Sử dụng thuốc BVTV: Vi phạm tràn lan nhưng chẳng ai bị phạt
- "Điểm mặt" 2 DN sản xuất thức ăn chăn nuôi có chất cấm Sabutamol
- Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một tội ác
- Xử lý nghiêm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là sử dụng thuốc không đúng quy định; thuốc phun trên rau, quả không đảm bảo thời gian cách ly an toàn; đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng nông dân sử dụng các loại thuốc bị cấm, nằm ngoài danh mục cho phép đang có chiều hướng gia tăng trên diện rộng.
Một ruộng rau được trồng an toàn theo tiêu chuẩn quy định. |
Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra các đơn vị sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV cũng phát hiện nhiều vi phạm với 913/5.874 đơn vị, doanh nghiệp được thanh, kiểm tra. Số lượng cơ sở, đơn vị bị xếp loại C - không đủ điều kiện, vi phạm các quy định của pháp luật có chiều hướng gia tăng. Năm 2015 vẫn có 1.713/4.794 cơ sở sản xuất, kinh doanh bị xếp loại C, tăng hơn 30% so với năm 2014. Đặc biệt, vi phạm nổi cộm nhất vẫn là nhập lậu thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc BVTV bị cấm, sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV giả, nhái nhãn mác không đảm bảo chất lượng.
Được biết, từ tháng 7-2011 đến nay, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV được kiểm tra có xu hướng giảm dần, từ mức 15.184 cơ sở năm 2011 xuống còn 5.874 cơ sở trong năm 2015. Nhưng điều đáng nói là tỷ lệ vi phạm lại có chiều hướng tăng, từ mức 11% năm 2011 lên 16% trong năm 2015. Đây là một thực trạng rất đáng báo động, bởi nhiều năm nay, công tác tuyên truyền đã được cải thiện hơn, nhưng hành vi của người chăn nuôi, doanh nghiệp không hề thay đổi.
Mới đây, trong các phiên họp Quốc hội và phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã bày tỏ thái độ rất bức xúc trước tình trạng người chăn nuôi, trồng trọt thờ ơ trước tính mạng đồng loại như hiện nay, thậm chí gọi đó là “tội ác” và kêu gọi cần có những biện pháp mạnh tay hơn.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Thông thường, các loại thuốc cấm này đều rất độc hại, có thể chứa các hoạt chất như thủy ngân, hoạt chất gây ung thư… Khi sử dụng thuốc này phun lên rau, không chỉ người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà người phun thuốc cũng bị ảnh hưởng do sự độc hại của thuốc.
Nghiêm trọng hơn, hầu hết các loại thuốc BVTV cấm dù không quy định thời gian cách ly nhưng khi nông dân sử dụng phun lên rau, quả thì dù 1 năm sau mới thu hoạch vẫn gây độc hại cho người sử dụng. Nguyên nhân bởi các hóa chất tồn dư trong đất khó phân hủy.
Thực tế, qua thanh, kiểm tra cho thấy, hiện nay các loại rau ăn lá như rau cải hay các loại đậu cove, đậu đũa cho thu hoạch quả thường xuyên được người dân sử dụng thuốc BVTV nhiều nhất. Còn với các loại ăn củ hay ăn quả như khoai tây, cà chua, bầu, bí…, mức độ sử dụng thuốc BVTV hạn chế hơn.
Điều đáng nói ở đây nhất là do chế tài xử phạt vẫn chưa nghiêm nên hành vi của người sản xuất vẫn chưa thay đổi. Được biết, Luật BVTV và kiểm dịch đã ra đời, trong đó quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người sử dụng thuốc BVTV không đúng hướng dẫn ghi trên nhãn, bao gói; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng - 3 triệu đồng đối với người sử dụng thuốc BVTV dưới dạng ống tiêm thủy tinh không có tên trong danh mục ở Việt Nam, gây nguy hiểm cho người, gia súc và làm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, từ khi luật ra đời đến nay, chưa có một trường hợp người nông dân nào bị xử phạt.