Dân mỏi mòn chờ đền bù ở công trình thủy lợi hơn 300 tỷ đồng

Thứ Năm, 17/03/2022, 08:48

Người dân ngưng sản xuất, chặt bỏ vườn cà phê, cây ăn trái... nhường đất cho dự án hồ chứa nước. Vậy nhưng hơn 4 năm qua, hơn 60 hộ dân tại xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã phải gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng việc họ không được chi trả tiền bồi thường đất thực hiện dự án như đã cam kết.

Hàng chục hộ dân tại xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vừa có đơn gửi đến các cơ quan chức năng phản ánh việc chính quyền địa phương chậm trễ trong việc thực hiện cam kết bồi thường tại dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa khiến người dân thiệt thòi đủ đường.

Trước đó, trong buổi tiếp dân ngày 7/1, ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin đã chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cư Kuin phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho người dân trong vùng dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa. Tại buổi đối thoại với người dân, ông Huy cho biết, việc chi trả bồi thường đợt 3 sẽ xong trước ngày 14/1, đợt 4 xong trước ngày 20/1. Riêng đợt 5, các quy trình UBND huyện phê duyệt trước Tết Nguyên đán và thực hiện chi trả bồi thường cho 63 hộ dân xong trước ngày 28/2.

Tuy nhiên, quá thời gian này vẫn không nhận được tiền bồi thường, bà con đã thất vọng và ngăn cản không cho đơn vị thi công công trình để chờ huyện giải quyết việc bồi thường như từng hứa.

Bà Vũ Thị Công (42 tuổi, trú tại thôn 1B, xã Cư Êwi) cho biết, gia đình bà có hơn 1ha đất bị thu hồi với tiền bồi thường khoảng 2 tỷ đồng để thực hiện dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa. Sau khi nhận được thông báo thu hồi đất từ 31/12/2020, bà đã bàn giao đất nhưng từ đó đến nay, gia đình bà vẫn chưa nhận được một đồng bồi thường nào. "Chủ tịch huyện hứa trả tiền cho chúng tôi trong tháng 2 rồi cũng không có, người dân rất buồn nên đã kéo nhau lên tỉnh để nhờ can thiệp. Giờ bà con chỉ mong sớm được bồi thường để chúng tôi còn mua đất nơi khác canh tác, ổn định mưu sinh", bà Công bức xúc nói.

Còn gia đình ông Đinh Chí Xuân (63 tuổi, trú cùng thôn) cho hay, gia đình ông nhận được thông báo diện tích bị thu hồi khoảng 1,8ha. Số tiền nhận bồi thường dự kiến khoảng 3 tỷ đồng. "Nếu có tiền từ năm ngoái tôi đã đi mua đất rẫy nơi khác, đến năm nay giá đất tăng gấp mấy lần mà tiền chúng tôi vẫn chưa nhận được đồng nào để mua đất canh tác, ổn định làm ăn. Dân đã ra huyện nhiều lần nhưng chỉ toàn thấy khất lần rồi hứa", ông Xuân lên tiếng.

Hơn 60 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa đều đang lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin cho biết, trách nhiệm chính của huyện là việc phê duyệt phương án bồi thường và tiền chuyển về bao nhiêu là giải ngân ngay bấy nhiêu, không để chậm trễ cho dân. Trả lời câu hỏi trong thông báo kết luận cuộc họp tiếp dân, ông Huy nói rằng sẽ chi trả bồi thường cho người dân vào ngày 28/2. Chủ tịch huyện Cư Kuin lý giải, ngân sách không phải của huyện mà ngân sách của tỉnh, huyện chỉ phê duyệt nên có thể hiểu nhầm và văn phòng viết… lệch ý đó một tí.

"Tôi có hứa những vấn đề về phê duyệt, phương án bồi thường và đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk (BQLDA) cân đối, bố trí kinh phí để chi trả sớm cho các hộ dân. Tôi đã giải thích và dân hiểu rõ ý này rồi", ông Huy lý giải.

Ông Lê Phú Hanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin cho biết thêm, hiện đơn vị thi công dự án đang thi công phần công trình đầu mối trên phần đất đã bồi thường. Riêng những hộ dân chưa nhận được bồi thường có đất nằm trong khu vực lòng hồ chưa thi công. Về việc chậm bồi thường, ông Hanh cho biết, hiện huyện đã duyệt phương án nhưng do kinh phí đang thiếu, chủ đầu tư chưa có để cấp cho Trung tâm phát triển quỹ đất huyện bồi thường cho dân. "Tôi đã trao đổi với lãnh đạo BQLDA thì đơn vị này thông tin đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định báo cáo đề xuất UBND tỉnh bổ sung kinh phí cho dự án", ông Hanh nói.

Cũng theo ông Hanh, nguyên tắc kinh phí bồi thường nằm trong tổng mức đầu tư nhưng dự toán bồi thường lại không xét kỹ, tính toán không sát thực tế nên giá cao hơn dự toán. "Do đó, phải bổ sung lại tổng mức đầu tư và phải thông qua HĐND tỉnh rồi chờ nguồn nên rất chậm. UBND huyện Cư Kuin đã có văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo vướng mắc thực hiện dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa. Trong đó, huyện đã ban hành kế hoạch thu hồi 61,9ha đất, hiện còn 5,3ha thực hiện hệ thống kênh mương chưa thu hồi do điều chỉnh thiết kế. Trong đó, UBND huyện Cư Kuin đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và kinh phí tổ chức thực hiện được 4/5 đợt. BQLDA đã chuyển kinh phí đợt 1, 2 để huyện chi trả cho dân; riêng đợt 3 mới chuyển một phần để chi trả và đợt 4 chưa chuyển tiền", ông Hanh nói.

Ông Hanh cho biết thêm, hiện huyện đã có đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, giao BQLDA cân đối, bố trí kinh phí để chỉ trả sớm cho các hộ dân bị thu hồi đất đã được UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ; kinh phí bồi thường, hỗ trợ và chi phí tổ chức thực hiện cho hơn 60 hộ đợt 5 (khoảng 38,3 tỷ đồng) và các hộ bị thu hồi đất để thực hiện hệ thống kênh mương. "Khi có tiền về, chúng tôi sẽ thực hiện việc chi trả ngay cho người dân chứ không để chậm trễ làm gì", ông Hanh khẳng định.     

Văn Thành
.
.
.