Hải Phòng: Chính thức ‘khai tử’ Bến xe Tam Bạc

Thứ Ba, 16/06/2015, 14:59
Ngày 16/6, bến xe Tam Bạc đã không còn bóng dáng những chiếc xe khách chạy liên tỉnh ra ra vào vào như mọi khi. Như vậy, Thông báo số 357/TB-SGTVT ngày 30/5/2015, của Sở giao thông vận tải Hải Phòng về gia hạn thời điểm đóng cửa bến đến hết ngày 15/6 đã có hiệu lực.

Tuy nhiên, những chuyện lùm xùm xung quanh việc đóng cửa bến xe này vẫn còn đó, doanh nghiệp vận tải vất vả chạy "sơ tán", bến mới Thượng Lý những tưởng là nơi đổ bộ của 106 chuyến/ngày chạy tuyến Hà Nội thì giờ đây vẫn trống không, chủ bến ngửa cổ than trời.

Như các thông tin đã đưa, việc đóng cửa bến xe Tam Bạc sau gần 25 năm tồn tại với chức năng là thiết chế giao thông tĩnh quan trọng giữa lòng thành phố. Chủ trương đóng cửa bến đã được thành phố khởi thảo từ năm 2011 nhằm phù hợp với quy hoạch, giảm trở ngại giao thông nội thành đồng thời góp phần vãn hồi trật tự xã hội xung quanh các hoạt động đón, trả khách, cạnh tranh giữa các hãng xe vốn gây nhiều hệ luỵ.

Bến xe Tam Bạc đã chính thức đóng cửa từ ngày 16/6.

Điều đáng nói là chủ trương đó đã không được triển khai theo cách công khai, đề án xã hội hoá, kêu gọi nhà đầu tư bến xe mới tại phường Thượng Lý chỉ giới hạn trong số ít đối tượng. Đặc biệt, việc đóng cửa bến Tam Bạc được Sở GTVT triển khai từ đề xuất với thành phố đến khi thực hiện quá nhanh (chỉ trong 1 tuần) khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bất ngờ, cho rằng có sự không bình thường khi bắt tất cả các nốt xe chạy tuyến Hải Phòng Hà Nội phải dồn về bến xe mới được xây dựng (theo chủ trương xã hội hoá bến xe) kể từ ngày 1/6.

Lệnh này đã không thể thực thi do vấp phải sự phản đối quyết liệt của các hãng xe, Sở GTVT phải lùi thời hạn đóng cửa đến hết ngày 15/6. Để tránh tiếng có vụ lợi, lợi ích nhóm, UBND TP đã chấp thuận đề xuất của Sở GTVT, cho phép doanh nghiệp được tự do lựa chọn bến thay thế chứ không bắt ép phải về bến Thượng Lý như trước nữa. Sự thay đổi này làm hài lòng các doanh nghiệp vận tải nhưng lại khiến chủ bến mới Thượng Lý phát hoảng, vì đã 1 tháng qua, tính từ khi khánh thành (13/5), chưa có doanh nghiệp nào đăng ký vào hoạt động.

Cty CP Kim Khí, chủ sở hữu bến xe Thượng Lý cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố về xã hội hoá bến xe, Cty đã đầu tư không dưới 50 tỷ đồng để có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, khang trang để tiếp nhận ngay 106 nốt xe chạy tuyến Hà Nội từ bến Tam Bạc, sau đó sẽ thu hút thêm các tuyến liên tỉnh khác. Song, với việc thành phố cho phép các nhà xe được tự do lựa chọn bến đỗ thì chẳng khác nào mang con bỏ chợ. Trong khi đó, quan điểm các doanh nghiệp vận tải lại khác.

Ông Bùi Đức Bình, Giám đốc hãng xe Thanh Long phản biện: Bến xe cũng chỉ là doanh nghiệp, bến xã hội hoá hay gì hoá thì cũng phải cạnh tranh. Nếu bến anh tốt, thuận lợi thì cớ gì chúng tôi lại từ bỏ quyền lợi. Lấy ví dụ như doanh nghiệp vận tải chúng tôi cũng hình thành theo chủ trương xã hội hoá về dịch vụ vận chuyển hành khách, chẳng lẽ sau khi sắm xe lại đòi hỏi thành phố phải đứng ra tìm khách cho xe ư?

Được biết, vào đúng ngày cuối cùng bến Tam Bạc còn hoạt động (15/6), hãng xe Hải Âu chạy từ các bến Niệm Nghĩa, Cầu Rào đi Gia Lâm (Hà Nội) thông báo sẽ điều chuyển 50 chuyến xe về bến Thượng Lý, có thể coi đây là cứu cánh đầu tiên cho bến Thượng Lý. Thế nhưng, các hãng khác chạy tuyến Hà Nội như Hoàng Long, Thanh Long, Anh Huy, Đoàn Xuân...nghi ngờ đó là chiêu thức chớp thời cơ của hãng xe Hải Âu, cho rằng thực chất đó là chạy nối bến. Nghĩa là, các xe Hải Âu chạy từ Cầu Rào, Niệm Nghĩa sẽ nghiễm nhiên được thay đổi lộ trình, đi xuyên nội thành để về bến Thượng Lý nhưng thực tế là để bắt khách. Đây mới chỉ là nghi vấn của các hãng xe.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hải Phòng) cho biết, Sở đang tích cực xúc tiến để giải quyết lợi ích hài hòa giữa các doanh nghiệp DN, không để việc đóng cửa bến Tam Bạc gây xáo trộn, phức tạp tình hình.

Lê Minh Triết
.
.
.