Rừng Ea Súp bị tàn phá tan hoang

Chủ Nhật, 05/03/2017, 08:06
Những ngày đầu tháng 3-2017, Báo CAND nhận được thông tin của bạn đọc về việc những cánh rừng thuộc lâm phần quản lý của Công ty Lâm nghiệp Ea HMơ và Công ty Lâm nghiệp Ya Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) đang bị “lâm tặc” kéo nhau vào tàn phá tan hoang.


Ngang nhiên dựng lán trại khai thác gỗ

Lần theo địa chỉ người dân hướng dẫn, chúng tôi có mặt tại lâm phần quản lý của Công ty Lâm nghiệp Ea HMơ để tìm hiểu sự việc. Tại đây, chỉ trong vòng bán kính chưa đầy 1.000m2, chúng tôi đã đếm được có hơn 30 cây gỗ, đường kính từ 40-60cm bị “lâm tặc” triệt hạ chỉ còn trơ gốc.

Đặc biệt, cách trạm giữ rừng của công ty này khoảng 700m, “lâm tặc” còn ngang nhiên dựng lán trại, đưa cưa mâm di động vào tổ chức khai thác gỗ như một công xưởng giữa ban ngày. Bên ngoài xưởng cưa, nhiều cây gỗ vừa được khai thác về vẫn còn ứa nhựa nằm lăn lóc. Theo quan sát, số gỗ này có đường kính từ 20-50cm, dài 4-5m, chủ yếu là gỗ dầu thuộc nhóm IV.

Đi sâu vào bên trong, dọc hai bên đường từ trung tâm xã Ya Lốp sang xã Ia Jơi, hàng trăm cây rừng sau khi bị “lâm tặc” triệt hạ lấy mất phần thân, còn cành và gốc bị đốt cháy nham nhở. “Đây là một cách cánh “lâm tặc” tạo ra hiện trường giả như một vụ đốt rừng non để tránh cháy rừng nhằm đánh lừa lực lượng chức năng. Thực chất số gỗ đã được chúng khai thác và vận chuyển ra khỏi hiện trường trước đó”, anh N.T.A, một thổ địa ở đây cho chúng tôi biết.

Một bãi gỗ nằm sâu trong rừng được “lâm tặc” chặt hạ chuẩn bị vận chuyển ra khỏi rừng.

Tiếp tục tiến sâu vào trung tâm lõi của rừng thuộc lâm phần quản lý của Công ty Lâm nghiệp Ya Lốp, nhìn thực tế những cây gỗ cổ thụ đang bị tàn phá, những lối đi phủ đầy gỗ không ít người cảm thấy xót xa. Dừng chân tại một Trạm quản lý bảo vệ rừng ngay giữa trung tâm lõi, chúng tôi chứng kiến hàng chục cây gỗ xung quanh trạm bị đốn hạ ngổn ngang, những phần “nạc” đã được lâm tặc lấy đi chỉ còn trơ cành và lá. Điều ngạc nhiên nhất trong suốt một ngày vượt rừng, chúng tôi không hề bắt gặp bóng dáng của một cán bộ bảo vệ rừng nào.

Thỉnh thoảng chỉ thấy một số người dân vào rừng nhặt củi khô, hái cây thuốc hay tìm mật ong. Không chỉ trong rừng, mà ngay trụ sở UBND xã Ya Lốp, hàng trăm mét khối gỗ được đơn vị này bắt giữ tập kết chất đống trước sân. Qua đây có thể thấy, tình trạng phá rừng nơi đây đang diễn ra một cách kinh khủng như thế nào.

Buông lỏng quản lý, rừng chảy máu từng giờ

Ngay sau khi đi khảo sát thực tế, đem vấn đề trên trao đổi với một số người có trách nhiệm thì ngay ngày hôm sau, chúng tôi cùng họ quay lại hiện trường xưởng cưa thì lán trại, dàn cưa mâm nơi đây đã được “lâm tặc” cho tháo dỡ từ bao giờ. Tại đây, lực lượng chức năng chỉ thu giữ được một số vật dụng như quần áo, võng màn, xoong nồi cùng 415 lóng gỗ tròn (khoảng 33m3) được “lâm tặc” bỏ lại.

Đem vấn đề trên trao đổi với ông Cao Xuân Tiến, cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Ya Lốp thì được ông này cho biết, mặc dù từ trước và sau Tết đến nay, một số anh em vẫn luôn túc trực để giữ rừng. Tuy nhiên, hiện nay do đang có chủ trương sáp nhập các công ty lâm nghiệp nên toàn bộ công cụ hỗ trợ phải trả lại cho phía công ty nên công tác giữ rừng gặp rất nhiều khó khăn. “Ngoài ra, do lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên nhiều khi gặp “lâm tặc”, chúng tôi phải gọi và đợi người đến hỗ trợ mới dám truy bắt. Mỗi lần như thế, “lâm tặc” lại bỏ gỗ chạy thoát thân nên chỉ tịch thu được gỗ chứ không bắt được người”, ông Tiến lý giải. 

Còn ông Trương Văn Dự, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp cho biết, việc để xảy ra tình trạng phá rừng tràn lan tại địa phận quản lý của 2 công ty trên là có thật. “Điển hình như vào cuối tháng 2-2017 vừa qua, trong quá trình tuần tra, lực lượng kiểm lâm của huyện đã phát hiện tại địa phận của 2 công ty này hơn 50m3 gỗ các loại đã bị “lâm tặc” đốn hạ, tập kết chuẩn bị vận chuyển ra khỏi rừng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã phát hiện một số lán trại, cưa mâm do “lâm tặc” đưa vào để khai thác gỗ. Tuy nhiên, khi cho anh em tổ chức ra quân vây bắt thì tất cả lán trại, cưa mâm đã được “lâm tặc” tháo dỡ. Có thể trước đó “lâm tặc” đã được báo động cho biết trước”, ông Dự khẳng định.  

Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng phá rừng nơi đây đang diễn ra ồ ạt, công khai là vào ngày 21-10-2016, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý chủ trương cho Công ty Lâm nghiệp Ya Lốp và Ea HMơ phối hợp với Công ty CP cao su Phước Hòa thành lập Công ty TNHH cao su và Lâm nghiệp Phước Hòa Đắk Lắk.

Tuy nhiên, do Công ty TNHH cao su và Lâm nghiệp Phước Hòa Đắk Lắk chưa đi tổ chức, sắp xếp lại và giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị thành viên nên cán bộ, công nhân viên của các công ty đang rất hoang mang chưa biết đi đâu về đâu nên có phần buông lỏng trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Theo ông Y Sy HDơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn huyện Ea Súp có 28 dự án thuê đất, thuê rừng để phát triển nông, lâm nghiệp với diện tích khoảng 21.945ha. Tuy nhiên, trong số này chỉ có vài dự án triển khai có hiệu quả. Số còn lại họ chỉ cử người ở lại trông coi, trong khi công cụ hỗ trợ và vai trò bảo vệ rừng không có dẫn đến tình trạng “lâm tặc” lợi dụng để chặt phá rừng. Bên cạnh đó, một số cán bộ đơn vị cấp xã, các công ty lâm nghiệp chưa nhiệt tình trong công tác giữ rừng, thậm chí còn “tiếp tay” cho “lâm tặc” phá rừng khiến công tác bảo vệ rừng hết sức khó khăn.

Đơn vị sẽ tiến hành tham mưu cho Sở NN-PTNT, UBND tỉnh cần xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để mất rừng. Đối với các dự án thuê đất, thuê rừng nếu không hiệu quả sẽ kiến nghị thu hồi”, ông Y Sy HDơk cho biết thêm.

Tháng 6-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên. Thủ tướng cũng nêu rõ, địa phương nào để mất rừng thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm.
Mặc dù Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt nhưng thời gian gần đây, những cánh rừng tại huyện Ea Súp vẫn bị “lâm tặc” tàn phá tan hoang trong suốt một thời gian dài nhưng vẫn không được các cơ quan chức năng kịp thời xử lý. Dư luận đang đặt câu hỏi về sự bắt tay của lực lượng giữ rừng với các đối tượng lâm tặc để tàn phá khu rừng này.
Văn Thành
.
.
.