Chấm điểm mức độ công khai, minh bạch thông tin để “thúc” cổ phần hóa doanh nghiệp

Thứ Năm, 09/06/2016, 08:46
Đây là chủ trương của Bộ Tài chính để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang được cho là chậm tiến độ.


Tại cuộc họp chuyên đề diễn ra ngày 8-6, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 27-5, cả nước cổ phần hóa được 38 DN, trong đó có 6 tổng công ty là: Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp; Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam; Tổng Công ty 36 Bộ Quốc phòng; Tổng Công ty Lâm nghiệp; Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp. Đến cuối tháng 5, đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa tại 61 DN, 77 công ty đang xác định giá trị DN. “Về tốc độ cổ phần hóa, quý I hơi chậm, nhưng quý II đã tích cực hơn”, ông Tiến đánh giá.

Một trong những yếu tố khiến cho quá trình cổ phần hóa DNNN chậm đó là khó khăn trong xác định giá trị DN. Thế nhưng có những DN đã xác định được giá trị rồi, nhưng đến khi chào bán cổ phần lại ế.

Một số liệu được cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra tại buổi Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam - Cơ hội nào cho DN?” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh mới đây còn cho biết: Hiện chúng ta đã cổ phần hóa được hàng chục nghìn DNNN, nhưng số vốn cổ phần hóa mới chỉ không quá 5% vốn pháp định, quá bé nhỏ nên không thể thay đổi vấn đề quản trị của DN.

Nhiều Bộ vẫn muốn nắm tỷ lệ cao tại các DNNN.

Ông Đặng Quyết Tiến khẳng định cho rằng, DN cần xem xét lại quá trình mời nhà tư vấn cổ phần hóa, vì việc chọn đơn vị tư vấn cổ phần hóa không đơn giản là xác định DN. Tư vấn cổ phần hóa là việc xây dựng hình ảnh tương lai DN như thế nào để thu hút các nhà đầu tư, để tìm nhà đầu tư hợp lý, từ đó tư vấn việc bán  cổ phần. “Tôi nghĩ muốn bán được hàng thì hàng tốt hay hàng xấu là một chuyện, nhưng cứ so sánh đơn giản, một anh bán mà lúc nào cũng đon đả, tươi cười thì dù hàng có giá đắt một chút, người mua cũng sẽ mua.

Ngược lại, nếu anh bán hàng mặt luôn cau có thì làm sao bán được hàng. Chọn đơn vị tư vấn ở đây là chọn được đơn vị có trình độ, họ đưa ra được lợi thế, cơ hội. Có nhiều DN khi chào bán cổ phần, phần lợi thế, điểm yếu cứ chép y nguyên như sách giáo khoa thì làm sao mà ai mua được” - ông Tiến nói.

Một nguyên nhân nữa được ông Đặng Quyết Tiến chỉ ra là, tư tưởng ở một số bộ trước đây vẫn muốn nắm giữ tỷ lệ vốn chi phối ở các tổng công ty lớn. Ví dụ như Bộ Xây dựng, tất cả DN thuộc Bộ Xây dựng đều giữ tỷ lệ chi phối rất cao nên bán không được. Ví dụ như việc các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua 49% cổ phần như tại Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) nhưng bộ lại không cho, đến khi đấu giá bán được rất ít và tỷ lệ vốn Nhà nước vẫn chiếm tới 90%.

“Khi bỏ tiền đầu tư, các nhà đầu tư muốn nắm giữ tỷ lệ cao là nhằm làm chủ “mặt trận” của mình. Tuy nhiên, việc cơ quan chức năng muốn nắm giữ tỷ lệ cao đã làm mất cơ hội cổ phần hóa cho DN. Trong khi đó, quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa, Nhà nước vẫn có thể chi phối bằng cách xây dựng điều lệ trước khi chào bán, dù tỷ lệ nắm giữ vốn chỉ cần giữ ở mức 30-35%”, ông Tiến cho biết.

Để thúc tiến độ quá trình cổ phần hóa DNNN, đại diện Bộ Tài chính cho rằng bên cạnh tổ chức lại việc lựa chọn cổ đông, tiến hành xác định giá trị DN thì công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch thông tin cũng cần phải đẩy mạnh hơn. Nếu thông tin mù mờ thì nhà đầu tư không thể yên tâm. Hơn nữa, khi đã hội nhập, các DN cũng cần từng bước minh bạch hơn, theo đó, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tìm hiểu thị trường trên cơ sở thông tin do DN công bố trên các website.

Hiện nay, một trong những giải pháp đang được cơ quan chức năng xem xét thực hiện là chấm điểm mức độ công khai, minh bạch của báo cáo tài chính các DN: “Chúng tôi đang phối hợp với các sở giao dịch chứng khoán và một số cơ quan liên quan để có cơ chế bình bầu, đánh giá báo cáo tài chính tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Cách đánh giá theo dự tính của cơ quan chức năng là sẽ mời thêm tổ chức độc lập để chấm điểm. Các cơ quan liên quan khác bao gồm Bộ Tài chính hay chính các cơ quan báo chí cũng sẽ có quyền cùng bỏ phiếu đánh giá. Chúng tôi hy vọng cơ chế này sẽ tạo đà đột phá, đổi mới trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN”, ông Tiến thông tin.

PV
.
.
.