Chuyện thật như đùa: Hơn 90% phương tiện đường thủy "ngoài vòng pháp luật"
- Quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa
- Có tới 2/3 số phương tiện thủy trên cả nước trốn đăng kiểm định kỳ
- Tăng cường quản lý phương tiện thủy chở khách từ đất liền ra các đảo
Đến nay, phương tiện được đăng ký trên toàn quốc là hơn 240 nghìn chiếc, đạt 46,7% so với tổng điều tra năm 2007. Tuy nhiên, tỷ lệ phương tiện đăng ký vẫn còn thấp. Tình trạng đăng kiểm phương tiện cũng tương tự như vậy. Đến năm 2015, mới có khoảng 62% số phương tiện đã vào đăng kiểm.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì số lượng phương tiện thuỷ quay lại kiểm tra đúng định kỳ hàng năm chỉ chiếm khoảng 30-40% tổng số phương tiện đã đăng kiểm. Chỉ có 23.792 chiếc các loại phương tiện lớn (loại từ 200 tấn trở lên, công suất máy chính từ 135 CV trở lên và các tàu chở khách), chiếm 5,4% số phương tiện bắt buộc phải đăng kiểm trong toàn quốc thì luôn đăng kiểm lại đúng quy định. Các phương tiện không đăng kiểm lại đúng quy định chủ yếu là phương tiện nhỏ, dưới mức trên.
Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, nguyên nhân các loại phương tiện không quay lại đăng kiểm đúng chu kỳ vì số lượng phương tiện thống kê năm 2007 nhiều khả năng bị ảo vì khi hệ thống đường bộ phát triển rất nhanh, rộng khắp, số phương tiện không còn nhu cầu hoạt động nữa nhiều nhưng không báo lại để xoá sổ.
Trong vài năm gần đây, nhu cầu vận tải ít, một số phương tiện không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nên chủ phương tiện không muốn tiến hành đăng kiểm nữa. Đặc biệt, những phương tiện nhỏ chủ yếu của người dân nghèo, nhận thức xã hội còn hạn chế nên chưa có ý thức chấp hành đầy đủ yêu cầu của luật. Chính quyền địa phương, các cơ quan tuần tra, kiểm soát trên đường thuỷ nội địa chưa nghiêm khắc trong xử lí các vi phạm.
Trong năm 2015 vừa qua, liên Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Cục Đường thuỷ nội địa và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có chuyên đề riêng, chỉ đạo liên ngành cấp địa phương xử lý mạnh vi phạm về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy.
Trong hơn 1 tháng thực hiện cao điểm, từ 15-7 - 30-9, Cảnh sát đường thủy và liên ngành của 50 địa phương đã phát hiện hơn 2.915 trường hợp vi phạm lỗi trên, chiếm 20,4% tổng số các vi phạm. Trong đó, lỗi vi phạm về đăng kiểm rất cao với 61,8% và 38,2% là về đăng ký phương tiện.
Trước tình trạng trên, liên ngành Đăng kiểm, CSGT, Đường thủy nội địa đều cho rằng, cần tổng điều tra phương tiện toàn quốc để có số liệu thực phục vụ xây dựng kế hoạch hoàn thiện công tác đăng ký, đăng kiểm.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, kết quả đăng ký, đăng kiểm phương tiện thấp như vậy, cũng có thể do việc điều tra chưa chính xác, chính vì vậy, cần phải điều tra lại để có cơ sở phục vụ quản lí và quy hoạch.