Chưa có 'thuốc đặc trị' nạn 'vàng tặc'

Thứ Ba, 12/01/2016, 08:05
Hiện nay, “vàng tặc” đang ồ ạt mở mới các điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã A Vao (huyện Đakrông, Quảng Trị). Người dân sinh sống ở những vùng bị ảnh hưởng bức xúc cho biết, đối tượng “vàng tặc” ngang nhiên nổ mìn phá núi, chặt phá cây rừng, xay nghiền đất đá lọc lấy vàng suốt ngày đêm nhưng không bị xử lý…

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đột nhập các điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã A Vao. Tại khe Ka Ê, sát thôn Tân Đi 3, hàng chục đối tượng đang sử dụng các phương tiện máy móc, thiết bị chuyên dụng khai thác vàng lò khoét sâu vào lòng núi; vận chuyển đất đá ra bên ngoài để xay mịn, sau đó sử dụng hóa chất lắng lọc lấy vàng. Đây là một trong nhiều điểm mới mở của “vàng tặc”, do đối tượng Hồ Văn Thanh, trú thôn Tân Đi 1, cầm đầu, để khai thác vàng trái phép.

Tại điểm này, Thanh đặt 2 giàn máy nổ, tổ chức hàng chục con người xay nghiền đất đá, lọc lấy vàng suốt ngày đêm. Thấy người lạ, ban đầu nhiều lao động cho Thanh tháo chạy vào các đường hầm, số ít khác leo lên một ngọn núi cao để báo tin. Nhưng sau đó, các đối tượng đã nhanh chóng làm việc trở lại mà không hề tỏ ra sợ sệt.

Người dẫn đường cười nửa miệng, bảo: “Họ có lý do để không sợ vì các anh không phải là Công an. Nhiều năm qua, báo chí đã nhiều lần phản ánh tình trạng khai thác vàng trái phép ở đây, nhưng chưa thấy chính quyền, lực lượng chức năng xử lý triệt để. Trong khi Thanh là kẻ lắm tiền nhiều bạc…”.

Nước suối màu đất đèn, sặc sụa mùi lưu huỳnh tại khe Ka Ê, xã A Vao.

Tại một điểm khai thác vàng lò khác cũng trên địa bàn xã A Vao, một đối tượng “vàng tặc” trao cho chúng tôi bát nước suối trong vắt, bảo: “Ở đây thượng nguồn nên nước sạch lắm, các anh uống yên tâm!”. Nghe lời nói thật ngẫm lại mới thấy rùng mình. Trên suốt chặng đường hơn 10 cây số từ thôn Tân Đi 3 vào tới đây, nước suối chỉ một màu đất đèn, sặc sụa mùi lưu huỳnh. Thỉnh thoảng vài con cá chết sình nổi lều bều trên mặt nước, trôi về phía hạ lưu…

Theo ông Hồ Văn Tam, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế, môi trường xã A Vao thì đã gần 15 năm nay, kể từ khi một đơn vị chức năng vào đây khoan thăm dò, lấy mẫu phân tích đánh giá trữ lượng vàng, rồi thông tin Đakrông có vàng trữ lượng lớn lan nhanh tới chóng mặt. 

Trước khi các doanh nghiệp tư nhân được cấp phép cái gọi là thăm dò, bảo vệ, khai thác vàng hợp pháp tại các điểm quặng vàng trên địa bàn, ngàn vạn con người từ khắp các nơi đã đổ xô về đây, đào phá núi rừng tìm kiếm vàng suốt ngày đêm. Trong số đó, đối tượng Hồ Văn Thanh, ở thôn Tân Đi 1, nổi lên như một chủ nậu vàng, do bởi Thanh có lợi thế là người bản địa, lại biết rõ đường đi lối lại trong rừng sâu.

Năm 2011, Thanh từng bị kết án tù do sử dụng lao động tuổi vị thành niên trong khai thác vàng trái phép. Khi án tích chưa được xóa, hắn đã “ngựa quen đường cũ”, ngang nhiên tổ chức lực lượng khai thác vàng trái phép trở lại mà không bị xử lý nghiêm…

“Vàng tặc” đang hoạt động tại khe Ka Ê.

Hỏi về công tác truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc”, đảm bảo trật tự trị an vùng biên giới, Thượng tá Lê Văn Hùng, Trưởng đồn Biên phòng 625 đóng trên địa bàn, cho hay: Do địa hình rừng núi hiểm trở nên rất khó truy quét, đẩy đuổi được “vàng tặc” triệt để. Ngoài ra, do không ít người dân trên địa bàn là “tai, mắt” của “vàng tặc” nên cứ mỗi lần thấy lực lượng “động” là họ báo ngay cho “vàng tặc”. Thành ra khi vào được các điểm khai thác vàng trái phép đó, anh em chỉ đập phá được máy móc, thiết bị khai thác vàng; tháo dỡ, phá hủy được lán trại của bọn chúng, nhưng đâu lại vào đó, vài hôm sau đối tượng “vàng tặc” lại khai thác trở lại.

Trở lại việc một số đối tượng là người địa phương bất chấp phép tắc, tổ chức khai thác vàng trái phép trên địa bàn liên tục trong nhiều năm, ông Hồ Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa xã hội xã A Vao cho biết: Lực lượng Công an huyện Đakrông, Công an Đồn Tà Rụt hằng năm đều phối hợp rất nhiều lần với lực lượng xã, tổ chức truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc”.

Mới đây, trung tuần tháng 12-2015, các lực lượng đã đập phá nhiều máy móc, tháo dỡ lán trại, tịch thu nhiều vật tư phục vụ khai thác vàng của đối tượng Hồ Văn Thanh tổ chức tại khe Ka Ê. Tuy nhiên, đối tượng này từ lâu đã thuộc vào thành phần bất hảo trong hoạt động khai thác vàng trái phép trên địa bàn.

Thanh không chỉ bất chấp, coi thường luật pháp về bảo vệ tài nguyên môi trường, mà ở địa phương hắn hầu như không tham gia vào bất cứ hoạt động xã hội nào, lại lấy những 5 vợ, có tất cả 16 người con, đã nhiều lần bị chính quyền, cán bộ chức năng gọi hỏi, giáo dục răn đe và viết bản cam kết, nhưng vẫn tái phạm...

Phan Thanh Bình
.
.
.