Chuyện thật như đùa: Chậm cổ phần hóa vì... xin ý kiến

Thứ Sáu, 25/12/2015, 14:31
Sáng 24-12, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chủ trì.


Dù đã hoàn thành cơ bản kế hoạch Chính phủ giao, nhưng Bộ Công thương vẫn còn tồn tại một số DN có vướng mắc chưa thể cổ phần hoá, đều là những DN có kết quả sản xuất kinh doanh kém, có vướng mắc về tài chính, công nợ, được ví như những cô “gái xấu” khó gả chồng.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, năm 2015, Bộ Công Thương tiếp tục cổ phần hoá (CPH) 7 đơn vị, trong đó có 3 tổng công ty, và 4 công ty TNHH một thành viên. Đến nay, 3 tổng công ty đã được bộ thẩm định phương án CPH trình Thủ tướng xem xét phê duyệt. Với 4 đơn vị còn lại thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ, có 3 công ty đã phê duyệt, đang bố cáo và chuẩn bị IPO chậm nhất trong đầu 2016, còn 1 công ty đang tiến hành xác định giá trị DN.

Cổ phần hoá, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn đang gặp nhiều vướng mắc.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định, “công tác tái cơ cấu, CPH, thoái vốn đến nay không đạt như mong muốn. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán không khởi sắc, DN thuộc diện CPH gặp khó khăn về vốn, công nợ, đất đai, tài sản… những DN còn lại là những DN thực sự khó khăn”.

Theo ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng, Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới DN, Bộ Công Thương, sau khi tiếp xúc với các DN thuộc Bộ, có thể rút ra được 37 vấn đề vướng mắc ở các giai đoạn. Đó là các khó khăn về pháp lý, về tài chính, về vấn đề người lao động và về quản lý. Những điều này dẫn tới hậu quả chậm trễ CPH, và một số đơn vị đã thực hiện xong cũng đã phát hiện ra những sai lầm.

Tại Hội nghị, một số lãnh đạo DN kiến nghị xem xét lại việc xác định giá trị DN, vì dù phương án này là “an toàn nhất cho Nhà nước, nhưng lại tạo ra gánh nặng cho công ty sau khi CPH”, và đây cũng là một trong những khó khăn chính khi tiến hành CPH. EVN và Petrolimex cũng cùng có một kiến nghị khác liên quan đến quy định các đơn vị công ty mẹ sở hữu trên 30% vốn sẽ không được tham gia đấu thầu, vô tình loại bỏ các đơn vị kỹ thuật cao, rành công nghệ nhất trong lập phương án, thi công các công trình cần kỹ thuật rất đặc thù như điện, xăng dầu.

“Chúng tôi đã có nhiều trường hợp một DN chỉ có một ông giám đốc và 1 cô kế toán thắng thầu, sau đó thuê lại đơn vị của mình làm, vì chỉ mình mới có khả năng làm những việc đó với chất lượng tốt nhất nhưng lại không được tham gia đấu thầu” – ông Đặng Hoàng An kiến nghị.

Tương tự, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết “Với Petrolimex, dù có rẻ đến mấy tôi cũng không cho các đơn vị khác vào thi công kho xăng dầu khi đang hoạt động, vì không thể đảm bảo an toàn. Thà tôi chịu trách nhiệm vì không tổ chức đấu thầu còn hơn là để các đơn vị không có chuyên môn làm, trong khi phải gạt ra tất cả các đơn vị mình đang sở hữu có chuyên môn sâu. Vì vậy tôi chỉ định thầu. Hàng chục năm qua tôi bị bảo làm sai, đó là sai nhưng mà đúng. Đó là những cái phải thay đổi”. Rất nhiều DN cũng “ca thán” việc chậm trễ là do việc xin ý kiến các bộ, ngành. “Thoái vốn đều phải xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, nhưng mất 3 tháng chúng tôi mới nhận được văn bản nửa trang yêu cầu bổ sung thêm abc… mặc dù Chính phủ rất sốt ruột.

Phải xem lại trách nhiệm của các công chức khi xử lý văn bản thế nào” - ông Đặng Hoàng An kiến nghị. EVN có trường hợp gửi văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính, qua 5 tháng không nhận được câu trả lời.

Phản hồi những thắc mắc của DN, ông Nguyễn Trọng Dũng – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương cho rằng, vướng mắc trong xác định giá trị DN, vấn đề công nợ dây dưa, những tồn tại ODA đời “tám hoánh” là do xử lý chậm, các bộ đùn đẩy trách nhiệm, không dám thừa nhận thực tế.

“Có những tài sản xác định 10 tỷ đồng, giờ nó còn có 500 triệu đồng, ông cứ treo đấy, hết giám đốc này đến giám đốc khác cứ bàn giao cho nhau nguyên đai nguyên kiện trên sổ sách, nhưng thực tế là mất từ lâu rồi, giờ CPH mới phải sờ đến. CPH nó rất hay ở chỗ ấy, các đồng chí không giấu được đâu. Vậy thì còn bao nhiêu phải xác định bấy nhiêu chứ, tại sao chúng ta cứ để mãi. Bây giờ 5, 7 đời giám đốc rồi, các đồng chí cứ mạnh dạn làm, công khai, minh bạch, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ”. 

Trả lời câu  hỏi của lãnh đạo Sabeco về mục tiêu của CPH, khi bản thân DN đang làm ăn hiệu quả, quản trị tốt…, ông Nguyễn Trọng Dũng cho biết, “mục tiêu CPH không phải bán bớt, không phải thu hồi vốn, mà quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Hiện nay, chúng ta đã CPH hơn 4.000 DN rồi, và phải thừa nhận CPH là một giải pháp cơ bản quan trọng nhất trong tái cơ cấu và thực sự nó mang lại hiệu quả lớn nhất. Chúng tôi đánh giá 2 Tổng Công ty Sabeco và Habeco là CPH không thành công, bán có mấy % cổ phần, không CPH thì 2 anh này hoạt động vẫn hiệu quả, nhưng đáng ra phải hiệu quả hơn thế.

Vũ Hân
.
.
.