Xã nghèo xây cầu hàng trăm triệu đồng chỉ để bắc qua… bờ đê trồng chuối

Thứ Ba, 02/10/2018, 10:06

Chuyện thật như đùa đang diễn ra tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Nhiều hộ dân nơi đây, đang rất bức xúc khi chính quyền nơi đây vận động xã hội hóa hàng trăm triệu đồng để xây dựng cây cầu bằng bê tông cốt thép bắc qua kênh, chỉ để nối nhịp với bờ đê đang trồng chuối, chưa có đường mòn để đi bộ.


Chưa dừng lại, chính quyền xã lại tự ý thi công công trình trên phần đất của một hộ dân nhưng chưa nhận được sự thống nhất, đồng ý. Bà Lưu Kim Hai (ấp Tân Điền, xã Giục Tượng) cho biết, cây cầu qua kênh Tà Nôm, nối từ ấp Phước Hòa (xã Mong Thọ B) qua ấp Tân Điền (xã Giục Tượng). 

“Thế nhưng, chúng tôi không hiểu cây cầu này xây xong nhằm mục đích gì (!), khi phía bên ấp Phước Hòa hiện nay chỉ là bờ đê để trồng chuối, chưa có lối mòn đi bộ, chứ huống hồ gì là chạy xe và chỉ có một số hộ dân cất chòi để trú nắng, trú mưa khi đi làm đồng. Trong khi nhiều nơi khác có nhu cầu đi lại nhiều hơn thì không xây. Mặc khác, đất gia đình của tôi nhưng tôi chưa đồng ý thế nhưng công trình vẫn được tiến hành” – bà Hai, bức xúc. 
Người dân tại xã Giục Tượng và Mong Thọ B (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) bức xúc trước việc cây cầu bắc qua kênh Tà Nôm không mang lại hiệu quả đầu tư.

Theo bà Hai, ngày 19-9 vừa qua, xã Mong Thọ B cho thi công cây cầu mà không có sự đồng ý của gia đình bà, cũng như những người dân sinh sống khu vực này. Khi người dân và bà Hai phản ứng quyết liệt, lãnh đạo xã Mong Thọ B mới cho dừng thi công, tuy nhiên công trình đã đạt khoảng 70% tiến độ.

Xung quanh vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Mon, Chủ tịch UBND xã Mong Thọ B cho biết, kinh phí địa phương để xây dựng giao thông nông thôn hạn hẹp. Mới đây, thông qua nhiều kênh thông tin, một nhà hảo tâm ở TP Cần Thơ đã hỗ trợ 276 triệu đồng để xây dựng cầu trên địa bàn. UBND xã Mong Thọ B xét thấy bắc cây cầu từ ấp Phước Hòa sang ấp Tân Điền (xã Giục Tượng) là hợp lý, để sau này người dân đi lại ra tuyến đường lớn thuận tiện. 

“Sau khi xây dựng cầu, UBND xã Mong Thọ B sẽ tiếp tục vận động người dân góp tiền làm đường. Cách làm này tuy không nhận được sự ủng hộ của nhân dân nhưng về lâu dài sẽ thuận tiện cho việc đi lại của người dân trong xã… Còn về việc thi công công trình trên phần đất bà Hai khi chưa có sự đồng ý, thống nhất, là do tôi có điện thoại trao đổi với Chủ tịch UBND xã Giục Tượng để cùng trao đổi với bà Hai về việc xây cầu. Tuy nhiên, chính quyền xã Giục Tượng không phản hồi. Còn việc xây dựng là do phía nhà thầu nóng lòng muốn làm sớm và xem được ngày khởi công nên tự làm, chứ xã không chỉ đạo, không hay biết (!)” – ông Mon, lí giải.

Còn ông Trần Văn Hùm, Bí thư Đảng ủy xã Giục Tượng, cho biết: “Khi khởi công xây dựng, phía xã Giục Tượng không được mời dự hay biết về vụ việc này. Khi tiến hành xây dựng, người dân có phản ánh, xã Giục Tượng đã cử người xuống cùng với lãnh đạo xã Mong Thọ B gặp gỡ người dân và thống nhất ngừng thi công. Việc chủ trương bắc cầu ở đâu, kinh phí như thế nào, phía xã Giục Tượng cũng không biết, do phía bên xã Mong Thọ B làm chủ đầu tư”.


Trần Lĩnh
.
.
.