'Vàng tặc' lại lộng hành ở rừng núi A Vao

Chủ Nhật, 06/03/2016, 10:17
Suốt hai tháng nay, tại vùng rừng núi Pa Ka, xã A Vao, huyện Đakrông, Quảng Trị, lại xuất hiện thêm hàng loạt điểm khai thác vàng trái phép, gây ra nhiều hệ lụy cho người dân. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc”…


Các điểm khai thác vàng trái phép ở Pa Ka cách thôn Tân Đi 3, xã A Vao chỉ chừng 30 phút đi bộ, cách Trạm Kiểm soát Biên phòng- Đồn Biên phòng Pa Lin- nơi án ngữ con đường độc đạo dẫn vào vùng rừng núi này, chưa đầy 5km đường vòng (khoảng 2km đường chim bay).

Tại đây, trên diện tích chừng 2 héc-ta, có hơn 10 điểm khai thác vàng trái phép, với tổng cộng hơn 100 “vàng tặc”, cùng hàng chục máy móc, vật tư, thiết bị khai thác vàng. Các điểm khai thác đều là núi đá, được “vàng tặc” khoan, nổ mìn, khoét sâu vào bên trong, tạo thành những đường hầm sâu hun hút. 

“Vàng tặc” chia lực lượng tại mỗi điểm thành 4 nhóm, trong đó 1 nhóm nổ mìn, khoét núi; 1 nhóm vận chuyển đá từ lòng núi ra bên ngoài; 1 nhóm đứng máy, nghiền mịn số đá này; nhóm còn lại xúc đổ số đá đã được nghiền mịn thành bột lên máng lọc hoạt động bằng máy. Sau khi vàng được lọc, tách riêng khỏi bột đá nhưng vẫn còn lẫn một ít mùn đá, lại được nhóm này bỏ vào chậu hóa chất thủy ngân, tách, vắt lấy riêng vàng…

Theo điều tra riêng của chúng tôi, hơn 10 điểm khai thác vàng trái phép kể trên do các “nậu vàng” trên địa bàn và ngoài địa phương tổ chức khai thác. Trong đó, có không ít “nậu vàng” đã nhẵn mặt với ngành chức năng, chính quyền địa phương. 

Các “nậu vàng” này tổ chức đưa lực lượng lao động, vận chuyển máy móc, vật tư, thiết bị, phương tiện khai thác vàng vào A Vao qua con đường độc đạo kể trên như chốn không người, nhưng không bị ngăn chặn, xử lý.

“Vàng tặc” tàn phá núi rừng A Vao, Đakrông.

Một cán bộ xã A Vao cho biết, đó là nguyên nhân chính “vàng tặc” tồn tại, phát triển từ hơn 20 năm nay. Riêng những lần phóng viên “đột nhập” các điểm khai thác vàng trái phép để phản ánh, lực lượng chức năng có vào truy quét, nhưng thực chất chỉ “làm phép”(!?). 

Đơn cử, trong Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, sau phản ánh của Báo CAND và Báo Quảng Trị, lực lượng chức năng có vào vùng rừng này, nhưng chỉ đốt một cái lán của “vàng tặc”; xong, 1 tuần sau, “vàng tặc” lại hoạt động trở lại, rầm rộ hơn trước rất nhiều, như ngầm ý bù lại mấy ngày trước đó đã phải tạm nghỉ(!?). 

Sau khi đã ghi hình một cách đầy đủ các điểm khai thác vàng trái phép ở Pa Ka, chúng tôi vào liên hệ, cung cấp thông tin, hình ảnh này cho Thượng tá Lê Văn Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Lin để lực lượng này có trách nhiệm phối hợp xử lý, nhưng không gặp. Còn Chủ tịch UBND xã A Vao Hồ Văn Hùng khá “thờ ơ” trước hoạt động khai thác vàng trái phép trên địa bàn. 

Ông Hùng cho rằng, hoạt động khai thác vàng trái phép trên địa bàn là nhỏ lẻ, tự phát, do một số người dân địa phương khai thác thủ công. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi chỉ rõ hoạt động khai thác vàng này là qui mô, có sự câu kết giữa các đối tượng, ông Hùng mới bảo, “do xã nhiều việc, lực lượng lại mỏng, nên khó triệt xóa được “vàng tặc”.

Trao đổi vấn đề “vàng tặc” trên địa bàn Đakrông, lãnh đạo Công an huyện Đakrông cho rằng, việc triệt xóa “vàng tặc” không phải khó, như năm 2015, Công an huyện chỉ cần chốt chặn con đường vận chuyển máy móc, lương thực, thiết bị, vật tư của bọn chúng là hoạt động này bị đẩy lùi, chặn đứng ngay.

Tuy nhiên, việc chốt chặn chỉ thực hiện được liên tục trong 2 tháng, do đơn vị cách xa “yết hầu” của “vàng tặc”; hơn nữa, hoạt động này bên cạnh nhân lực cần phải có kinh phí nhất định để hoạt động. Do đó, Công an huyện đã báo cáo tình hình này với UBND huyện, xin được tạo điều kiện, kinh phí để tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách địa phương khá hạn chế, nhiều vấn đề cấp bách khác cần phải giải quyết, nên UBND huyện chưa giải quyết.

“Mặc dù vậy, Công an huyện sẽ sớm tổ chức truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc” trên địa bàn Pa Ka, hạn chế thấp nhất tình trạng “vàng tặc” lộng hành tại đây”, lãnh đạo Công an huyện Đakrông khẳng định.

Phan Thanh Bình
.
.
.