Đồi cỏ hồng đẹp như tranh ở Suối Vàng bị lấn chiếm

Thứ Hai, 03/12/2018, 18:01
UBND huyện Lạc Dương đề nghị Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà nghị phối hợp kiểm tra, truy tìm những đối tượng lấn chiếm đất rừng tại đồi cỏ hồng, một điểm du lịch miễn phí nức tiếng nhưng đơn vị này “phản pháo” cho rằng vị trí vị lấn chiếm không thuộc sự quản lý của Vườn.

Sáng 3-12, ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (Lâm Đồng) cho biết, đơn vị đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ những đối tượng đã liều lĩnh lấn chiếm đất rừng ngay khu vực “cây cô đơn” hồ Đan Kia - Suối Vàng, một địa điểm du lịch miễn phí rất nổi tiếng thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. 

Đồi cỏ hồng bị lấn chiếm, đào lỗ

Cũng theo ông Hương, sự việc được Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà phát hiện, phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản hiện trường vào ngày 30-11. Diện tích đất rừng bị các đối tượng lấn chiếm, đào lỗ, ước tính gần 10.000m2, sát hồ Đan Kia - Suối Vàng. 

Trước khi bị lấn chiếm, vị trí này là đất lâm nghiệp nhưng không có cây rừng, mặt đất được bao phủ bởi một loại cỏ cho ra hoa màu hồng, nở vào cuối năm rất đẹp, chính vì vậy UBND huyện Lạc Dương đã tổ chức “Mùa hội cỏ hồng Langbiang 2018”. 

Ông Hương cho biết thêm, vị trí này thuộc đất rừng sản xuất, được UBND tỉnh Lâm Đồng quy hoạch để phát triển dự án du lịch, trong thời gian mời gọi nhà đầu tư được tạm thời giao cho Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà quản lý. 

Tuy nhiên, 15h cùng ngày, ông Lê Văn Hương thông tin lại với phóng viên, cho rằng vị trí đất rừng vừa bị các đối tượng lấn chiếm, đào lỗ bên cạnh hồ Đan Kia – Suối Vàng không thuộc sự quản lý của Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà. Theo ông Hương, việc UBND huyện Đơn Dương ra văn bản đề nghị đơn vị này xử lý các đối tượng lấn chiếm đất rừng là không chính xác.

Trước đó, sau khi phát hiện đất rừng bị lấn chiếm, UBND huyện Lạc Dương đã có văn bản hỏa tốc gửi Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đề nghị phối hợp với cơ quan chức năng của huyện tổ chức kiểm tra, truy tìm những đối tượng lấn chiếm đất rừng, đào lỗ để chuẩn bị trồng cây. 

Huyện Lạc Dương cũng đề nghị Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tăng cường lực lượng tuần tra bảo vệ, đồng thời chỉ đạo cho Tổ nhận khoán bảo vệ rừng tại khu vực tiến hành san lấp, hoàn nguyên toàn bộ diện tích bị lấn chiếm, tác động.


UBND huyện Lạc Dương cho rằng vị trí này thuộc sự quản lý của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà nhưng lãnh đạo Vườn lại phủ nhận
Khắc Lịch
.
.
.