Nhiều quy định mới quản lý mạng xã hội

Chủ Nhật, 31/05/2020, 10:16
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành Dự thảo sửa đổi Nghị định 72/2013-CP-NĐ và Nghị định 27/2018/NĐ-CP để lấy ý kiến dư luận.

Điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị định sửa đổi là việc bổ sung thêm các quy định nhằm khắc phục tình trạng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước bị “quản quá chặt” dẫn đến việc khó phát triển, trong khi đó doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới lại có phần “nới lỏng”. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước xây dựng, phát triển mạng xã hội Việt Nam, giảm dần sự lệ thuộc vào mạng xã hội nước ngoài.

Nới quy định cấp phép đối với mạng xã hội mới xuất hiện

Theo thống kê của Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT, tính đến đầu năm 2020, Việt Nam có 624 mạng xã hội được cấp phép. Tuy nhiên, khoảng 90% mạng xã hội trong nước được cấp phép chỉ có lượng thành viên dao động trong khoảng vài nghìn người. Các quy định hiện hành về quản lý mạng xã hội đang áp dụng chung cho tất cả các mạng xã hội, từ mạng xã hội mới ra đời chỉ có vài thành viên, đến các mạng xã hội có hàng triệu thành viên, dẫn đến một số bất cập như việc cấp phép mạng xã hội được cho là quá siết chặt với mạng xã hội mới xuất hiện, đang phát hành thử nghiệm, khiến cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. 

Cần có sự điều chỉnh trong chính sách quản lý để tạo điều kiện cho mạng xã hội trong nước phát triển. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, quy định về quản lý nội dung trên mạng xã hội, nhất là với các mạng xã hội lớn có ảnh hưởng đến xã hội còn nhiều bất cập, lỏng lẻo, chưa điều chỉnh được một số hành vi, dịch vụ mới xuất hiện như tin giả, livestream, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, thu phí và trả phí xem và đưa nội dung lên mạng xã hội...

Để khắc phục những hạn chế trong quản lý mạng xã hội, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72 đã điều chỉnh, bổ sung một số quy định về cấp phép mạng xã hội như “Mạng xã hội trong nước có 10.000 thành viên thường xuyên hoặc có từ 1 triệu lượt người dùng hàng tháng mới phải cấp phép” vì với lượng thành viên này, mạng xã hội đã bắt đầu có tác động lớn đối với xã hội. Đối với các mạng xã hội trong nước mới thành lập, lượng thành viên ít, lượng truy cập chưa đạt mức phải cấp phép thì chỉ cần thông báo theo mẫu (không phải cấp phép), khi được cơ quan quản lý xác nhận đã thông báo thì bắt đầu được hoạt động theo quy định (có quy định trách nhiệm cụ thể với các mạng xã hội), nếu vi phạm vẫn bị xử lý theo quy định. Sau khi thông báo, Bộ TT&TT sẽ gắn công cụ đo để theo dõi lượt tương tác và số thành viên thường xuyên của trang.

Bênh cạnh đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi cũng bổ sung thêm các quy định về thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức và quy định cụ thể đối với việc cung cấp dịch vụ livestream trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chỉ các mạng xã hội đã được cấp phép mới có các quyền này. Đối với hoạt động livestream của thành viên mạng xã hội, dự thảo Nghị định quy định, chỉ những nội dung về hoạt động văn hóa, giải trí, quảng cáo, khoa học công nghệ, thưởng thức mới được phép sử dụng livestream. 

Cũng chỉ các tài khoản đã được định danh 2 lớp (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, đăng bình luận, livestream, tặng quà; nếu không chỉ được xem tin, bài. Đối với mạng xã hội đa dịch vụ có cung cấp dịch vụ khác thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải có giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, dự thảo quy định tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành.

Tăng chế tài đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vi phạm

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hinh và Thông tin điện tử, một trong những điểm ”đột phá” của dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72 là tăng trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Cụ thể, dự thảo quy định mạng xã hội cung cấp đa dịch vụ sẽ phải gỡ bỏ các dịch vụ chuyên ngành vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trường hợp không tuân thủ, cơ quan quản lý có quyền yêu cầu dừng hoạt động của mạng xã hội đa dịch vụ cho đến khi mạng xã hội này thực hiện các yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm. 

Đặc biệt, các quy định quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP còn hướng đến các yêu cầu như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. 

Các trang web cung cấp dịch vụ nội dung có từ 1 triệu lượt tương tác hoặc từ 10.000 thành viên thường xuyên hàng tháng trở lên phải thực hiện các nghĩa vụ gồm thông báo/xác nhận thông báo hoạt động với Bộ TT&TT; phối hợp với Bộ TT&TT để xử lý thông tin vi phạm theo quy trình. Các cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi các biện pháp cần thiết với các nền tảng xuyên biên giới trong các trường hợp như cung cấp thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam; không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định sửa đổi cũng quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ thể quản lý các kho ứng dụng nhằm điều chỉnh hoạt động của các kho ứng dụng, hạn chế tình trạng các kho ứng dụng đang cung cấp, kinh doanh nhiều sản phẩm vi phạm pháp luật Việt Nam như game cờ bạc đổi thưởng, game bạo lực, dung tục, game có nội dung nhạy cảm về chính trị, về chủ quyền biển đảo, xuyên tạc lịch sử…

Huyền Thanh
.
.
.