Gian nan 'cuộc chiến' với 'vàng tặc'

Thứ Sáu, 20/03/2015, 20:48
Thời gian gần đây, tại các khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân (Bình Định), tình trạng người dân vào rừng đào đãi vàng trái phép có dấu hiệu tái diễn ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến rừng phòng hộ, bồi lấp đất sản xuất, hủy hoại môi trường sinh thái. Trong khi đó, công tác quản lý, thanh kiểm tra và xử lý của chính quyền địa phương còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Hoạt động rầm rộ

Đến khu rừng phòng hộ đầu nguồn xã Ân Nghĩa, nhiều người không khỏi xót xa khi thấy khắp nơi ngổn ngang đất đá, cây cối bị đào xới hoặc bị “xẻ thịt” để làm lán trại. Bất chấp sự kiểm tra của lực lượng kiểm lâm, người dân cứ vô tư đào bới để tìm vàng.

Theo ghi nhận chúng tôi, “điểm nóng” khai thác vàng trái phép ở xã Ân Nghĩa đang tập trung chủ yếu ở các khu vực hố Khế, hố Bông, hố Cộp (thôn Kim Sơn) và hố Cà Điết, hố Côm, hố Mai (thôn Hương Quang).

Phần lớn các bãi vàng đều nằm trên núi cao, đi lại rất khó khăn; việc khai thác vàng khá nặng nhọc, rủi ro cao. Tuy nhiên, vì hám lợi, nên nhiều người vẫn bất chấp hiểm nguy phá rừng đào núi đãi vàng.

Đáng quan ngại, tình trạng này đã và đang gây thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên do Nhà nước quản lý, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường môi trường sinh thái, môi trường xã hội trên địa bàn.

Chưa hết, các đối tượng đào, đãi vàng đã xả thải lượng lớn bùn đỏ cùng các loại hóa chất xuống dòng nước, gây nguy hại cho sức khỏe con người và động vật, nhất là đối với nhiều người dân sử dụng nguồn nước từ sông, suối, các hồ chứa nước Đồng Quang, Kim Sơn ở phía dưới khu vực đào đãi vàng để sinh hoạt, tưới lúa, hoa màu, chăn nuôi.

Bên cạnh đó, do tranh trành khu vực đào đãi vàng, các đầu nậu đã gây ra nhiều cuộc ẩu đả lẫn nhau, làm mất trật tự trị an trong vùng. Ngoài ra, việc đục khoét núi để đào đất, đá đãi vàng khiến khu vực này có nguy cơ bị sạt lở núi rất cao, nhất là vào mùa mưa lũ.

Một hầm đào vàng bị lực lượng chức năng đập phá, dỡ bỏ.

Ông Nguyễn Viết Hùng, một chủ hộ nuôi bò tại thôn Kim Sơn, bức xúc: “Cách đây vài năm, sáng là tôi lùa lên chân núi Kim Sơn thả cho tới chiều lên lùa về. Hai năm nay, cứ mỗi sáng chăn bò thì phải cho người trông coi, chứ không nó đi lung tung uống trúng nước thải từ “đãi vàng” thì tiêu”.

Gian nan truy quét

Theo ông Trần Văn Thư, Phó chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân), tình trạng khai thác vàng trái phép thường xuyên tái diễn do thu nhập từ việc khai thác vàng khá cao; trong khi nhiều lao động ở địa phương thiếu việc làm nên tranh thủ vào rừng để đào đãi vàng thu lợi bất chính.

Bên cạnh đó, sự phối hợp chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ của chủ rừng và các cơ quan chức năng cũng như nhận thức về pháp luật của người dân về bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên còn hạn chế.

Đề cập về công tác quản lý, truy quét và xử lý các đối tượng khai thác vàng trái phép tại địa bàn, ông Nguyễn Minh Chánh, Trưởng Công an xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân), than khó: Chúng tôi thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm, công an huyện Hoài Ân tổ chức nhiều đợt truy quét các đối tượng khai thác vàng nhưng thú thật chỉ như “muối bỏ bể”.

Phần lớn các đợt truy quét, kết quả thu được chỉ dừng lại ở việc tịch thu tang vật, tháo dỡ lán trại, bởi chúng thường cho người theo dõi lực lượng làm nhiệm vụ, thấy động là tẩu tán tang vật ngay lập tức và chạy vào rừng sâu.

Những hố vàng sâu hoắm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Có thể thấy rằng, tình trạng khai thác vàng trái phép ở Ân Nghĩa đã diễn ra từ nhiều năm nay, song chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra phương thuốc “đặc trị hữu hiệu” để giải quyết triệt để vấn nạn này. Vì vậy, việc đẩy lùi nạn “vàng tặc” vẫn là “cuộc chiến” dài hạn mà UBND huyện Hoài Ân và ngành chức năng liên quan ở Bình Định phải theo đuổi.

Trong năm 2014, UBND xã Ân Nghĩa phối hợp lực lượng liên ngành của huyện Hoài Ân đã tổ chức 5 đợt truy quét. Kết quả, tiêu hủy 14 máy nổ Đông Phong, 14 cối xay đá, 22 lán trại, 6 bể chứa nước, 1 bình hơi ngạt, 1.900m ống dây nhựa dẫn nước, đập bỏ 3 mô tô phát điện. Bên cạnh đó, địa phương đã tổ chức học tập các Luật tài nguyên khoáng sản, Luật Bảo vệ rừng cho 250 đối tượng tại 5 thôn Kim Sơn, Nhơn Sơn, Bình Sơn, Phú Ninh và Nghĩa Điền.

“Hiện nay, bên cạnh việc tham mưu cho UBND huyện Hoài Ân chỉ đạo các ban, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân không vì lợi ích trước mắt mà vào rừng đào đãi vàng trái phép, gây ra hậu quả khó lường về cảnh quan, môi trường, tài nguyên quốc gia. Các lực lượng chức năng địa phương sẽ thường xuyên tổ chức truy quét, chốt chặn các khu vực trọng yếu mà các đối tượng khai thác vàng trái phép thực hiện. Qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm”, ông Trần Văn Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, nhấn mạnh.

Hoàng Nguyên
.
.
.