Bừng lên “ngọn lửa” khởi nghiệp

Thứ Sáu, 09/02/2018, 07:42
Năm 2017 đi qua, tín hiệu vui cho nền kinh tế đất nước khi có thêm 120.000 doanh nghiệp (DN) được thành lập mới, trong số này có đến 95% DN có doanh thu.


Kỳ 1:  Ấn tượng “ông chủ” tuổi 30


Điều thú vị mà PV Báo CAND ghi nhận được là không chỉ từ những người trẻ tuổi đang hừng hực khí thế, mà còn có lão nông tri điền đã vượt qua tuổi “xưa nay hiếm” cũng tự tin “starup” trên chính mảnh vườn, thửa ruộng lâu nay của mình bằng những đột phá táo bạo và bước đầu đã thành công… Nền kinh tế đất nước đang kỳ vọng về sự bừng lên mãnh liệt của “ngọn lửa” khởi nghiệp…

Bầm dập(!)

Những ngày cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, PV Báo CAND có mặt tại Tây Nguyên đại ngàn. Bên ly trà ấm giữa tiết lạnh, chúng tôi thật sự thú vị bởi nhiều câu chuyện khởi nghiệp… “chẳng giống ai”. Điểm chung nhất mà tôi gặp trong câu chuyện kể của họ chính là những gian truân đến mức “bầm dập” ngay trong bước chân ban đầu của hành trình khởi nghiệp.

Cao Văn Duy bên nông trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của mình.

Nguyễn Thành Nguyên, 28 tuổi, hiện đang là chủ sở hữu một trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rộng hơn chục hécta tại xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết, giữa ý tưởng khởi nghiệp đến thực tế triển khai và kết quả đạt được là những khoảng cách còn rất xa nhau. Nếu không đủ kiên trì, những người trẻ khởi nghiệp rất dễ bị “đứt gánh giữa đường”.

Ngay bản thân anh cũng đã từng kinh qua những giai đoạn cực kỳ áp lực, khó khăn, nợ nần chồng chất. “Nếu không có ý chí kiên trì, bền bỉ, chịu đựng áp lực và quyết tâm cao, có lẽ tôi đã không thể vượt qua được khó khăn để vực dậy sản xuất, đi đúng hướng như hôm nay!”, Nguyên chia sẻ.

Theo Nguyên, đối với những người trẻ tuổi, quá trình khởi nghiệp khó khăn nhất là nguồn vốn và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn. Ngoài tuổi 20, sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, những người như anh gần như chỉ có đôi bàn tay trắng, không tiền, không kinh nghiệm do chưa trải qua việc kinh doanh.

Hầu hết những người trẻ tuổi, khởi nghiệp còn là một sự tập dượt, thí nghiệm và làm quen với mô hình kinh doanh tự lập nên khả năng thất bại là rất cao. Chẳng có công việc gì dễ dàng, để đạt được mục đích, tất cả đều phải trả một cái giá nhất định!...”.

Không kinh nghiệm, vốn liếng đều phải vay mượn, thời gian đầu khởi nghiệp anh Phước đã phải chịu những thất bại nặng nề, sản phẩm làm không đạt chất lượng, ra ế ẩm dẫn đến thua lỗ. “Nhiều khi tưởng chừng mình không thể vực dậy được nữa!”, Phước kể lại.

Hai anh em ruột Cao Văn Khánh (26 tuổi) và Cao Văn Duy (25 tuổi, cùng ngụ đường Nguyễn Siêu, TP Đà Lạt) cũng chọn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm nghề lập nghiệp. Với hai chàng trai này, lợi thế lớn nhất là đã sẵn có tư liệu sản xuất của gia đình.

Tuy vậy, nguồn vốn lớn để đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lại là vấn đề khiển hai anh em phải đau đầu. Để có vốn, hai anh đã vận động cha mẹ đem sổ đỏ đi thế chấp vay vốn ngân hàng để lấy tiền đầu tư sản xuất.

“Ban đầu cha mẹ ai cũng ái ngại, bởi chính họ một đời làm nông cũng chỉ đủ ăn, nay đem sổ đỏ đi thế chấp lấy tiền tỷ để đầu tư, nếu làm ăn thua lỗ, sản phẩm làm ra ế ẩm, không khéo sẽ mất cả chì lẫn chài!...”, Duy kể lại. Phải dè chừng mất một thời gian khá dài, hai chàng trai trẻ này mới được gia đình chấp nhận ý tưởng khởi nghiệp. Nhưng để có được cơ ngơi khiến nhiều người mơ ước như ngày hôm nay, hai chàng trai này cũng đã phải nếm vô vàn “trái đắng”.

Thành quả xứng đáng

Phan Thanh Sang (33 tuổi, ngụ đường Hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt), hiện là Giám đốc Công ty YSA Orchid Đà Lạt, được xem là người tiêu biểu cho phong trào khởi nghiệp tại Lâm Đồng. Thành công rực rỡ trong lĩnh sự sản xuất hoa lan các loại, anh Sang được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, một Chủ tịch Hiệp hội hoa trẻ nhất từ trước tới nay tại Đà Lạt.

Sau hơn 10 năm từ ngày đầu khởi nghiệp, Công ty YSA Orchid do anh Sang làm chủ hiện có doanh thu hơn 10 tỷ đồng mỗi năm với mô hình sản xuất rộng khắp tại TP Đà Lạt, huyện Đơn Dương và tỉnh Ninh Thuận. Sang không quên những ngày đầu khởi nghiệp từ thời sinh viên với 50 chậu hoa lan.

Bấy giờ Sang vừa học, vừa mày mò nghiên cứu lai tạo giống rồi đem bán với tên gọi vườn lan “Sang Còi”. Cơ ngơi của chàng trai này giờ đã lên tới cả trăm tỷ đồng. Năm 2017, anh Sang được lựa chọn là một trong mười gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.

Còn với “ông chủ” Nguyễn Thành Nguyên, từ 3ha đất sản xuất ban đầu, chỉ sau 3 năm giờ đã xây dựng thành một nông trại sản xuất rau công nghệ cao lớn bậc nhất tỉnh Lâm Đồng, tính cả diện tích liên kết sản xuất đã lên tới 20ha.

Toàn bộ nông sản của Nguyên đều được canh tác trong nhà kính, quy trình khép kín, tưới tiêu tự động gồm phun sương và nhỏ giọt, chất lượng sản phẩm đạt chuẩn VietGAP. Ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước, mỗi tháng Nguyên xuất sang Canada và Đài Loan hàng chục tấn đậu Hà Lan, rau xà lách Mỹ, lợi nhuận thu về cả tỷ đồng mỗi năm.

Để có được cơ ngơi như mơ này, Nguyên đã có những bước đi táo bạo, sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao, hướng tới tầng lớp “có tiền”, đi tắt đón đầu về xu hướng nhu cầu của thị trường và anh đã thành công. Nguyên còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động với thu nhập tối thiểu mỗi tháng trên 5 triệu đồng/người.

Trải qua những tháng ngày khó khăn, cực khổ nhất, nay hai anh em Khánh - Duy cũng đang sở hữu một trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rộng khoảng 3ha. Sản phẩm làm ra đã phân phối ổn định vào hệ thống nhà hàng, siêu thị và được thị trường ưu tiên lựa chọn sử dụng.

Dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức và ý chí vươn lên, ngày càng nhiều người trẻ tuổi ở Lâm Đồng khởi nghiệp, làm giàu, kiếm tiền tỷ mỗi năm khi tuổi đời mới chỉ trên dưới 30.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định ban hành đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020. Theo ông Phan Văn Đa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, sự ra đời của đề án góp phần nâng cao số DN trên địa bàn tỉnh được thành lập đến năm 2020 là 10.000 DN.

Đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm mới mang tính đặc thù của tỉnh như sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu du lịch trọng điểm gắn với liên kết, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Đây chính là những gợi ý thực tiễn để các thanh niên – sinh viên tỉnh nhà cùng suy ngẫm, đào sâu nghiên cứu và mạnh dạn để khởi sự kinh doanh dựa trên những tiềm năng, thế mạnh sẵn có kết hợp với chủ trương tạo thuận lợi của tỉnh.

“Trong hội nhập toàn cầu, Việt Nam hiện có 3 thế mạnh quan trọng: Một là, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; hai là công nghệ thông tin và ba là, du lịch. Trong 3 thế mạnh đó, Lâm Đồng đã hội tụ được 2 thế mạnh. Để biến những thế mạnh trên thành hiện thực, tạo nên một Lâm Đồng luôn đi đầu trong khu vực và phát triển kinh tế, điều này phụ thuộc một phần vào năng lực của các bạn trẻ”, ông Đa nhấn mạnh.

Nhóm PV
.
.
.