Đủ trò ma mãnh kinh doanh thịt bẩn

Thứ Sáu, 05/12/2014, 11:27
Heo bệnh, thậm chí đang trong quá trình phân hủy, biến chất, bốc mùi hôi thối, nhưng người vi phạm vẫn không ngần ngại thu gom, sau đó tìm cách “phù phép” thành những miếng heo quay thơm phức, bán cho người tiêu dùng. Còn ngay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nạn giết mổ heo lậu, theo cán bộ thú y hiện đã hết thuốc chữa, mà kẻ vi phạm cũng “lờn thuốc”. Nguyên nhân chính do luật quản lý thì quá “hở” mà kẻ vi phạm thì... vô tư.

Trưởng trạm thú y Bình Chánh, ông Khương Trần Phúc Nguyên chỉ biết lo lắng: Rất khó khăn trong quản lý ATVSTP kinh doanh thịt gia súc, gia cầm hiện nay. Điển hình như vụ việc 198kg thịt heo bệnh đã trong tình trạng rỉ dịch, phân hủy bị phát hiện vào 27/11 vừa qua. Khi lô hàng được giữ kịp thời tại cầu Chữ Y quận 7, TP Hồ Chí Minh, qua kiểm tra mắt thường đã cho thấy các thân heo đã trong tình trạng thối rữa, nhớt nhờn. Thế nhưng ông Nguyễn Văn Bình (35 tuổi), người chở lô hàng này vẫn không nhận 15 con heo chứa trong 3 bao tải, được ngụy trang bằng lá chuối bên ngoài này là của mình. Khi ghi biên bản vụ việc, ông Bình vẫn sẵn sàng nộp phạt 4,5 triệu đồng nhưng “giả ngơ”, không cho biết sẽ phân phối về địa chỉ nào trong TP Hồ Chí Minh, và chỉ khai là tình cờ mua lô hàng của một người lạ tại bến xe Bến Lức - Long An về bán cho các lò heo quay ở TP Hồ Chí Minh.

Để bắt giữ lô hàng trên, trước đó, Trạm thú y Bình Chánh được một người dân tại huyện Gia Kiệm, Long An gọi báo. Người báo cho biết rõ từ biển số xe máy cũng như cách thức ngụy trang lô hàng, thú y Bình Chánh chỉ việc tổ chức “đón lõng” ngay tại hầm cầu Thủ Thiêm, bám theo ông Bình cho tới cầu Chữ Y mới bắt giữ.

Theo ông Nguyên, từ đầu năm tới nay, có 92 cuộc gọi báo của người dân từ các tỉnh vùng ven như Long An, Tây Ninh, Bến Tre… cho Trạm Bình Chánh, giúp cho việc phát hiện bắt giữ 39 vụ việc kinh doanh, vận chuyển thịt gia súc, gia cầm bẩn. Mỗi vụ việc cho thấy, giới đầu nậu ngày càng tinh vi, giở nhiều chiêu ranh ma hơn.

“Luật của ta còn  “hở”, nên nạn thịt bẩn còn tung hoành”, ông Nguyên phân tích. Như vụ việc bê bối của Công ty Đại Hạnh Phúc (Hóc Môn) kinh doanh mỡ bẩn xuất khẩu đã bị chính quyền Đài Loan chính thức ngưng nhập khẩu dầu ăn từ Việt Nam vào thị trường Đài Loan từ ngày 24/10 vừa qua; trong đó có hành vi tổ chức kinh doanh mỡ động vật làm thực phẩm cho người nhưng chưa được chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, Công ty Đại Hạnh Phúc đã bị cơ quan chức năng đình chỉ để phục vụ điều tra, Bộ Công Thương yêu cầu UBND TP Hồ Chí Minh rút giấy phép kinh doanh cơ sở này…

Lô heo thối dùng lá chuối ngụy trang bị bắt giữ tại cầu Chữ Y.

Theo ông Nguyên, cơ sở này vào năm 2013 đã được Trạm thú y Bình Chánh phát hiện khi định “bám rễ” tại địa bàn Bình Chánh. Trạm đã báo với UBND huyện Hóc Môn phối hợp kiểm tra, tuy nhiên phía UBND huyện Hóc Môn lúc đó lại thông báo không hề có công ty này trên địa bàn. Sự việc sản xuất mỡ bẩn kéo dài từ 2012-2014 mới bị phát hiện. Và hiện có không ít công ty kinh doanh mỡ bẩn theo kiểu trên mà chiêu chủ yếu là tìm cách “núp bóng” dưới mác sản xuất thức ăn gia súc (TĂGS). Sản xuất TĂGS thì không cần giấy chứng nhận ATVSTP, mà chỉ cần giấy phép kinh doanh. Họ thu mua tại chợ mỡ heo, nội tạng heo, với giá “bèo”, khi không được cơ quan chức năng “để mắt”, các đồ phủ tạng heo cho mục đích TĂGS lại được biến thành thức ăn cho người, cung ứng vào các nhà hàng, quán nhậu với giá không rẻ.

Luật “hở” còn ở chỗ, mức phí phạt vi phạm hành chính cho hành vi kinh doanh thịt bẩn hiện nay cao nhất là 50 triệu đồng/vụ. “Canh” theo mức này, nếu dưới 10 con heo lậu bị bắt giữ, chủ lô hàng sẵn sàng bỏ luôn, vì “cân đong, đo đếm” giữa tiền phạt, tiền phí lưu kho, tiền phí xét nghiệm, tiền tiêu hủy,… còn cao hơn trị giá lô hàng. Cũng vì thế,  tại Trạm thú y Bình Chánh hiện đang giữ tới hơn 40 chiếc xe máy tang vật chở thịt bẩn mà chủ “bỏ của chạy lấy người”, không nộp phạt cũng như không lấy lại xe vi phạm.

Huyền Nga
.
.
.