Ngành Dệt may cần chủ động nguồn nguyên liệu để gỡ khó

Thứ Năm, 13/02/2020, 07:40
Ngành Dệt may kỳ vọng xuất khẩu đạt 42 tỷ USD trong năm 2020 (tăng 3 tỷ USD so năm 2019). Tuy nhiên, ngành Dệt may phải nhập khẩu 80%, trong đó nhập khẩu nhiều nhất là thị trường Trung Quốc (chiếm gần 50%) nhưng dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp, dự báo năm 2020 sẽ tiếp tục là một năm hết sức khó khăn của ngành dệt may trong nước.


Năm 2019 là năm khó khăn của ngành Dệt may Việt Nam khi đối mặt với nhiều biến động khó lường từ thị trường. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành Dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết.

Tuy nhiên, để được hưởng những ưu đãi từ các FTA mang lại thì ngành dệt may trong nước hầu như chưa tận dụng được vì phải đáp ứng nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ từ vải, sợi trở đi. Trong khi đó, tại Việt Nam thiếu hụt các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu, dệt, nhuộm..., chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đã tác động bất lợi đến ngành Dệt may Việt Nam.

Theo nhận định của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: “Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khiến các doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt sợi gần như không xuất khẩu sang Trung Quốc được, tỷ lệ xuất khẩu rất nhỏ so với mục tiêu đặt ra”.

Ngành Dệt may cần chủ động nguồn nguyên liệu.

Cụ thể, ngành sợi xuất khẩu trên 3 tỉ USD/năm, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 2,4 tỉ USD. Nhưng do Trung Quốc mua với giá rất thấp, nên DN trong nước không thể xuất bán cho Trung Quốc, khiến ngành sợi Việt Nam bị lao đao.

Mặt khác, với các FTA Việt Nam đã ký, các DN dệt may đặt rất nhiều kỳ vọng vì được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan. Trong đó, FTA với EU (Hiệp định EVFTA) vừa ký kết, được các DN dệt may trông đợi từ nhiều năm nay, vì đây là thị trường có giá trị gia tăng cao, sản phẩm có chất lượng, đa dạng hóa được mẫu mã, chủng loại và là thị trường truyền thống với mức tăng trưởng duy trì đều đặn hàng năm. Bộ Công Thương cũng đánh giá, ngành Dệt may sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định EVFTA.

Nhưng thực tế, sau khi Hiệp định được ký kết, DN dệt may Việt Nam xuất khẩu vào EU chưa thể hưởng được mức giảm thuế ngay, và theo lộ trình từ 3-7 năm, mức thuế sẽ giảm dần từ 12% về 0%. Trước mắt, DN chưa thấy hưởng lợi về thuế ưu đãi, nhưng khó khăn phải đối mặt đó là phải thực hiện nghiêm yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Theo đó, hàng dệt may khi xuất khẩu vào EU phải sử dụng vải sản xuất tại Việt Nam, việc cắt may phải được thực hiện bởi DN Việt Nam hoặc DN châu Âu. EU chỉ cho phép sử dụng thêm vải sản xuất tại Hàn Quốc vì nước này đã có FTA song phương với EU, trong khi DN trong nước chưa chủ động được việc sản xuất sợi và vải, phải nhập khẩu.

Tương tự, với Hiệp định CPTPP, ngành Dệt may kỳ vọng nhiều nhất là thị trường Canada và Australia. Để được hưởng ưu đãi thì các thị trường này các công đoạn: Tạo xơ, xe sợi, dệt, hoàn thiện vải và cắt may phải được thực hiện ở các nước thành viên nằm trong Hiệp định CPTPP, trong khi vải DN phải nhập khẩu đến 80%. Trong đó, nhập từ Trung Quốc gần 50% (Trung Quốc lại không thuộc CPTPP), số ít còn lại nhập khẩu từ Hàn Quốc...

Trong khi ngành Dệt may đang bị áp lực về quy tắc xuất xứ, chưa thể hưởng được những ưu đãi thuế quan do các FTA mang lại, thì dịch bệnh do virus Corona bùng phát cũng gần như “cấm cửa” việc xuất khẩu dệt sợi của Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc để phục vụ cho ngành Dệt may Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Kha, chủ DN may mặc ở quận Bình Tân cho biết, công ty ông chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu đi Mỹ, EU, nhưng có nguy cơ bị “đứt” hàng do nguyên liệu vải dự trữ chỉ có thể sản xuất đến giữa tháng 3. Trong khi đó, nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Công ty cũng tính đến việc thay thế nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường khác, nhưng giá thành cao rất khó cạnh tranh.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Chu kỳ của ngành Dệt may thường là cách một năm có nhiều đơn hàng và năm sau sẽ ít đơn hàng. Năm 2020, dự đoán sẽ là năm có nhiều đơn hàng đổ về Việt Nam, đặc biệt là các đơn hàng đi thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, để tận dụng được các lợi thế từ thị trường, bên cạnh nỗ lực rất lớn của các DN, cần chú trọng đến việc tháo gỡ nút thắt về nguồn cung nguyên liệu đã và đang bị thiếu hụt, giải quyết tốt các vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao, về môi trường”.

Trước mắt, để giải quyết những khó khăn cho DN dệt may gặp phải ngay từ những ngày đầu năm, Bộ Công Thương khuyến khích các DN chủ động tìm kiếm các nguồn hàng mới, tránh phụ thuộc vào một thị trường cụ thể. Đồng thời, những kiến nghị của DN cũng sẽ được Bộ Công Thương tổng hợp, từ đó có các giải pháp, chính sách kịp thời để hỗ trợ DN ổn định sản xuất và duy trì mục tiêu tăng trưởng.

Tuy nhiên, về lâu dài, để giải quyết khâu thiếu hụt nguyên liệu này, nhiều ý kiến cho rằng, ngành Dệt may trong nước buộc phải đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu, dệt, nhuộm... để chủ động được nguồn nguyên liệu, sẽ giải quyết được các đơn hàng xuất khẩu, đồng thời cũng đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng thuế quan từ các FTA mang lại.

T.Hà – N.Cẩm
.
.
.