Lãng phí trong quản lý nhà, đất công ở TP Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 17/05/2018, 08:38
Hầu hết các trường hợp mang tài sản công hoặc đất thuê với giá rẻ đi cho thuê lại đều được quận huyện tại Tp HCM phát hiện do việc này công khai, không thể giấu diếm, nhưng không thể xử lý triệt để.


Bài 1: Đất “vàng” nội thành thuê rẻ như cho

Tại quận Tân Phú, Công ty cổ phần (CP) Dệt may Thắng Lợi được TP Hồ Chí Minh cho thuê cả chục ngàn m² đất bám mặt tiền đường ở số 2 Trường Chinh với giá rẻ. Công ty CP Dệt may Thắng Lợi đã kịp cắt một phần diện tích không nhỏ bám mặt tiền đường để cho DN khác thuê lại, xây dựng kiên cố làm showroom ôtô.

Ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) cho hay, hiện Sagri đang quản lý tới 45 địa chỉ nhà, đất với tổng diện tích “khủng” ở mức gần 62,9 triệu m². Trong số này, chỉ riêng khối văn phòng Sagri đã được bố trí tới 38 công sản với tổng diện tích hơn 3 triệu m². Sở hữu quá nhiều nhà đất công, không sử dụng hết so với năng lực sản xuất kinh doanh nên đã có một số địa chỉ được Sagri hoặc đơn vị thành viên đem cho thuê.

Phần lớn chiều dài mặt tiền khuôn viên trụ sở của 3 cơ quan thuộc ngành nông nghiệp đã được cắt ra đem cho thuê.

Chẳng hạn khu nhà, đất rộng cả chục ngàn m² ngay mặt tiền số 352 Kinh Dương Vương, phường An lạc, quận Bình Tân của Sagri cũng đã được đem cho Công ty TNHH TMDV Hoàng Vinh thuê lâu nay.

Việc này đã tạo cơ hội cho DN tư nhân trên cắt ra cho thuê lại với cái giá không hề rẻ, chỉ một phần nhà mặt tiền phía trước đã có giá thuê lên đến 38 triệu đồng mỗi tháng từ năm ngoái. Thời điểm này, phần diện tích rộng mênh mông phía sau đã được công ty Hoàng Vinh phân chia thành từng ô để cho thuê kho chành và bãi đậu ô tô. Vẫn chưa khai thác hết diện tích đất công rộng mênh mông này, hiện DN này còn đang tiếp tục treo bảng cho thuê kho bãi làm chành xe Nam Bắc tại đây.

Trục lợi từ nhà, đất công không chỉ có DN, mà ngay cả các cơ quan hành chính cũng đã nhắm đến việc cho thuê để kiếm lợi. Tại số 12 Nguyễn Chí Thanh, quận 5, dù đã có 3 đơn vị trong ngành Nông nghiệp được bố trí đặt trụ sở tại đây, nhưng đơn vị quản lý cũng đã kịp cắt ra một phần mặt tiền để cho thuê bán cây cảnh.

Thậm chí, theo phản ánh của người dân, phần sân trụ sở cũng đã được tận dụng để làm dịch vụ giữ xe ôtô trong thời gian dài. Chưa nhắc đến chuyện cho thuê này đã gián tiếp tạo điều kiện cho người thuê bán cây cảnh có cơ hội lấn chiếm vỉa hè buôn bán gây mất mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông cũng như ảnh hưởng đến công tác bảo mật trụ sở cơ quan Nhà nước, bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy… thì tiền cho thuê có được nộp đủ vào quỹ cơ quan, giá cho thuê trong hợp đồng có đúng với thực tế hay không, cũng là điều khiến dư luận buộc phải nghi ngờ.

Từ kết quả một đợt giám sát về công tác quản lý, sử dụng đất thuộc sở hữu Nhà nước, tại kỳ họp HĐND Thành phố gần đây, ông Cao Thanh Bình, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố đã thẳng thắn chỉ ra rằng, số lượng nhà đất công trên địa bàn thành phố là rất lớn, song công tác quản lý có lúc, có nơi còn buông lỏng trong thời gian dài. Việc này dẫn tới tình trạng mang công sản đi liên danh, liên kết sai quy định tràn lan, nhiều địa phương chưa kê khai hết các địa chỉ nhà đất công.

Cụ thể, quận 3 còn 11 địa chỉ chưa kê khai, quận Gò Vấp còn 9 địa chỉ, quận 4 còn 10 địa chỉ, quận Thủ Đức còn đến 99 địa chỉ, quận 1 còn 23 địa chỉ... để hợp thức hóa cho việc bao chiếm công sản, nhiều đơn vị đã đề xuất phương án xử lý chưa phù hợp, chưa căn cứ theo các quy định hiện hành như quận 11 và quận Thủ Đức.

Đã vậy, theo ông Bình giá thuê nhà đất công cũng mỗi nơi áp dụng một kiểu. Quận Thủ Đức cho thuê theo giá thị trường, nhưng quận Tân Bình lại cho thuê theo giá quy định được áp dụng từ nhiều năm trước, hiện không còn phù hợp. Từ thực tế trên ông Bình lưu ý, nếu thành phố không tập trung các giải pháp; không đồng bộ việc quản lý nhà đất công, thất thoát từ nguồn này là rất lớn.     

Thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp mang tài sản công hoặc đất thuê với giá rẻ từ Thành phố đi cho thuê lại đều được quận huyện phát hiện do việc này công khai, không thể giấu diếm, nhưng không thể xử lý triệt để. Bởi để buộc các DN, đơn vị đã mang tài sản công đi cho thuê phải lập tức lấy lại mặt bằng là không hề đơn giản khi hợp đồng cho thuê đã được ký dài hạn, người thuê đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở kinh doanh.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến DN, đơn vị đã mang đất công đi cho thuê cố tình chây ì, phớt lờ yêu cầu phải thu hồi phần đất cho thuê.

Bảo Sơn - Phương Tuyền
.
.
.