“Mổ xẻ” nhiều bất cập trong công tác giao khoán bảo vệ rừng tại Quảng Nam
- Tháng 4 xảy ra 200 vụ phá rừng trên cả nước
- Kiểm lâm Quảng Nam quyết tâm làm “trong sạch nội bộ” sau hàng loạt vụ phá rừng
- Vụ phá rừng tại Quảng Nam: Đình chỉ công tác hàng loạt cán bộ kiểm lâm
- Khởi tố thêm 4 bị can liên quan đến vụ tàn phá rừng ở Hà Tĩnh
- Khởi tố vụ phá rừng phòng hộ ở Đông Giang
Thống kê cho thấy, hiện diện tích khoán bảo vệ rừng theo các chính sách hỗ trợ ngân sách nhà nước thuộc diện Nghị quyết 30a, Nghị định 75/2015/NĐ-CP, Quyết định 886/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là hơn 78.400ha.
Bên cạnh đó, công tác khoán bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP đã được triển khai thí điểm tại xã Mà Cooih, huyện Đông Giang từ năm 2011 với diện tích giao khoán cho các hộ dân là 2.855ha.
Từ thực tiễn việc giao khoán cho các hộ dân, năm 2012, tỉnh Quảng Nam đã triển khai hình thức giao khoán theo nhóm hộ, áp dụng tại huyện Đông Giang và Nam Giang với diện tích hơn 21.000ha cho 73 nhóm hộ. Cách tiếp cận giao khoán rừng tự nhiên đến nhóm hộ được đánh giá phù hợp với tập quán của đồng bào dân tộc là cộng đồng trách nhiệm và chia sẻ lợi ích, giảm nhiều chi phí, thời gian giao khoán rừng; tạo cơ hội cho cộng đồng có nguồn tài chính để phát triển sinh kế.
Tuy nhiên, mặc dù triển khai thí điểm chính sách DVMTR đạt được kết quả tốt, song khi mở rộng triển khai trên toàn tỉnh Quảng Nam kết quả bảo vệ rừng lại bộc lộ nhiều hạn chế. Hiện nay, phần lớn rừng tự nhiên tại Quảng Nam đã được giao khoán bảo vệ nhưng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn cao (riêng năm 2017 là 794 vụ).
Bà Phạm Thị Như, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, thẳng thắn thừa nhận thực tế là mặc dù công tác GKBVR được thực hiện gần như toàn bộ diện tích rừng của địa phương, song do chính quyền cấp xã chưa vào cuộc, cho rằng việc quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm của cơ quan kiểm lâm mà chưa thấy trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nên chưa tạo được sự đồng thuận trong công tác tuyên truyền và bảo vệ rừng.
Mặc dù đã được GKBVR, song nhiều cánh rừng tự nhiên ở Quảng Nam vẫn bị tàn phá thời gian qua. |
Hơn nữa, công tác nhận khoán bảo vệ rừng của các nhóm hộ hiện nay tại huyện Nam Giang có một số thôn thực hiện chưa hiệu quả. Nhiều hộ gia đình tham gia chỉ để nhận kinh phí hoặc có nhiều hộ gia đình vừa tham gia bảo vệ rừng vừa tham gia khai thác hoặc tiếp tay cho lâm tặc, săn bắt bẫy động vật rừng. Một số hộ gia đình nhận khoán khác thì ỷ lại, xem việc nhận kinh phí từ các chính sách bảo vệ rừng như chính sách xã hội.
Bà Phạm Thị Như cũng cho rằng hoạt động của Ban Lâm nghiệp xã ở một số địa phương còn yếu do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, kinh phí hỗ trợ cho Ban hoạt động còn thấp nên nhiều cán bộ lâm nghiệp xã chưa thực hiện tốt chức năng tham mưu và làm tốt nhiệm vụ cầu nối giữa địa phương với các ban quản lý rừng.
Việc đơn giá GKBVR chưa có sự đồng nhất và được chi trả rất chậm cũng là nguyên nhân chính dẫn đến người dân không hài lòng, đố kỵ dẫn đến tình trạng tuần tra, kiểm tra rừng hạn chế.
Cụ thể, việc giao khoán theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP là 180.000 đồng/ ha/ năm; giao khoán theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg là 100.000 đồng/ ha/ năm; trong khi đó giao khoán theo Nghị định 75/NĐ-CP thì lên đến 400.000 đồng/ ha/ năm…
Vì vậy, thay mặt chính quyền huyện Nam Giang, bà Như kiến nghị việc chi trả kinh phí đến nhóm hộ bảo vệ rừng cần thực hiện theo quý để người dân có nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng. Đồng thời nên đồng nhất kinh phí chi trả giữa các chính sách giao khoán rừng trên địa bàn huyện Nam Giang.
Đặc biệt, cần đổi mới phương thức giao khoán từ nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng sang thành lập các tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn đối với các địa phương (thôn, xã) chưa thực hiện tốt việc bảo vệ rừng. Thành lập Quỹ bảo vệ rừng cấp xã, giao cho UBND xã chịu trách nhiệm quản lý GKBVR tại địa phương.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, thống nhất nâng mức giao khoán rừng lên hơn 400.000 đồng/ha. Về chuyển đổi hình thức giao khoán, sẽ xem xét giữ lại một số nhóm hộ được GKBVR hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, chủ trương vẫn là hướng đến mô hình cộng đồng được GKBVR làm chủ đạo.
Các địa phương có rừng phải thành lập các tổ bảo vệ rừng, có chốt bảo vệ trong khu rừng để nắm bắt kịp thời hiện trạng rừng, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng được giao khoán. Đặc biệt, ông Thanh cho biết sẽ thành lập Quỹ khen thưởng công tác quản lý, bảo vệ rừng cấp huyện, kinh phí được lấy từ việc thu hồi tiền GKBVR nhưng không mang lại hiệu quả. Ngoài ra, kinh phí hoạt động quỹ cũng sẽ được xã hội hóa để các tổ chức, cá nhân thể hiện trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đáng chú ý là việc chi trả tiền DVMTR sẽ được chi trả hằng tháng.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao cho ngành Nông nghiệp và Kiểm lâm tỉnh xây dựng đề án GKBVR trên địa bàn toàn tỉnh, bên cạnh việc tổ chức, kiện toàn bộ máy kiểm lâm. Đồng thời, nghiên cứu ban hành quy chế chuẩn về công tác GKBVR.Tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết đến nay có một số cán bộ kiểm lâm đã nộp đơn xin nghỉ việc với lý do được đưa ra là do tuổi cao sức yếu hay chịu nhiều áp lực trong công việc. Việc thống kê, rà soát cán bộ kiểm lâm xin nghỉ việc được thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam sau các vụ phá rừng liên tiếp xảy ra thời gian qua. |