ cam kết, cá nhân, các thành viên trong gia đình hoặc tập thể có liên quan phải chịu trách nhiệm.

Riêng đối với già làng, người có uy tín, trưởng thôn, bản; người thực hiện công vụ khác khi vi phạm phải chịu mức phạt gấp đôi người bình thường. Ngoài ra, họ có trách nhiệm hàng ngày đọc báo, nghe đài nắm bắt, tìm hiểu các thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phổ biến, tuyên truyền cho người dân giúp bà con kịp thời nắm bắt, thực hiện tốt các công việc thường ngày liên quan. 

Đặc biệt, già làng Hồ Minh Lý còn đóng góp nhiều ý kiến xây dựng các mô hình phòng, chống tội phạm; trong đó già làng, người có uy tín, trưởng các thôn, bản và người thực hiện công vụ khác phải nêu cao tinh thần tiên phong, làm gương cho quần chúng nhân dân. Để mô hình hoạt động mang lại hiệu quả cao, mỗi công dân từ đủ 18 tuổi trở lên sinh sống ở địa phương đều phải thực hiện việc thi đua và có biểu dương, khen thưởng, động viên khích lệ vào hàng tháng, hàng quý và tổng kết cuối năm.

Theo thống kê, qua 3 năm xây dựng, đến nay, Vĩnh Ô đã có trên 20 mô hình phòng, chống tội phạm được các cấp uỷ chính quyền, ban ngành chức năng các cấp trong tỉnh đánh giá cao hàng năm, như mô hình “Gia đình không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Thôn bản quyết tâm đảm bảo ANTT, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh”, “Phát triển sản xuất đi đôi với đảm bảo ANTT”, hay “Thi đua hiệu quả bốt gác vùng giáp ranh”, “Mỗi công dân là một pháo đài phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma tuý xâm nhập địa bàn”. 

Già Hồ Minh Lý tâm sự rằng, trong kháng chiến ông làm giao liên, 12 năm đi khắp các chiến trường miền Trung đưa tin tức, thư từ cho bộ đội và người dân. Năm 1977, ông về lại địa phương sinh sống. Vợ ông là bà Hồ Thị Vía ở cùng bản. Ông và vợ đều làm lụng lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn; nhiều người con tốt nghiệp đại học làm giáo viên, cán bộ nhà nước. Đến nay, ông đã 78 tuổi.

Tuy tuổi cao, song ông vẫn cố gắng cùng lực lượng Công an nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con thôn, bản; nghe ngóng, nắm bắt thông tin từ lớp trẻ, nếu có cháu nào có hành vi xấu, ông tiếp cận khuyên răn, dạy bảo; đồng thời, tham mưu với chính quền, cơ quan chức năng có biện pháp xử lý hiệu quả. Như mới đây, ông đã cung cấp cho Công an xã Vĩnh Ô việc một thanh niên trong xã đi lại, giao lưu với các đối tượng có liên quan đến ma tuý ở ngoài địa phương, từ đó, Công an xã đã kịp thời gọi hỏi, răn đe, giáo dục và thanh niên này đã nhận ra được việc làm sai trái của mình, cam kết không tiếp tục tái phạm.

Thanh Bình
.
.
.