Lãnh đạo quan liêu, nhiều giáo viên nữ bị thiệt thòi

Thứ Sáu, 20/07/2018, 09:31
Sự việc xảy ra ở Trường THCS Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, khiến không chỉ giáo viên mà cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện này cũng bất bình.

Theo phản ánh của các nữ giáo viên ở đây, từ năm 2007 đến nay, có trên 20 trường hợp bị chậm làm chế độ thai sản, gây khó khăn và thiệt thòi cho họ. Sáng 18-7, chúng tôi đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc BHXH Triệu Phong. 

Ông Dũng khẳng định: “Lỗi trên do lãnh đạo và kế toán nhà trường. Theo quy định, khi người có trách nhiệm của nhà trường gửi thủ tục đến BHXH huyện để chi trả chế độ thai sản cho người lao động, đơn vị có trách nhiệm giải quyết trong thời gian tối đa 10 ngày. 

Thủ tục hưởng chế độ thai sản và việc gửi tới cơ quan BHXH cũng rất đơn giản; chỉ cần giấy chứng sinh, hoặc giấy khai sinh và giấy ra viện, gửi bằng hình thức điện tử; hoặc trực tiếp bằng các giấy tờ này. 

Trong vòng 10 ngày, nếu BHXH huyện không giải quyết, sự việc lập tức bị “báo động đỏ” trên hệ thống quản lý thông tin điện tử của BHXH tỉnh và Trung ương; đơn vị BHXH huyện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc BHXH huyện Triệu Phong.

Hỏi về các trường hợp giáo viên bị chậm làm chế độ thai sản ở Trường THCS Triệu Thuận, ông Dũng cho hay: “Ngày 15-7-2018, đơn vị chúng tôi nhận được thủ tục do bà Trần Ngọc Quỳnh Hương, kế toán Trường THCS Triệu Thuận gửi trực tiếp bằng giấy tờ của 3 trường hợp thai sản, gồm: Hồ Thị Gấm; Ngô Thị Bích Nga và Phùng Thị Thảo Nhi. 

Do việc gửi thủ tục quá chậm so với quy định, cụ thể chậm từ gần 4 tháng tới gần 1 năm rưỡi, làm ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người lao động, chúng tôi yêu cầu lãnh đạo và kế toán nhà trường, những người chịu trách nhiệm trong công việc này làm tờ trình gửi đơn vị chúng tôi. 

Trong tờ trình, bà Hương và ông Nguyễn Văn Xương, Hiệu trưởng nhà trường trình bày: “Thời gian qua do công tác kế toán chậm trễ, nghiệp vụ về giao dịch điện tử còn yếu kém nên không làm các chế độ cho người lao động và đồng thời bị mất chữ ký số điện tử”. Tôi khẳng định đây không phải là lý do chính đáng, đúng thực tế. Bởi lẽ từ Trường THCS Triệu Thuận đến BHXH huyện chỉ vài cây số; việc không gửi được bằng hình thức điện tử, thì cũng mất chưa tới 15 phút đi xe máy để giải quyết chế độ chính đáng và cần thiết cho người lao động”. 

“Đây cũng không phải là lần đầu những người có trách nhiệm liên quan ở Trường THCS Triệu Thuận chậm trễ, thiếu trách nhiệm đối với người lao động. Tôi khẳng định việc chậm trễ này đã xảy ra nhiều lần mà lỗi của nó rõ ràng là cố ý; hoặc thiếu lương tâm. 

Đơn cử, năm 2007, có một trường hợp cô giáo cũ của Trường THCS Triệu Thuận hỏi BHXH huyện về việc bản thân cô khi đang công tác tại trường này đã không được hưởng chế độ thai sản theo quy định. 

Tìm hiểu sự việc, chúng tôi phát hiện thời điểm hưởng chế độ trên của cô giáo này là từ năm 2001, nhưng mãi tới 6 năm sau, kế toán của trường này vẫn không gửi thủ tục cho cơ quan BHXH. 

Nhờ thông tin của cô giáo này, tại thời điểm đó, chúng tôi đồng thời phát hiện thêm 8 trường hợp khác ở Trường THCS Triệu Thuận không được kế toán đó gửi thủ tục hưởng chế độ thai sản trong một thời gian dài”, ông Dũng bức xúc cho biết thêm.

Tìm hiểu thêm được biết, ngoài sự việc kể trên, năm 2015, lãnh đạo và kế toán Trường THCS Triệu Thuận còn chậm nộp BHXH cho người lao động, nợ đọng BHXH tới gần 1 năm, với tổng số tiền trên dưới 300 triệu đồng; giáo viên từ trường khác được điều chuyển đến trường này công tác cũng không được chuyển bảo hiểm y tế… 

Cùng buổi sáng 18-7-2018, chúng tôi tìm hiểu, làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Văn Xưng, Hiệu trưởng Trường THCS Triệu Thuận và bà Trần Ngọc Quỳnh Hương, kế toán trường này. Bà Hương thừa nhận việc bà chậm trễ trong gửi thủ tục hưởng chế độ thai sản cho người lao động ở trường, nhưng bao biện rằng việc chậm trễ là do gia đình bà xảy ra nhiều sự cố(?). 

Còn thầy giáo Xưng thì cho rằng, đã nhiều lần đốc thúc kế toán làm việc, nhưng do nghiệp vụ của người này kém nên gây ra sự việc trên(?).

Phan Thanh Bình
.
.
.