Sông Ba đang ngắc ngoải bởi thủy điện

Thứ Hai, 11/04/2016, 08:26
Từ phản ánh của người dân, huyện Krông Pa đã tổ chức đoàn kiểm tra và phát hiện tại đoạn sông Ba chảy qua địa bàn xã Chư Ngọc, thuộc khu vực bến đò buôn Sai, huyện Krông Pa (Gia Lai), xảy ra tình trạng nước nổi váng, nhìn bằng mắt thường nước có màu xanh rêu, mùi hôi tanh.


Theo nhận định ban đầu của các cơ quan chuyên môn, đây là hiện tượng “Phú dưỡng hóa” gây ra do tình trạng nước lòng sông chứa nhiều chất thải hữu cơ, gặp thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho vi tảo xanh phát triển. 

Theo quy trình của hiện tượng “Phú dưỡng hóa” sau khi vi tảo xanh phát triển lan rộng, khoảng 3 - 4 tuần thì tảo chết, có thể đưa đến hiện tượng nước chuyển sang màu đỏ, ô nhiễm nặng, các sinh vật gặp nước ô nhiễm sẽ chết. 

Hiện tượng trên được cho là do thời gian qua, thời tiết nắng hạn, nguồn nước suy kiệt không đủ lưu lượng chảy vì thủy điện An Khê - Ka Nak chặn dòng, trong khi các nhà máy chế biến tinh bột sắn, chế biến gỗ MDF, mía... nằm ở đầu nguồn sông Ba xả nước thải có chứa nhiều chất thải hữu cơ xuống dòng sông tạo điều kiện cho vi tảo phát triển.

Huyện Krông Pa đã gửi báo cáo thực trạng này lên UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị có đủ điều kiện phương tiện hiện đại sớm tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân ô nhiễm và hỗ trợ địa phương biện pháp xử lý nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm dòng sông.

Bao đời nay, sông Ba hiền hoà, trù phú vốn là một phần không thể thiếu và gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân các địa phương mà nó chảy qua. Tuy nhiên kể từ khi thủy điện An Khê – Ka Nak chặn dòng tích nước cũng là lúc con sông Ba rơi vào tình cảnh khô cạn như dòng sông chết, ô nhiễm nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khoẻ của người dân các địa phương sinh sống dọc con sông này. 

Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, đại biểu tỉnh Gia Lai đã phản ánh thẳng thắn về hiện trạng của sông Ba hiện nay trước Quốc hội. Sau khi nghe phản ánh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan nghiêm túc xem xét lại việc “nắn dòng” sông Ba.

Nguyễn Hoài Nam
.
.
.