Bí quyết giữ vững “vùng xanh” của Lâm Đồng

Thứ Hai, 27/09/2021, 06:02

Trong khi nhiều tỉnh, thành phía Nam dịch bùng phát mạnh, gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề kể cả về người và tài sản của nhân dân thì tỉnh Lâm Đồng vẫn là “vùng xanh”, trở thành “hậu phương” cung cấp nhiều lương thực, thực phẩm góp phần hỗ trợ đắc lực cho nhiều tỉnh, thành chống dịch.

Bình yên trong đại dịch

Đến nay, cuộc sống người dân ở tỉnh Lâm Đồng gần như đã trở lại bình thường sau một thời gian ngắn chính quyền tạm dừng hoạt động kinh doanh để tập trung triển khai các giải pháp nhằm nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19. Cũng cần nhắc lại, trong ba đợt bùng phát dịch trước đây, Lâm Đồng thuộc nhóm rất ít tỉnh, thành trong cả nước không có bất cứ ca bệnh COVID-19 nào. Trong đợt bùng phát dịch thứ 4 này, tỉnh Lâm Đồng lọt giữa “vùng đỏ” với vô vàn khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

lamdong 3.jpg -0
Công an tỉnh Lâm Đồng tăng cường thu mua nông sản hỗ trợ các tỉnh, thành “vùng đỏ”.

Ngay từ khi xuất hiện những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh rồi nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh phía Nam, phần lớn người dân Lâm Đồng đều có tâm lý chung lo lắng. Bởi, Lâm Đồng là thủ phủ du lịch nghỉ dưỡng Đà Lạt, đã từng đón cả trăm nghìn du khách trong đợt lễ 30/4 và 1/5/2021.

Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng có mối gắn kết chặt chẽ về giao thương kinh tế với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, hằng ngày luôn có lượng người di chuyển qua lại làm ăn, du lịch rất lớn, nguy cơ nhiễm COVID-19 và làm lây lan nguồn bệnh trong cộng đồng rất cao nhưng một “kỳ tích” vẫn xảy ra.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng trở thành hình mẫu tiên phong của các tỉnh, thành phía Nam khi sớm thiết lập được “trạng thái bình thường mới” trong khi nhiều địa phương khác vẫn đang căng mình chống dịch suốt nhiều tháng qua.

Tỉnh Lâm Đồng sớm đặt mục tiêu chống dịch lên hàng đầu với phương châm “khoanh vùng truy vết nhanh, tấn công dập dịch thần tốc”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Trên thực tế, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, mặc dù chưa chính thức áp dụng Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng các quy định về phòng, chống dịch được UBND tỉnh Lâm Đồng đặt ra khá nghiêm khắc và triệt để, về bản chất gần như tương đương với Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Những người đứng đầu UBND tỉnh và Tỉnh ủy Lâm Đồng đã phân chia chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các địa phương. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng liên tục đi cơ sở kiểm tra, đôn đốc các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch, vừa chăm lo phát triển kinh tế.

Từ cuối tháng 5/2021, tất cả các chốt kiểm soát dịch bệnh trên những quốc lộ nối vào địa phận tỉnh Lâm Đồng đã được kích hoạt, hoạt động 24/24h, hằng ngày kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra, vào địa phận tỉnh Lâm Đồng với sự tiên phong của lực lượng Công an, Quân đội, y tế...

Lâm Đồng cũng chuẩn bị những kịch bản xấu nhất nhằm chủ động đối phó với sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh trên diện rộng bằng cách thiết lập các khu cách ly tập trung, khu điều trị dành cho bệnh nhân COVID-19 từ cấp tỉnh tới cơ sở xã, phường.

Khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bùng phát dịch bệnh COVID-19, có nguy cơ làm lây lan nguồn bệnh trong cộng đồng, tỉnh Lâm Đồng đã chủ động chặn đứng nguồn lây bằng cách quy định người vào Lâm Đồng bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn thời hạn, đồng thời không chấp nhận những người từ vùng có dịch trở về Lâm Đồng một cách tự phát.

Thành công của tỉnh Lâm Đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tới thời điểm này còn phải kể đến sự nghiêm khắc trong việc xử lý những người vi phạm các quy định về phòng, chống dịch, dù đó là người dân hay cấp lãnh đạo, chỉ huy.

Đến nay, Lâm Đồng là tỉnh ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 ít nhất các tỉnh, thành phía Nam (với 282 ca tính đến sáng 26/9, đã chữa khỏi và cho xuất viện 250 ca) nhưng số vụ án làm lây lan dịch bệnh cho người được Công an khởi tố để điều tra đứng đầu với 6 vụ án trong vòng hơn hai tháng.

Việc nghiêm khắc xử lý những trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch không có “vùng cấm” đã có tác dụng răn đe, giáo dục rất lớn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về phòng, chống dịch trong nhân dân.

Xác định sớm, chặn đứng nguồn lây

Ngay từ đầu, tỉnh Lâm Đồng đã khoanh vùng, xác định được những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 và làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là đội ngũ tài xế xe tải vận chuyển hàng hóa liên tỉnh và người trở về từ vùng có dịch. Xác định trọng tâm các đối tượng này chính là “chìa khóa” để chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống, đối phó với dịch bệnh.

Do đó, Lâm Đồng cũng là tỉnh tiên phong ở phía Nam dành vaccine để tiêm phòng COVID-19 cho đội ngũ tài xế, phụ xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh với trên 11.000 liều đã được tiêm cho tới thời điểm này.

Sau khi đã triển khai tiêm vaccine cho đối tượng trên, tỉnh Lâm Đồng siết chặt quản lý đội ngũ lái xe bằng cách yêu cầu tài xế, phụ xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh ngoài Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn thời hạn, buộc phải có Giấy chứng nhận đã tiêm vaccine, không chấp nhận các tài xế, phụ xe chưa tiêm vaccine hành nghề vận tải hàng hóa liên tỉnh.

Thực tế cho thấy, tới thời điểm này, phần lớn những ổ dịch xuất hiện tại các địa phương ở Lâm Đồng đều bắt nguồn từ tài xế, phụ xe vận tải hàng hóa liên tỉnh, đi về từ TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Trước đó, xác định đội ngũ này là đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 và làm lây lan ra cộng đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các địa phương bố trí riêng khu sinh hoạt tập trung dành cho tài xế, phụ xe.

Theo quy định, ngay khi trở về Lâm Đồng, các tài xế, phụ xe phải tới ở trong các khu tập trung (có thu phí và không thu phí), tuyệt đối không được ra ngoài, tiếp xúc với những người trong gia đình và xung quanh. Trên đường đi, tài xế, phụ xe phải nghiêm túc thực hiện quy định “một cung đường, hai điểm đến”, tức không được dừng nghỉ, bốc dỡ hàng hóa dọc đường.

Đối với công dân tỉnh Lâm Đồng đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành bùng phát dịch COVID-19, phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tỉnh Lâm Đồng đặc biệt cân nhắc các giải pháp để hỗ trợ công dân tỉnh mình. Khi TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... bùng phát dịch bệnh COVID-19, nhiều tỉnh, thành phía Nam đã để người dân tự phát ồ ạt trở về quê nhà bằng các phương tiện cá nhân thì Lâm Đồng nghiêm cấm điều này.

Ban đầu, quy định trên của UBND tỉnh Lâm Đồng chịu sự chỉ trích của không ít người, phần lớn cho rằng chính quyền quá “vô cảm”, bỏ rơi công dân tỉnh mình “sống chết với dịch bệnh” nơi đất khách quê người. Trên thực tế, dù không tổ chức đưa đón công dân trở về nhưng UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các địa phương chủ động thống kê danh sách, lên phương án và tiến hành hỗ trợ công dân tỉnh mình đang sinh sống tại các tỉnh, thành có dịch, đảm bảo phương châm “ai ở đâu ở yên đó” của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng chính là một trong những quyết định đã góp phần đắc lực trong việc ngăn chặn, làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng ở Lâm Đồng.

Chính vì vậy, tới thời điểm này, mặc dùng nhiều tỉnh, thành phía Nam đang phải gồng mình chống dịch với hàng trăm, hàng nghìn ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày, gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế, tài sản và tính mạng của nhân dân nhưng tỉnh Lâm Đồng vẫn trụ vững, trở thành “vùng xanh” an toàn cho người dân.

Đặc biệt, tính đến cuối tháng 8/2021, thu ngân sách của Lâm Đồng vẫn đạt 83% kế hoạch, tăng hơn 32% so với cùng kỳ. Việc kinh doanh, sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp chưa từng bị ngưng trệ, gián đoạn. Điều này đã giúp tỉnh Lâm Đồng đảm bảo được nguồn thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân, tiếp tục giữ vững “kỳ tích” trong dịch bệnh, góp phần trở thành “hậu phương” đắc lực cho các tỉnh, thành phía Nam chống dịch.

Với thế mạnh là vùng chuyên canh rau lớn nhất cả nước, hằng ngày, tỉnh Lâm Đồng đã cung cấp cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ hàng nghìn tấn rau, củ, quả, là loại thực phẩm thiết yếu, trực tiếp phục vụ bữa ăn hằng ngày cho nhân dân các tỉnh, thành phải thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh Lâm Đồng đã đặt ra “sứ mệnh” phải giữ vững “vùng xanh”, góp phần trở thành “hậu phương” vững chắc cho các tỉnh, thành phía Nam chống dịch bằng cách phát huy thế mạnh của vùng chuyên canh rau lớn nhất cả nước, sẵn sàng hỗ trợ nông sản cho các tỉnh, thành, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. 

Hơn 3 tháng qua, cả trăm nghìn tấn rau, củ, quả đã được các tổ chức, cá nhân ở Lâm Đồng hỗ trợ cho nhân dân các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong dịch bệnh COVID-19.  

Ngay khi xuất hiện ca nhiễm COVID-19, Công an tỉnh Lâm Đồng đã kích hoạt cơ sở cách ly tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh, tiếp nhận các trường hợp F1 đến cách ly. Lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã bố trí lực lượng tham gia các chốt kiểm soát dịch bệnh. Xung kích trong công tác thần tốc khoanh vùng, truy vết các ca nhiễm. Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã xây dựng kịch bản, lên phương án và có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 trong lực lượng Công an... Không chỉ vậy, Công an Lâm Đồng đã có nhiều hoạt động thiết thực, chung sức cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch như tặng quà, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly, các chốt kiểm soát dịch bệnh, tự quyên góp và vận động các nhà hảo tâm tham gia tặng lương thực, thực phẩm gửi nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hồ Chí Minh…

Trên không gian mạng, Công an các đơn vị, địa phương của Lâm Đồng cũng đã tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm liên quan đến hành vi đăng tải, chia sẻ những thông tin, hình ảnh, video không đúng sự thật về dịch bệnh COVID-19.

Khắc Lịch
.
.
.