72 doanh nghiệp nợ BHXH 132 tỷ đồng

Thứ Sáu, 10/01/2020, 14:23

Trong năm qua, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh đã lập biên bản vi phạm hành chính tại 134 đơn vị với tổng số tiền xử phạt là 11,9 tỷ đồng và nhất là đã chuyển cơ quan Công an đề nghị xử lý hình sự 72 đơn vị nợ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền nợ BHXH 132 tỷ đồng…


Tại Hội nghị triển khai công tác phối hợp với báo chí tổ chức sáng 10-1, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, cho biết năm 2019, cơ quan BHXH TP Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ 72 doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng 132 tỷ đồng BHXH cho cơ quan Công an TP Hồ Chí Minh điều tra để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

BHXH TP Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ 72 doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH cho Công an TP Hồ Chí Minh điều tra, xử lý hình sự.

Sau khi BHXH TP Hồ Chí Minh chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an, có 6 đơn vị đã cơ bản trả hết nợ và BHXH TP Hồ Chí Minh đã đề nghị rút tên các doanh nghiệp này, cơ quan Công an cũng chấp nhận đưa ra khỏi danh sách khởi tố.

Trong số những doanh nghiệp còn lại, đa số đã khắc phục một phần tiền trốn đóng BHXH và cơ quan Công an đang tiến hành các thủ tục điều tra theo quy định. Tổng số tiền các doanh nghiệp đã khắc phục, đóng cho BHXH là 46 tỷ đồng.

Riêng với các doanh nghiệp vẫn cố tình nợ, trốn đóng BHXH, BHYT thì hồ sơ vụ việc đã được chuyển về Công an các quận huyện thụ lý theo thẩm quyền. Với BHXH TP Hồ Chí Minh cũng đã có chỉ đạo cơ quan BHXH các quận huyện phải tích cực phối hợp cung cấp thông tin, giúp cơ quan Công an điều tra, xử lý.

Trong năm 2019, BHXH TP Hồ Chí Minh đã thanh tra, kiểm tra liên ngành tại gần 5.750 đơn vị. Qua đó, BHXH TP Hồ Chí Minh đã thu được số tiền nợ là 263 tỷ đồng. BHXH TP Hồ Chí Minh cũng lập biên bản vi phạm hành chính tại 134 đơn vị với tổng số tiền xử phạt là 11,9 tỷ đồng, trong đó có 72 đơn vị bị xử phạt theo Quyết định của Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh với số tiền 2,6 tỷ đồng và chuyển UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị xử phạt 62 đơn vị 9,3 tỷ đồng.

Cơ quan BHXH đã có 3 văn bản gửi các đơn vị liên quan để giải quyết thấu đáo quyền lợi về BHYT cho người bệnh (hình minh họa).

Theo ông Phan Văn Mến, trong thời gian qua, nhiều bệnh nhân bức xúc khi đi khám chữa bệnh BHYT tại một số bệnh viện nhưng bị bệnh viện thông báo hết thuốc, không cung cấp và bắt buộc họ bỏ tiền mua thuốc bên ngoài. Sau đó, người bệnh về sẽ được BHXH địa phương thanh toán lại. Tuy nhiên, khi về địa phương, người bệnh không được giải quyết, họ bị yêu cầu quay ngược lại bệnh viện để được thanh toán khiến họ bức xúc vì ảnh hưởng đến quyền lợi bởi mỗi hóa đơn tiền thuốc, người bệnh phải trả vài triệu đồng trở lên.

“Về việc này, chúng tôi đã yêu cầu bệnh viện phải trả tiền cho bệnh nhân, bởi theo quy định của BHXH Việt Nam, chúng tôi không thanh toán trực tiếp cho những trường hợp như thế này”, ông Phan Văn Mến cho biết.

Lãnh đạo BHXH TP Hồ Chí Minh cũng cho biết thêm rằng đây chỉ hiện tượng xảy ra ở vài đơn vị vào tháng 11-2019. Và một phần cũng do trong công tác đấu thầu thuốc còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà chứ bệnh viện cũng không muốn để xảy ra tình trạng này. Cơ quan BHXH đã có 3 văn bản gửi các đơn vị liên quan, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh để giải quyết thấu đáo vấn đề này cho người bệnh và tình trạng này hiện đã chấm dứt.

Đặc biệt, cũng có tình trạng mua bán sổ BHXH xảy ra trong thời gian qua - nhiều người lao động ủy quyền cho một người để giải quyết các quyền lợi về BHXH. Nhưng thực chất của hình thức này là mua bán sổ BHXH trá hình thông qua hình thức ủy quyền. Và cơ quan BHXH cũng xử lý bằng hình thức không giải quyết chế độ cho các trường hợp này.

BHXH TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo BHXH các quận huyện lưu ý các trường hợp ủy quyền giải quyết sổ BHXH cho hai người trở lên, cần xem xét, thẩm định rõ và mời người lao động đến trực tiếp để giải quyết chứ không giải quyết các trường hợp ủy quyền nữa. Những trường hợp này xảy ra chủ yếu ở quận 9, quận 6 và quận Tân Bình…


Phú Lữ
.
.
.