Người Việt rất chủ quan khi dùng Facebook
- Tin nhắn Messenger của người dùng bị Facebook đọc trộm
- Hơn 420 nghìn người dùng Facebook tại Việt Nam bị lộ dữ liệu
- Facebook thừa nhận 87 triệu người dùng bị rò rỉ thông tin
Facebook vừa công bố danh sách 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 9 trong danh sách với 427.446 người dùng đã bị lộ thông tin. Theo các chuyên gia an ninh mạng, người Việt rất chủ quan khi dùng Facebook. Điều này sẽ tạo ra nguy cơ lớn khi mà Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về số người dùng Facebook với khoảng 64 triệu tài khoản.
Mới đây, tại hội thảo quốc gia về an ninh bảo mật (Security World 2018), Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) khẳng định, việc lộ bí mật Nhà nước, lộ thông tin cá nhân của người dùng Internet đang diễn ra một cách đáng lo ngại. Trong năm 2017, Việt Nam đã đối mặt với nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, nhằm vào các cơ quan trọng yếu.
Đặc biệt, các cuộc tấn công này không còn diễn ra với tính chất nhỏ lẻ, tự phát mà đã được phát triển thành các chiến dịch quy mô lớn và bài bản.Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Huấn luyện an ninh mạng CSO cũng nhấn mạnh, mạng xã hội, đặc biệt là Facebook đang là công cụ thu thập dữ liệu người dùng một cách hiệu quả nhất. Các mạng xã hội khác nhau sẽ có cách thức khác nhau nhằm thu thập dữ liệu người dùng. Điều này tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ mất an toàn thông tin.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav cho biết, con số 427.446 người Việt bị lộ thông tin cá nhân không phải là lớn, nếu so với con số 64 triệu tài khoản Facebook của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy thói quen sử dụng Facebook khá dễ dãi, chủ quan của người Việt. Thống kê của Bkav đã chỉ ra, có tới 63% người dùng Việt Nam thường xuyên đọc tin tức giả mạo trên mạng xã hội, trong đó 40% là nạn nhân hằng ngày.
Theo ông Ngô Tuấn Anh, hiện trên Facebook có nhiều ứng dụng mang tính giải trí như xem bói, hẹn hò, đoán vận mệnh kiếp sau, câu hỏi trắc nghiệm… Phần lớn các ứng dụng này nhằm thu thập thông tin của người dùng như tên, tuổi, địa chỉ, giới tính, thói quen, sở thích... phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, chủ yếu là quảng cáo.
Để bảo mật thông tin, người dùng nên điều chỉnh quyền riêng tư bằng cách chọn chế độ bạn bè (Friend) thay vì công khai (Public), hạn chế kết bạn với người lạ… Ngoài ra, người dùng cần rà soát, gỡ bỏ các ứng dụng không cần thiết, đặc biệt không nên tuỳ tiện cài đặt các ứng dụng đòi hỏi truy cập thông tin cá nhân” – ông Tuấn Anh nói.
Các chuyên gia an ninh mạng của CMC InfoSec cũng khuyến cáo, người dùng nên cân nhắc thật kỹ và xác minh mức độ uy tín của các nhà cung cấp ứng dụng khi cấp quyền truy cập dữ liệu cá nhân trên Facebook, đồng thời không chia sẻ những thông tin nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, tài khoản email, địa chỉ nơi ở, số điện thoại... qua Facebook Messenger.