Tháo gỡ ách tắc về thủ tục pháp lý cho các dự án nhà ở
- Xử lý nghiêm việc huy động vốn trái phép tại các dự án nhà ở thương mại
- Tập trung hoàn thành dự án nhà ở xã hội từng là “điểm nóng” tại Nha Trang
- Phát hiện nhiều sai phạm tại dự án nhà ở xã hội HQC Nha Trang
Đến tháng 3 năm nay, cơ quan chức năng đã công bố cho phép 124 dự án được tiếp tục hoạt động bình thường, song nhiều dự án vẫn chưa thể triển khai do còn vướng thủ tục pháp lý. Theo Sở Xây dựng Thành phố, chỉ tính từ tháng 7-2015 đến tháng 8-2018, đã có 170 dự án được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư.
Trong số này chỉ có 44 dự án đã có toàn bộ diện tích là đất ở theo quy định; các dự án còn lại đều có quỹ đất hỗn hợp với trên dưới 10% là đất do Nhà nước quản lý nhưng đã được UBND Thành phố cho chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Các dự án này đều bị ách tắc do phải chờ gỡ vướng về thủ tục liên quan đến đất đai khiến nguồn cung nhà ở tại thành phố bị sụt giảm rất mạnh.
Dự án DN mở bán được người dân quan tâm. |
Trong khi TP Hồ Chí Minh đang lúng túng trong việc xử lý tắc nghẽn về thủ tục pháp lý với cả trăm dự án nhà ở, thì tỉnh Bình Dương, đã vận dụng chính sách pháp luật của địa phương để giúp đầu tư triển khai dự án khu nhà ở thương mại tại thị xã Dĩ An.
Cụ thể, ngày 18-1 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm ký văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH Dịch vụ BĐS và XD Hoàng Nam làm chủ đầu tư dự án khi giấy chủ quyền khu đất vẫn đứng tên cá nhân ông Hoàng Văn Tâm. Dự án còn gần một nửa diện tích là đất nông nghiệp.
Sau đó HĐTV Công ty Hoàng Nam nhận chuyển nhượng thửa đất do ông Hoàng Văn Tâm đứng tên. Ông Tâm cũng chính là Chủ tịch HĐTV của Công ty Hoàng Nam. Ngày 4-3, Công ty Hoàng Nam đã được UBND thị xã Dĩ An ký duyệt đồ án quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở Hoàng Nam 3 và đến tháng 10 vừa qua, dự án đã được khởi công.
Nhận xét về thời gian làm thủ tục đầu tư dự án được rút ngắn, đại diện một DN BĐS tại TP Hồ Chí Minh cho rằng: Trường hợp này nếu chính quyền hỗ trợ DN thì chỉ cần yêu cầu chủ đất cam kết sẽ chuyển quyền sử dụng đất sang DN, nếu không sẽ bị ngăn chặn giao dịch là địa phương có thể yên tâm ra văn bản chấp thuận đầu tư trước khi DN có đất. Còn nếu làm đúng nguyên tắc một cách cứng nhắc, chắc chắn chủ đầu tư sẽ phải dài cổ chờ thủ tục…
Về lý do khiến hàng trăm dự án nhà ở tại TP Hồ Chí Minh phải ngưng triển khai trong nhiều năm, Hiệp hội BĐS thành phố cho biết, từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực vào ngày 1-7-2015 đến nay, hình thức chỉ định chủ đầu tư chỉ còn được áp dụng đối với dự án có 100% đất ở. Những dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp sẽ không được chỉ định chủ đầu tư, nhưng cũng chưa có đủ cơ chế để giải quyết các thủ tục hành chính công nhận chủ đầu tư, dẫn đến dự án bị ách tắc. Thực trạng này khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn cùng một loạt hệ lụy khác.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng thiếu đồng bộ giữa pháp luật đất đai và các quy định pháp luật có liên quan gây ách tắc cho quá trình quản lý dự án đầu tư.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố thừa nhận tình trạng này đã khiến thành phố lúng túng trong việc tìm hướng tháo gỡ. Do đó các cơ quan chức năng của thành phố sẽ tập trung tìm giải pháp gỡ các nút thắt với dự án để tránh gây thiệt hại cho chủ đầu tư cũng như tình trạng đất đai bị bỏ hoang hóa gây lãng phí nguồn lực.
Góp ý với chính quyền thành phố về thực trạng này, Hiệp hội BĐS thành phố nêu quan điểm, việc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền rà soát về pháp lý các dự án là rất cần thiết để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách. Nhưng quá trình rà soát, thanh tra đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh.
Do đó, nhanh chóng tháo gỡ triệt để ách tắc về thủ tục pháp lý cho các dự án là vấn đề cộng đồng DN BĐS vẫn đang trông chờ vào chính quyền thành phố.