Khai thác cát gây sạt lở đất canh tác của người dân

Thứ Ba, 25/10/2011, 17:30
Hoạt động khai thác cát trên sông Lô của các doanh nghiệp được cấp phép lẫn trái phép diễn ra rầm rộ trên một số địa bàn của tỉnh Phú Thọ đang gây bức xúc cho nhiều người dân. Nhiều tàu hút cát không đúng quy định, gây sạt lở đất canh tác khiến người dân bất bình, phải kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền yêu cầu giải quyết...

Ném đá, chai xăng để… giữ đất

Một trong những điểm khai khác cát gây nguy cơ sạt lở nghiêm trọng khiến người dân bất bình là tại khu vực một số xã như: Đại Nghĩa, Hùng Long, Phú Thứ… thuộc huyện Đoan Hùng. Nóng nhất thời gian qua là địa phận khu vực thôn 11, 12, thuộc xã Đại Nghĩa.

Tại bờ sông thuộc khu vực thôn 12, đang mùa nước cạn, mặt sông chỉ rộng chừng hơn 200m2, vậy nhưng đếm sơ sơ cũng có đến gần 30 chiếc tàu cuốc đang hoạt động khai thác, vây quanh là cả trăm chiếc tàu chuyên chở bám theo để “ăn hàng”. Có đoạn, có đến 14 chiếc tàu cuốc cùng dàn hang ngang kín hết lòng sông để khai thác,  không còn bất cứ một khoảng trống nào để tạo luồng lạch cho các phương tiện khác lưu thông.

Trên bờ sông thuộc phần đất của thôn 12, có những chỗ đất bị sạt lở nghiêm trọng tạo thành những vách dựng đứng cao từ 2- 4m. Nguyên nhân dẫn đến sạt lở này theo như người dân là do các tàu khai thác cát vào quá gần bờ, khiến cho đất canh tác của bà con nông dân bị tụt xuống.

Trong tâm trạng bức xúc, vợ chồng anh Hà Văn Trung (nằm trên bờ sông Lô, thuộc thôn 12, xã Đại Nghĩa, huyện Đoan Hùng) cho biết, sự việc đã diễn ra hơn 1 tháng nay, các tàu cuốc luôn hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. Theo thông báo của xã tới bà con thì các tàu chỉ được phép khai thác cách bờ 50m, tuy nhiên các tàu khai thác vi phạm quy định này, thậm chí có những tàu khai thác cách bờ chỉ chừng hơn 10m. Toàn bộ chân bờ sông thuộc thôn này đều bị khai thác hết khiến nhiều điểm đã sạt lở.

Trước kia, trâu còn có thể xuống bờ sông uống nước được, nhưng nay đất bị sạt lở, tạo thành những vách thẳng đứng, trâu cũng không thể xuống uống nước được nữa. Đặc biệt các tàu khai thác cát vi phạm rất nhiều vào buổi tối, tạo tiếng ồn gây mất trật tự khiến người dân khu này bức xúc. Để đuổi các tàu khai thác vào gần bờ, gây sạt lở đất canh tác của mình, nhằm giữ đất, mấy hôm trước bà con phải dùng gạch, đá ném để xua đuổi tàu ra khỏi khu vực vi phạm. Có người còn bức xúc dùng cả chai xăng ném xuống tàu khiến lửa cháy bùng bùng. Bà con gặp đâu đuổi đấy mà họ vẫn cứ lăn vào. Lúc vắng người là họ lại vi phạm.

Vợ chồng anh Trung cho hay, ngoài vài ba sào ruộng nhà anh cũng chỉ còn 10 thước đất canh tác ở bờ sông, trừ phần cát đi thì chỉ còn 9 thước. Giờ đang mùa nước cạn nên chưa bị sạt lở nhiều, nhưng do vở sông đã mất hết chân, chỉ cần đến mùa lũ thì chắc chắn sẽ bị sạt hết, thậm chí không khéo còn bị lở vào tận đến nhà. Bà con thì chỉ biết nhờ chính quyền xã can thiệp nhưng sự việc vẫn cứ đâu vào đấy.

Đại công trường khai thác cát trên sông Lô thuộc xã Đại Nghĩa (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ).

Ông Trần Ngọc Hải, Bí thư chi bộ thôn 11 (xã Đại Nghĩa) cho biết, hiện tại nhiều tàu đã khai thác vào địa phận thôn 11, mấy hôm vừa rồi liên tục bà con thấy và có ý kiến, lãnh đạo thôn cùng Công an viên và nhân dân lại phải ra đẩy đuổi. Mới nhất là hôm 20/10 vừa qua, người dân cùng lãnh đạo thôn và Công an xã phải ra đuổi và lập biên bản hai tàu khai thác cát, cách bờ chỉ chưa đầy 30m.

Các cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc

Ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư xã Đại Nghĩa (huyện Đoan Hùng) cho biết, địa phận bờ sông Lô thuộc xã Đại Nghĩa có 2 doanh nghiệp đang khai thác là Công ty THT và Cát Vàng, khai thác theo hướng giáp ranh từ xã Phú Thứ lên. Trước khi vào khai thác, các doanh nghiệp đều đến làm việc với chính quyền xã và thống nhất khai thác cách bờ 50m. Tuy nhiên khi triển khai, các tàu thường xuyên vi phạm quy định này. Các tàu này có cẩu dài đến 20m, nên lấy vào sát bờ khoảng cách chỉ khoảng 20m.

Hiện tại khu vực thôn 12, chiều dài sạt lở đã đến hàng trăm mét, còn chiều sâu hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể. Chính quyền xã chỉ biết cho lực lượng Công an viên ra đẩy đuổi, tuy nhiên cứ khi Công an viên về, chủ tàu lại cho tàu tiến vào. Người dân ở đây chỉ có một ít đất canh tác là tư liệu sản xuất chính nên rất sốt ruột kiến nghị, xã cũng chỉ biết có công văn báo cáo lên UBND huyện, đề nghị các doanh nghiệp không được phép cho tàu vào khai thác gần bờ vì thẩm quyền của xã không thể giải quyết được.

Sự việc kéo dài cả tháng nay khiến người dân bức xúc, chính quyền xã cũng đã ghi nhận, thế nhưng khi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, thì ông Hoàng Như Lô, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản lại cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan này chưa nhận được một báo cáo nào về sai phạm của các doanh nghiệp khai thác cát trên sông Lô, như vi phạm vào khu vực cấm khai thác như đã nêu trên. Các sai phạm xảy ra là do quản lý của chính quyền địa phương, trong đó có chính quyền xã. Chỉ cơ quan cấp phép mới có thẩm quyền rút giấy phép. Tuy nhiên quản lý hành chính là của chính quyền địa phương. Thời gian tới nếu phát hiện sai phạm, Sở sẽ báo cáo với UBND tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Phú Thọ đã đi kiểm tra toàn bộ, về cơ bản tuyến sông Lô không phát hiện sai phạm, các doanh nghiệp hoạt động khai thác theo đúng giấy phép được cấp.

Điều này có thể hiểu đơn giản, cũng giống như người dân và chính quyền xã khi phát hiện đẩy đuổi thì chủ tàu sẽ cho tàu ra xa, khi nào vắng người thì tàu sẽ lại áp sát vào bờ. Chính vì vậy, để giữ gìn tư liệu sản xuất cho người dân, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ cần quyết liệt vào cuộc, xử lý dứt điểm tình trạng trên

Phan Hoạt
.
.
.