Về Tây Giang, nghe chuyện già làng góp sức cho biên cương yên bình

Thứ Bảy, 20/11/2021, 09:31

Lên bất cứ thôn, bản nào của 10 xã huyện miền núi biên giới Tây Giang (Quảng Nam), chúng tôi cũng đều gặp những già làng, trưởng bản và người có uy tín. Họ cũng chính là hạt nhân gương mẫu, chung tay cùng chính quyền, các ban ngành, đoàn thể xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, chung sức, chung lòng xây dựng vùng biên giới ngày càng giàu đẹp, yên bình…

Trung tá Mai Thanh Tâm, Trưởng Công an huyện Tây Giang cho biết, trên địa bàn huyện có 70 già làng tiêu biểu và người có uy tín. “Họ là những hạt nhân đi đầu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng thôn bản văn hóa, chống các hủ tục mê tín dị đoan, giữ rừng, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra tại địa phương”, lãnh đạo Công an huyện Tây Giang nhìn nhận.

Tính đến cuối năm 2021, 10 xã trên toàn huyện đã hoàn thành công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới. Ba xã A Tiêng, A Nông và Lăng đã đạt chuẩn nông thôn. Các hoạt động văn hóa, giáo dục được quan tâm, bản sắc văn hóa Cơ Tu được bảo tồn và phát huy, đời sống kinh tế, xã hội của người dân ngày một cải thiện, nâng cao…

gia_lang_bien_cuong_1-1637375523221.jpg
Các già làng ở Tây Giang trao đổi với cán bộ, chiến sĩ Công an huyện về công tác giữ gìn ANTT và phòng, chống dịch bệnh.

Theo chân các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Tây Giang, chúng tôi đến thôn Pơrning, xã Lăng gặp gỡ già làng Cơ lâu Nhấp. Những năm kháng chiến chống Mỹ, già làng tham gia dân công hỏa tuyến, vận chuyển hàng trăm tấn lương thực, vũ khí phục vụ cho bộ đội rồi trở thành một chiến sĩ giải phóng lập được nhiều chiến công. Sau ngày giải phóng miền Nam, già  Cơ lâu Nhấp lại tham gia công tác tại địa phương là Trưởng Công an xã nhiều năm liền, rồi làm Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã cho tới về hưu…

Người dân ở xã Lăng đều xem già làng là chỗ dựa tin cậy, bà con được già làng chỉ dạy từ việc trồng lúa nước, trồng sâm ba kích, đến việc cưới xin, ma chay trong thôn trong xã. Già luôn tận tình hướng dẫn dân làng phát triển kinh tế, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và xây dựng nếp sống văn hóa… Trong thời gian qua, già làng còn gương mẫu đi đầu, nhắc nhở bà con chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ở thôn Chalăng, xã Chơm, chúng tôi gặp già làng Ríah Đơơr. Nhận thấy cây đẳng sâm bản địa ở vùng biên giới Việt-Lào có giá trị kinh tế cao, già làng đã mạnh dạn trồng đẳng sâm trên nhiều diện tích nương rẫy.

Hơn 10 năm qua, học tập già làng, bà con Cơ Tu ở các xã Chơm, Ga ry đã phát triển nhân rộng lên hàng trăm hécta đẳng sâm. Hiện cây đẳng sâm trở thành cây chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cũng từ cây này. 

Có thể kể tên rất nhiều già làng tiêu biểu như Pơloong Giơớch ở TrHy, già làng Pơloong Jím ở A Xan, già làng A Lăng Nhít ở Ga Ry… Trong thời gian qua, các già làng luôn đi đầu trong 62 tổ tự quản đường biên cột mốc, các tổ tự quản về ANTT ở địa bàn 8 xã biên giới Tây Giang. Đặc biệt, các già làng đã cung cấp cho lực lượng Công an, Biên phòng 185 nguồn tin có giá trị, kịp thời phát hiện và báo cáo Công an, Biên phòng xử lý 25 vụ việc, 31 đối tượng vi phạm quy chế biên giới, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Các già làng luôn là những người gương mẫu đi đầu, thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động nhân dân xây dựng thôn bản, phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn ANTT… “Mặc dù tuổi cao, song phát huy truyền thống quê hương cách mạng, các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở Tây Giang luôn đi đầu gương mẫu, chung tay cùng chính quyền, các ban ngành, đoàn thể xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, yên bình trên vùng biên cương còn nhiều gian khó”, Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bling Mia phấn khởi nói thêm về các già làng, trưởng bản và người có uy tín tại địa phương.

Hồng Thanh
.
.
.