Hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Nội có nguy cơ bị đẩy ra đường

Thứ Hai, 30/07/2018, 08:31
Những ngày qua, thông tin UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội) ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên hợp đồng do huyện ký để chuyển về cho Hiệu trưởng xem xét, ký kết từ ngày 1-9 đã khiến hàng trăm giáo viên như “ngồi trên lửa” vì đứng trước nguy cơ mất việc làm. 

Nhiều ngày nay, bên cạnh việc gửi đơn “kêu cứu” lên các cơ quan báo đài, các giáo viên cũng tụ tập nhiều giờ liền phía ngoài khu vực cổng UBND huyện Thanh Oai để phản đối quyết định này.

Cô Nguyễn Thị Thược, Giáo viên Trường Mầm non Cao Dương, Thanh Oai- Hà Nội, người có thâm niên dạy học 23 năm chia sẻ: “Tôi đã 47 tuổi rồi, cái tuổi này giờ đi xin việc ở đâu ai nhận. Giờ không biết làm gì nếu như không còn được đứng lớp nữa”. 

Thầy Trần Văn Thảo, Giáo viên Trường THCS Xuân Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội cũng cho biết: “Chúng tôi đã cống hiến từ những năm tháng tuổi thanh xuân, trong đó có nhiều thầy cô có thâm niên công tác là 21, 22 năm nhưng cũng chỉ là hợp đồng. Với quyết định mới này, cần thì người ta ký, không cần thì người ta cho nghỉ, lúc đó cho chúng tôi biết đi đâu về đâu?”.

Giáo viên hợp đồng chia sẻ nỗi lo mất việc với phóng viên báo chí.

Theo tìm hiểu của Phóng viên Báo CAND, ngày 19-7, UBND huyện Thanh Oai ra văn bản số 1020/UBND-NV về việc thực hiện một số nội dung tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 13-4-2017 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP Hà Nội. 

Công văn nêu rõ: UBND huyện chấm dứt hợp đồng lao động đối với những trường hợp trước đây UBND huyện đã ký hợp đồng tại các trường công lập thuộc huyện để chuyển về các trường do hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền. Thời gian có hiệu lực từ ngày 1-9-2018. Tuy nhiên, việc trao quyền tự chủ cho các hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng lại đang khiến các giáo viên không thể yên tâm. 

Theo lý giải của một số giáo viên, khi phân cấp cho hiệu trưởng rồi thì cũng có thể xảy ra trường hợp như anh chị em, con em người nhà hiệu trưởng có thể được công tác và những người khác bị sa thải. Điều này khiến cho hơn 400 giáo viên hợp đồng đang công tác trên địa bàn huyện đang rất tâm tư. 

Đáng nói hơn, lo lắng trên của các giáo viên không phải không có cơ sở khi mà trước đó, ngày 24-7, một cuộc họp giữa UBND huyện với các giáo viên và hiệu trưởng các trường được diễn ra, nhưng lãnh đạo UBND huyện không ai có mặt để giải thích về chính sách mới cho người lao động. Bên cạnh đó, văn bản hướng dẫn các trường đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có.

Trao đổi với phóng viên, ông  Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai cho biết: Với quyết định mới này, sau này hiệu trưởng có quyền ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế của trường. 

“Ví dụ một trường Trung học cơ sở A định biên 30 giáo viên nếu nay mới có 25 giáo viên thì hiệu trưởng được phép ký thêm 5 giáo viên nữa. Tuy nhiên, Hiệu trưởng có thể ký đủ theo định biên hoặc có quyền không ký cũng được. Huyện vẫn rót đủ kinh phí cho 30 người và 25 giáo viên này sẽ làm việc cho 30 người và hưởng kinh phí của 30 người” - ông Dũng nói. 

Cũng theo ông Dũng, nhu cầu giáo viên của huyện Thanh Oai hiện không đáp ứng đủ số giáo viên đang hợp đồng nên một số phải đứng ngoài và buộc phải tìm việc khác. 

Cụ thể, huyện Thanh Oai đang thiếu gần 100 giáo viên tiểu học trong khi có 85 giáo viên đang thuộc diện hợp đồng. Những giáo viên này muốn được dạy học tiếp thì phải tham gia thi và phải đỗ trong kỳ thi tuyển. Ở bậc trung học cơ sở, huyện thiếu biên chế gần 100 giáo viên trong khi số hợp đồng hiện là hơn 100 người. Do đó, số giáo viên hợp đồng phải tham gia thi tuyển. 

Về giáo viên bậc mầm non, huyện Thanh Oai đang thiếu 43 người nên không thể tổ chức thi tuyển. Do đó, với số giáo viên mầm non diện hợp đồng sẽ ra các nhóm tư thục làm việc. Bước đầu, dự kiến bố trí được khoảng 70 giáo viên, số còn lại phải tự lo việc. 

“Bản thân tôi rất thương những giáo viên hợp đồng. Có người hợp đồng 22 năm, gắn bó với nghề và coi nó như cái nghiệp của cuộc đời. Có giáo viên thi đến 9 lần rồi nhưng chưa trúng nhưng vẫn bám với nghề mặc dù lương chỉ có bậc 1. Tuy nhiên, hiện vẫn không có ưu tiên nào với các giáo viên hợp đồng lâu năm nếu họ đăng ký tham gia thi tuyển” - ông Dũng cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tuệ Sơn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Oai thông tin thêm: “Trước đây là huyện ký hợp đồng, nay đang giao cho trường ký hợp đồng và mức lương giáo viên sẽ vẫn hưởng như vậy. Theo kế hoạch, trong thời gian tới thành phố cho thi tuyển thì các giáo viên cũng sẽ được tạo điều kiện để thi tuyển. Đồng chí nào thi tuyển không đỗ thì mới phải thực hiện việc chấm dứt”. 

Cũng theo ông Sơn, thực tế thì đến thời điểm hiện tại, các giáo viên chưa bị cắt hợp đồng và điều này được UBND huyện Thanh Oai khẳng định đảm bảo duy trì cho đến hết năm 2018 và sẽ duy trì việc được ký hợp đồng cho đến khi có đợt thi tuyển viên chức mới. Tuy vậy, theo đăng ký nhu cầu cần tuyển dụng của huyện Thanh Oai trong thời gian tới là khoảng gần 120 giáo viên và qua tổng hợp của huyện này, số lao động hợp đồng vượt định mức hiện là 278 người. 

Điều này cho thấy, lo lắng “mất việc làm” của hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Thanh Oai là có thật. Về vấn đề này, ông Sơn cho rằng: “Trách nhiệm của chúng tôi bây giờ là làm làm sao để đảm bảo hợp lý về chỉ đạo của cấp trên đề xuống, thứ hai là hợp tình để làm sao người lao động hợp đồng thấy có thể chấp nhận được. Còn nếu để đạt được cái tình theo yêu cầu của họ thì chúng tôi không đáp ứng được quy định của pháp luật”.           

Đề nghị bảo vệ quyền lợi cho 434 giáo viên hợp đồng tại Thanh Oai

Trước sự việc hơn 400 giáo viên hợp đồng tại Thanh Oai-Hà Nội đang đứng trước nguy cơ mất việc làm, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có văn bản gửi Công đoàn Giáo dục Hà Nội. 

Theo đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Công đoàn Giáo dục Hà Nội nhanh chóng nắm bắt tình hình thực tế, báo cáo với Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Thanh Oai (Hà Nội) giám sát việc ký hợp đồng lao động giữa hiệu trưởng các trường và giáo viên đúng theo quy định của pháp luật; cố gắng sắp xếp, bố trí việc làm tối đa cho số giáo viên này. 

Bên cạnh đó, đối với giáo viên, người lao động phải chấm dứt hợp đồng thì cần có biện pháp giải quyết, hỗ trợ theo chế độ, chính sách bảo hiểm và can thiệp với các đơn vị liên quan để thầy, cô được tiếp tục đóng bảo hiểm (nếu có nguyện vọng). Ngoài ra, Công đoàn Giáo dục thành phố Hà Nội cũng nên cử cán bộ đến động viên, chia sẻ với các thầy cô trong giai đoạn khó khăn này. 

PV

Huyền Thanh
.
.
.