Chế tài hở, thịt bẩn, thịt “độc” ùn ùn vào bữa ăn

Thứ Tư, 30/12/2015, 07:49
 Hành vi vi phạm đã lây lan từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hàng loạt trang trại nuôi heo lớn. Chế tài thiếu, lại bị hổng quá lớn là nguyên nhân khiến căn bệnh vô cảm, coi thường sức khỏe người tiêu dùng này trở thành mãn tính, khó chữa.
Thịt gia súc, gia cầm dương tính với chất tạo nạc - Beta-agonist mang mối họa gây ung thư cho con người. Lệnh cấm sử dụng trong chăn nuôi đã được đưa ra, song thực tế cho thấy đã bị “vô hiệu hóa” hoàn toàn vì sau 13 năm bị cấm, Beta-agonist không hề bị khống chế mà ngược lại, đang có nguy cơ hoành hành mạnh hơn.

Từ đầu năm 2015 đến nay Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh thực hiện 2 đợt kiểm tra tại 14 cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố, lấy 516 mẫu nước tiểu ở 120 lô heo đưa về xét nghiệm. Kết quả, có tới 23/120 lô heo dương tính với chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist (cả 3 loại chất cấm không cho sử dụng là Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamin) đều thấy trong các mẫu thịt heo, chiếm tỷ lệ 19,17%. Có 95/516 mẫu dương tính với chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist, chiếm tỷ lệ 18,41%.

Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2015, nguyên liệu nhập về Việt Nam Salbutamol là 4,6 tấn, chưa kể 1,9 triệu bao các loại tân dược khác có hàm lượng salbutamol đã được đưa vào Việt Nam. Tại cuộc hội thảo “Loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh mới đây, ông Phan Xuân Thảo, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh chỉ rõ, chất cấm vào thị trường Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi bằng cả con đường chính ngạch, tiểu ngạch và đang lan rộng ở các tỉnh, thành phía Nam. Trong các vụ việc phát hiện được cho thấy, chất cấm thực sự hấp dẫn người chăn nuôi sử dụng khi được quảng bá như một loại thức ăn bổ sung trong thức ăn gia súc có tác dụng giúp “bung đùi, nở vai”, heo tăng trọng cao hơn 30-40kg so với nuôi thức ăn bình thường. 

Bỏ kiểm dịch nội tỉnh chỉ phù hợp khi trình độ chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển tiêu thụ đạt quy trình khép kín, tiên tiến

Đồng thời với việc phát hiện và nghi vấn Salbutamol lọt ra ngoài thị trường ở phía Bắc, tại khu vực phía Nam, tỉnh Đồng Nai là “vựa” cung cấp nguồn thịt gia súc gia cầm lớn về khu vực TP Hồ Chí Minh thì liên tục được cơ quan chức năng phát hiện các trang trại nuôi heo có sử dụng chất cấm. Nhức nhối khi rà soát cho thấy, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại tỉnh này được người dân sử dụng một cách tràn lan, cả 3 loại chất cấm không cho sử dụng là: Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamin được phát hiện trong thịt heo một cách bình thường.

Nhức nhối hơn khi thương lái thừa nhận là chủ mua hàng, đồng thời cung cấp chất cấm cho người chăn nuôi để có heo nạc nhiều. Từ đầu năm tới nay, địa phương này cũng tổ chức 4 đợt lấy mẫu tại 225 trang trại nuôi heo để xét nghiệm. Phát hiện tại 31 trang trại với hàng ngàn con heo dương tính với chất salbutamol. Và đây mới chỉ là con số kiểm tra ngẫu nhiên, còn trên tổng số có 1.500 trại nuôi heo tại Đồng Nai, số cơ sở quá lớn nên cơ quan chức năng chưa thể ra quân kiểm soát nổi chất tạo nạc.

Những chứng cứ trên cho thấy, dù bị cấm 13 năm nay, nhưng sự hấp dẫn của chất tạo nạc với lợi nhuận khiến người chăn nuôi bất chấp mà sai phạm. TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ rộng lớn, là nơi được ví như một “túi chứa” lượng thịt gia súc gia cầm đổ từ các tỉnh về, trong đó có Đồng Nai. Trong khi đó, cơ quan, ban, ngành tỉnh Đồng Nai chưa có giải pháp nào ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại địa phương này.

Năm 2007, khi lần đầu tiên Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh công bố nghiên cứu trên 334 mẫu thịt gia súc, gia cầm phát hiện 15,57% số mẫu dương tính với Clenbuterol. Vào thời điểm này, một số công ty sản xuất thức ăn gia súc bị nghi có dùng chất cấm trộn vào, nhưng cuối cùng thì “huề” cả làng vì năng lực xét nghiệm của cơ quan chức năng đối với chất này gặp khó khăn.

Vào năm 2012, các công tác xét nghiệm tìm độc chất trong thực phẩm đã đáp ứng yêu cầu, khi một số hộ chăn nuôi bị phát hiện có trộn chất cấm vào thức ăn gia súc để mục đích tăng trọng, đích thân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ra chỉ đạo yêu cầu xử lý rốt ráo, song hành vi vi phạm dần đi vào “yên ắng” do các hộ chăn nuôi lén sử dụng.

Sự vụ kiểm tra Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông Hà Nội, với việc phát hiện hành vi nhập khẩu Salbutamol nhiều hơn với số lượng trên hoá đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu, tá dược, bán thành phẩm thuốc lên tới hàng trăm ký được phê duyệt trước đó, lúc này nhà quản lý mới tá hoả. Phanh phui sự việc còn cho thấy, công ty này còn bán buôn nguyên liệu Salbutamol cho các đơn vị, cá nhân không đủ điều kiện kinh doanh thuốc và vi phạm nghiêm trọng các qui định trong hoạt động kinh doanh nguyên liệu làm thuốc.

Điều lo ngại khi việc vi phạm nghiêm trọng này đã tồn tại suốt 2 năm. Đến lúc này, nhà quản lý rà soát lại mới “chợt” nhận ra rằng, “kẽ hở” là quá lớn khi Salbutamol không thuộc danh mục cấm nhập khẩu theo qui định của Bộ y tế.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Khương Trần Phúc Nguyên, Chánh Thanh tra Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh còn tỏ ý rất lo ngại, hiện, theo qui định cũ thì lực lượng chức năng tiến hành kiểm dịch thịt động vật từ nơi xuất phát, tình trạng thịt gia súc, gia cầm “bẩn” vẫn khó kiểm soát do việc vận chuyển tinh vi, đối phó với cơ quan chức năng.

Dự thảo Luật Thú y quy định chỉ thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật khi vận chuyển ra khỏi tỉnh và bãi bỏ việc kiểm dịch khi vận chuyển trong tỉnh là không phù hợp với thực tế hoạt động chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm động vật hiện nay của ta. Nếu bỏ kiểm dịch nội tỉnh thì heo bệnh, heo chết, heo tạo nạc sẽ vô tư được giết mổ và tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh.

Thu gom 800kg nội tạng bốc mùi bán cho nhà hàng

Rạng sáng 29-12, Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp Hà Nội làm nhiệm vụ tại khu vực xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội phát hiện chiếc xe tải mang BKS 29C-223.55 có biểu hiện nghi vấn đang dừng đỗ để dỡ hàng.

Tiến hành kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe chở nhiều bao tải bên trong có chứa nội tạng gia súc và nhiều loại thịt gia súc chưa chế biến đã bốc mùi hôi thối. Lái xe  là Chu Văn Đà, SN 1975, trú tại xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Kiểm đếm cụ thể cho thấy, số hàng trên bao gồm: lòng bò, tiết, da, thịt vụn thải có tổng trọng lượng là 800kg, tất cả đều đang bốc mùi hôi thối.

Tại cơ quan chức năng, Đà khai nhận thu mua số hàng trên tại địa bàn huyện Thường Tín rồi đem đi tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đà đã làm công việc trên được gần 1 năm. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng. (T.M.)

Huyền Nga
.
.
.