Nhiều giải pháp dành cho người trẻ khởi nghiệp

Thứ Ba, 01/05/2018, 07:06
Những người trẻ muốn khởi nghiệp thường gặp khó khăn về vốn, kĩ năng quản trị doanh nghiệp và quảng bá sản phẩm còn yếu… Các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có nhiều phương án, giải pháp giúp họ khởi nghiệp thành công.


Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, khi các bạn trẻ đưa dự án khởi nghiệp đi gõ cửa các sở, ngành có nơi lại không mặn mà. Quỹ hỗ trợ của Nhà nước khó tiếp cận do những chuyên viên sở, ngành hoặc những người phụ trách thẩm định dự án, một phần do thiếu chuyên môn nên sợ dự án thất bại.

“Các bạn trẻ khởi nghiệp đừng lủi thủi một mình và chúng ta đừng bỏ rơi họ mà phải kết nối bằng nhiều nguồn lực. Một ý tưởng khởi nghiệp từ khi nung nấu đến hiện thực hóa ý tưởng đó có khi mất đến 5 năm. Trong khi nhiều lãnh đạo lại có tư duy nhiệm kỳ, cứ muốn để nhiệm kỳ sau thực hiện. Vì vậy, chúng ta phải thoát ra khỏi tư duy nhiệm kỳ, xem đầu tư cho khởi nghiệp là đầu tư cho tương lai”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng phân tích, hạn chế hiện nay là mô hình khởi nghiệp chưa có định hướng chung. Hoạt động khởi nghiệp chỉ tập trung ở một lĩnh vực dễ gia nhập thị trường, kiến thức khởi nghiệp, kĩ năng quảng bá sản phẩm, quản trị doanh nghiệp (DN) còn yếu, chỉ dừng lại ý tưởng sáng tạo. Vốn huy động cho dự án khởi nghiệp khó khăn, đặc biệt là trong việc tiếp cận vốn của ngân hàng.

Khưu Tấn Bửu, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ thành công với dự án khởi nghiệp “tranh gạo”.

“Từ nay đến năm 2020, TP Cần Thơ phấn đấu có trên 13.000 DN. Để đạt được số DN trên, thành phố tăng cường khởi nghiệp trong DN và trong học sinh, sinh viên. TP Cần Thơ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính sao cho đơn giản, thiết thực giải quyết những vấn đề bức xúc của DN. Đồng thời yêu cầu những người thực thi công vụ, các ngành, các cấp phục vụ những người khởi nghiệp giống như doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Dũng nói.

Năm 2015, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP) tại TP Cần Thơ đưa vào hoạt động. Dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư 21 triệu USD. Mục tiêu dự án, hỗ trợ nghiên cứu phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh của Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung, khuyến khích DN, cá nhân khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.

Ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc KVIP cho biết: “Qua gần 3 năm hoạt động, Vườn ươm đang hỗ trợ 5 DN tham gia ươm tạo với các sản phẩm: bộ cá, chả cá thác lác nhân trứng muối, sữa gạo, bột yến sâm thảo dược, sản phẩm máy gieo hạt. Vườn ươm sẽ hỗ trợ trang thiết bị, chuyên gia để giúp những doanh nghiệp trên tạo ra sản phẩm mới trên thị trường.

Chúng tôi đang xét duyệt thêm 3 đề tài để vào Vườn ươm nghiên cứu”. Hiện nay, sản phẩm chả cá thác lác nhân trứng muối của Công ty TNHH Phạm Nghĩa T&N đã được đưa ra thị trường và được Sở Công Thương TP Cần Thơ hỗ trợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), vùng ĐBSCL có phong trào khởi nghiệp sôi động hơn những vùng khác. Đặc biệt, chương trình khởi nghiệp khu vực ĐBSCL mang tên Mekong Starup giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030 đã tạo sự kết nối khởi nghiệp giữa các địa phương.

Mới đây, VCCI Cần Thơ phối hợp với Tập đoàn Brainworks (Nhật Bản) khai trương Trung tâm Đổi mới ICT Việt-Nhật và Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo ĐBSCL đặt tại TP Cần Thơ. Hai trung tâm này sẽ giúp ích rất lớn cho những người mới khởi nghiệp tiếp cận được trình độ công nghệ từ Nhật Bản và các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia khác.

“Giai đoạn đầu thành lập, Trung tâm sẽ thực hiện các hoạt động trao đổi chuyên gia, tư vấn xây dựng chính sách khởi nghiệp cho địa phương, đào tạo kỹ năng khởi nghiệp... Giai đoạn từ 2019 sẽ hình thành vườn ươm chuyên về công nghệ ICT, đầu tư phát triển dự án kinh doanh công nghệ...”, ông Nguyễn Phương Lam nói.

Như Anh
.
.
.