Sóc Trăng:

Nỗi ám ảnh hai bên bờ sông Hậu khi tàu cao tốc chạy qua

Thứ Sáu, 21/08/2020, 20:37
Theo thống kê, sóng do tàu cao tốc tạo ra đã làm sạt lở 37 đoạn chân đê với chiều dài 1.500 mét; gây ra 34 vụ chìm xuồng, ghe; 11 lần lưới, ngư cụ của người dân bị cuốn trôi...  


Chỉ sau mấy tháng đi vào hoạt động, tàu cao tốc tuyến Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng) - Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và ngược lại, khiến cuộc sống, sản xuất của người dân hai bên bờ sông Hậu thuộc các huyện Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) bị đảo lộn; hàng chục ngàn mét vuông đất của bà con bị trôi sông...

 Dẫn chúng tôi đi dọc bờ sông Hậu tiếp giáp với ao tôm ở ấp Mười Chiến, xã Long Phú, huyện Long Phú, ông Võ Thanh Vân (60 tuổi), bức xúc: “Tàu cao tốc khai trương mới mấy tháng nhưng đã làm cho chúng tôi hoang mang vì tình trạng sạt lở do sóng tàu gây ra rất lớn. Nhà tôi có đất giáp bờ sông chiều dài 600 mét, trước đó tôi đã chi hơn 1 tỉ đồng để làm bờ kè bằng bê tông kiên cố nhưng sóng đánh bay hết, lở sâu thêm vào khoảng 5 mét, tính ra bị mất khoảng 3.000m2 đất". 
Ông Nguyễn Văn Đời cho biết tình sạt lở do sóng của tàu cao tốc đánh lấn sâu vào bờ khoảng 20m.

"Do bị sạt lở đe dọa ao nuôi tôm, tôi phải bỏ tiền để làm lại bờ kè mới với giá 3 triệu đồng cho một mét chiều ngang, ước tính hết 2 tỉ đồng. Số bị sạt lở trước tôi đã kè xong, nhưng đoạn mới bị sạt lở, chưa kịp làm, tôi phải thuê người phủ bạt, lấy tôn lợp nhà chắn lên trên rồi dùng các cây cột bê tông đè lên để chống sạt lở. Thiệt hại rất lớn mà không biết kêu ai”. 

Đường dẫn bến phà dân sinh nối Long Phú với Cù Lao Dung bị sóng đánh sập.

Tương tự ông Vân, hộ ông Lưu Thanh Bình (ấp 2, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú) có diện tích đất chiều dài theo bờ sông khoảng 200m, do không có điều kiện làm bờ kè bằng bê tông nên đất của ông cũng bị sóng đánh sạt lở sâu vào bờ, có chỗ từ 15-20m. Con ông Bình, cho biết: “Tàu chạy với tốc độ cao khiến cho sóng rất mạnh, nhiều hôm sóng tràn qua bờ vào tận ao tôm”. 

Đưa chúng tôi đi trên đường dẫn xuống bến phà dân sinh tại ấp Mười Chiến (xã Long Phú, huyện Long Phú), đưa khách qua sông Hậu từ Long Phú sang Cù Lao Dung, ông Nguyễn Văn Đời (ấp Mười Chiến), cho biết: “Con đường dẫn này rộng 4 mét, dài 20 mét. Trước đây đường dẫn này nằm trên bờ sông nhưng từ ngày tàu cao tốc đi qua đã làm sạt lở hoàn toàn đường dẫn này, lấn sâu vào bên trong 5 mét nữa. Mỗi khi tàu chạy qua, sóng đánh cao, mạnh, làm sạt lở bờ sông, nhiều tàu thuyền nhỏ cũng bị vạ lây do sóng đánh chìm. Bà con chúng tôi mong các ngành chức năng yêu cầu đơn vị kinh doanh tàu cao tốc phải có trách nhiệm với thiệt hại của chúng tôi”. 

Để chống sạt lở, người dân phải bỏ tiền tỉ để làm bờ kè giữ đất.

Ngược theo đường Nam sông Hậu lên các xã Nhơn Mỹ, Phong Nẫm, An Lạc Tây của huyện Kế Sách, chúng tôi cũng được người dân phản ánh về thiệt hại tài sản do những đợt sóng của tàu cao tốc. Tại cồn Cò (ấp An Tấn, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách), nhiều đoạn kè chân đê tại cù lao bị sóng đánh vỡ, nhiều đoạn đê bị sạt lở. Đặc biệt, nhiều hộ dân có nhà ở cạnh chân đê đang đứng trước nguy cơ bị hư hại vào đỉnh điểm của mùa mưa, triều cường sắp tới và khi tàu cao tốc chạy qua. 

Ông Lê Văn Lừng (ấp An Tấn, xã An Lạc Tây) bức xúc: “Từ ngày tàu cao tốc hoạt động đến nay, đất ven bờ sông bị sạt lở, các hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản cũng nơm nớp lo sợ bởi tàu chạy với tốc độ cao sẽ gây sóng lớn đánh chìm xuồng, lưới cũng hư hỏng nặng”. 

Bờ kè tiền tỉ trước đây của ông Võ Thanh Vân đã bị sóng đánh tan tác.

Ông Lê Văn Chăn (cồn Cò, ấp An Tấn) trải lòng: “Tôi trồng vườn và mua bán trái cây nên thường xuyên chuyển nông sản qua sông bằng xuồng, ghe. Khi tàu cao tốc xuất hiện, tôi phải chờ chạy qua lâu, sóng yên mới chuyển trái cây từ cồn vào bờ cho an toàn”. 

Theo ông Chăn, nhiều người dân ở đây đã quen với cảnh tàu thuyền qua lại hàng ngày nhưng bây giờ nhìn tàu cao tốc chạy khiến họ bất an trước tình trạng sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì những cù lao nơi đây càng bị sạt lở nhiều hơn... đồng nghĩa với tư liệu sản xuất của người dân sẽ bị tước đoạt. 

Chưa kịp làm kè kiên cố, ông Võ Thanh Vân phải dùng tôn che tạm không cho sóng làm sạt lở đất. 

Hiện, một số hộ dân có điều kiện không dám ở cồn mà chuyển vào trong đất liền ở. Còn những hộ không có điều kiện vẫn phải ở lại với suy nghĩ đến đâu hay đó, vả lại bà con cũng không biết chuyển đi đâu vì không có điều kiện.

Theo người dân ấp An Tấn và ấp An Công trên cù lao sông Hậu (xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách), trong những năm qua bà con đã chịu cảnh sạt lở nghiêm trọng ở các tuyến đê do triều cường dù huyện Kế Sách đã bố trí nguồn kinh phí khá lớn để đầu tư kè đá bảo vệ chân đê. Nhưng từ khi tàu cao tốc chạy tuyến Cần Thơ - Côn Đảo đi vào hoạt động, các công trình bảo vệ đê không còn tác dụng. 

Theo thống kê, sóng do tàu tạo ra đã làm sạt lở 37 đoạn chân đê với chiều dài 1.500 mét; gây ra 34 vụ chìm xuồng, ghe gây hư hỏng phương tiện; 11 lần lưới, ngư cụ của người dân bị cuốn trôi. Một số công trình do nhà nước đầu tư bằng kè rọ đá đã hư hỏng, có nguy cơ sạt lở.  

Tàu cao tốc chạy trên sông Hậu, đoạn qua các huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng. 

Trước thực trạng đó, UBND huyện Kế Sách đã có công văn Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng đề nghị xác minh thông tin liên quan đến những ảnh hưởng do tàu cao tốc gây ra trên địa bàn các xã ven sông Hậu, các xã đảo ở địa phương, sớm có giải pháp giải quyết vụ việc, ổn định cuộc sống cho người dân. 

Đại tá Phạm Minh Khả, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, tuyến tàu cao tốc trên lưu thông trên tuyến hàng hải nên không thuộc quyền xử lý của CSGT giao thông địa phương. 

Còn ông Trang Trường Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng nói: “Tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo được Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV (tuyến Cần Thơ đi Trần Đề) và Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ (tuyến Trần Đề đi Côn Đảo) cấp phép”… 

Trong văn bản gửi Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng cuối tháng 7-2020, chủ đầu tư tàu cao tốc cho rằng, luồng sông Hậu là một trong những luồng dành cho tàu, thuyền rộng nhất Việt Nam, luồng có chiều rộng lên đến hàng nghìn mét, chỗ hẹp nhất cũng vài trăm mét. 

Đây là luồng đang đón trả các tàu có lượng giãn nước 200.000 tấn. Như vậy, với độ rộng tại luồng sông Hậu, lượng giãn nước 250 tấn của tàu công ty đang hoạt động không thể gây tác hại đáng kể (!?). 

Theo người dân địa phương, do phản ánh nhiều lần lên các cấp chính quyền, nên mấy ngày nay không thấy tàu cao tốc chạy trên sông Hậu nữa.

Đức Văn - Cao Xuân
.
.
.