Vì sao nhiều doanh nghiệp không đồng tình điều chuyển xe về bến Thượng Lý?
- Hải Phòng: Sắp xếp lại tuyến vận tải hành khách tại bến xe Thượng Lý
- Hải Phòng: Chính thức ‘khai tử’ Bến xe Tam Bạc
Theo Sở GTVT Hải Phòng, các bến Cầu Rào, Niệm Nghĩa, Lạc Long có tần suất xe ra vào lớn, nhiều đơn vị kinh doanh chưa chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn giao thông.
Công tác tuyên truyền của các ban, ngành còn mang tính phong trào, chưa có hiệu quả, chế tài xử lý về ATGT chưa đủ răn đe...
Do đó, để các bến này nằm trong nội đô thành phố sẽ nguy cơ ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm. Sở GTVT Hải Phòng dự kiến sẽ chuyển 144 xe, tương đương gần 200 chuyến/ngày từ bến xe Cầu Rào, Niệm Nghĩa, Lạc Long về bến xe Thượng Lý.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hải Phòng) cho biết, việc điều chuyển xe từ các bến xe Niệm Nghĩa, Cầu Rào, Lạc Long về bến xe Thượng Lý nằm trong kế hoạch tổng thể. Đây là việc làm cần thiết để từng bước chuyển hết 100% các chuyến xe khách đường dài từ nội đô ra ngoại vi thành phố sau năm 2020.
Tuy nhiên, phương án này hiện đang bị cả các nhà xe và bến xe Cầu Rào, Niệm Nghĩa phản đối quyết liệt. Đại diện nhà xe Quốc Tuấn cho biết, phương tiện của mình hoàn toàn không đi xuyên tâm thành phố.
Về giờ xuất phát và giờ về bến không phải là giờ cao điểm mà đều sau 20h và trước 5h sáng hằng ngày. Xe ra khỏi bến là tiếp cận ngay với QL5, QL10 rồi vào QL1 không hề gây mất an toàn và ùn tắc giao thông đô thị. Vì vậy, phương án của Sở GTVT đưa ra là không phù hợp, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Một nhà xe chạy tuyến Hải Phòng – Hà Tĩnh cũng tỏ ra bức xúc cho biết, công ty đã khai thác lâu năm tại bến xe Cầu Rào, hiện có 9 đầu xe giường nằm với giá trị đầu tư 35 tỷ đồng. Việc điều chuyển bất hợp lý như vậy sẽ đẩy chúng tôi vào nguy cơ phải bán xe, đối mặt với khoản vay ngân hàng nhiều tỷ đồng không thể trả nổi.
Ông Lại Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bến xe Hải Phòng – đơn vị quản lý bến Cầu Rào và Niệm Nghĩa cũng cho rằng, việc điều chuyển theo đề xuất của Sở GTVT Hải Phòng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh doanh của Công ty hiện tại cũng như thời gian sắp tới. Việc này cũng không phù hợp với phương án tổ chức sản xuất của Công ty sau cổ phần hóa đã được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt.
Ông Dũng chia sẻ, hiện công suất của cả bến Cầu Rào và Niệm Nghĩa mới khai thác chưa đạt 30% thiết kế. Trước đó, Công ty đã phải đầu tư rất nhiều tiền của công sức để kéo các nhà xe về với mình. Thậm chí, có thời kỳ bến xe phải thực hiện miễn phí 3 - 6 tháng cho nhà xe mở tuyến mới.
Trong khi đó, từ cuối năm 2016 đến nay, tại cả 2 bến theo lộ trình di chuyển ra khỏi thành phố của các chuyến xe được bố trí hợp lý, tránh giờ cao điểm nên chưa bao giờ gây ùn tắc giao thông.
Từ lý do trên, Công ty cổ phần Bến xe Hải Phòng kiến nghị UBND thành phố Hải Phòng về việc này và đề nghị được giữ nguyên trạng quy mô như hiện nay.
Không chuyển một số chuyến vận tải khách liên tỉnh đường dài sang bến khác. Đồng thời cũng không tăng quy mô hoạt động trong thời gian tới để tạo điều kiện cho các bến xe mới đầu tư có điều kiện tăng công suất khai thác.