Người dân bức xúc vì nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm môi trường
- Di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của nhà máy xử lý rác
- Dân dựng lều phản đối xây dựng nhà máy xử lý rác thải
- Bảo vệ Nhà máy xử lý rác thải thừa nhận cản trở phóng viên1
Theo đó, khi nhà máy đốt rác thải, mùi khét và bụi lan tỏa sang các khu dân cư giáp ranh là xóm Ao La, xóm Trại, Đồng Rớn, thuộc xã Minh Tân và khu vực thị trấn Minh Đức, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, một số đầm nuôi thủy sản quanh khu vực cũng bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải từ nhà máy...
Theo hồ sơ và báo cáo của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Toàn Thắng, công ty có nhà máy xử lý rác thải nằm tại thung lũng phía tây bắc núi Thần Vi, thuộc địa bàn thị trấn Minh Đức, cạnh ngã ba sông Thải, xa khu vực dân cư. Công ty được phép ký kinh doanh ngành nghề thu gom, xử lý rác thải nguy hại và không nguy hại. Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại được Tổng cục môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp ngày 25-6-2015. Theo đó, công ty được phép vận chuyển, xử lý 286 mã chất thải nguy hại với tổng khối lượng 6.510.000 kg/năm. Hệ thống xử lý chất thải nguy hại có 1 lò đốt công suất 500kg/h, khí thải phát sinh do hoạt động phân loại chất thải và lò đốt được xử lý trước khi thải ra môi trường qua hệ thống ống khói cao trên 20 mét. Chất thải nguy hại được quản lý trong kho lưu giữ, có biển cảnh báo, gắn mã theo quy định.
Về xử lý nước thải sản xuất, hầu hết nước thải được sử dụng tuần hoàn làm giải nhiệt khí thải lò đốt, được thu gom và xử lý qua hệ thống xử lý với công suất 100m3/ngày đêm trước khi xả ra môi trường.
Trao đổi với bà Phạm Thị Toan, Giám đốc công ty, về việc người dân kiến nghị khói của nhà máy xả ra có mùi khét và bụi, bà cho rằng trong tháng 9-2017, Nhà máy có mấy lần bị mất điện đột xuất, thời tiết lại mưa nhiều, chất thải bị ướt, dẫn đến khói không được xử lý triệt để. Để khắc phục các sự cố khi bị mất điện, hiện doanh nghiệp đã đầu tư thêm máy phát điện dự phòng.
Về kiến nghị nước thải của nhà máy gây ô nhiễm khu vực nuôi trồng thủy sản của dân, bà Toan khẳng định: “Nước thải sản xuất và sinh hoạt trước khi đưa ra lạch Sông Thải, chảy ra sông đã qua hệ thống xử lý, do đó không thể gây ô nhiễm cho các đầm nuôi trồng thủy sản xung quanh…”. Hiện công ty còn 2 dây chuyền tái chế cao su, chất thải điện tử chưa hoạt động vì chưa đủ thủ tục về môi trường, Bà Toan cho biết thêm.
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về việc làm rõ các kiến nghị của người dân, ngày 30-10-2017, đoàn liên ngành Tài nguyên & Môi trường huyện cùng Công an huyện Thuỷ Nguyên, UBND thị trấn Minh Đức, xã Minh Tân đã tổ chức kiểm tra thực tế tại nhà máy.
Qua đó đánh giá: Về cơ bản, nhà máy đang hoạt động đúng qui trình. Tuy nhiên có một số vấn đề cần khắc phục trong đó công ty cần khẩn trương hoàn thiện các thủ tục môi trường 2 dây chuyền tái chế cao su và chất thải điện tử để đưa vào hoạt động; hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước tràn mặt, không để rò rỉ ra môi trường...
Trong quá trình hoạt động phải nghiêm túc chấp hành các qui định pháp luật về môi trường, thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng môi trường sống của nhân dân, tránh phát sinh các khiếu kiện...
Đoàn cũng có một số đề nghị với UBND thị trấn Minh Đức, UBND xã Minh Tân trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xử lý chất thải của Công ty Toàn Thắng...