Hàng trăm giáo viên hợp đồng phải nghỉ việc vì thi trượt viên chức

Thứ Năm, 30/11/2017, 11:13
Khi dư âm của ngày 20-11 vừa trôi qua, chúng tôi được chứng kiến những câu chuyện đầy nước mắt của các thầy cô giáo đã đóng góp cả tuổi thanh xuân cho ngành Giáo dục tỉnh Hà Nam. Họ đang bị thất nghiệp sau cuộc thi tuyển viên chức giáo viên vào ngày 21-10 vừa qua.

Vác đơn xin việc khắp nơi nhưng không được chấp nhận với lý do “quá tuổi”. Để kiếm kế sinh nhai, các thầy cô giáo có thâm niên từ 10 - 19 năm công tác trong ngành Giáo dục giờ đây phải chạy chợ, làm thợ ảnh, thợ may, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử…

Thất nghiệp đi làm thợ ảnh, may gia công thuê

Theo bức tâm thư đầy nước mắt của những giáo viên đã gắn bó cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục tỉnh Hà Nam, chúng tôi tìm về huyện Kim Bảng. Hàng chục giáo viên dạy hợp đồng của huyện Kim Bảng và huyện Thanh Liêm đều mang tâm trạng nặng nề với những lo âu nặng trĩu khi họ đang thất nghiệp.

Khi phản ánh với chúng tôi, có những giáo viên đã bật khóc, bởi đến giờ họ vẫn không thể tin mình bị trượt và rơi vào cảnh thất nghiệp khi đã gắn bó nửa cuộc đời cho ngành Giáo dục. Họ đã viết những dòng tâm thư đầy nước mắt gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước kỳ thi tuyển viên chức giáo viên ngày 21-10-2017, các giáo viên này đã bị chấm dứt hợp đồng từ ngày 18-9-2017, khi năm học mới vừa bắt đầu. Chị Bùi Thị Hương (42 tuổi), giáo viên môn tiếng Anh dạy hợp đồng tại Trường THCS Thụy Lôi huyện Kim Bảng đến nay đã được 19 năm, nhiều năm là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm chủ nhiệm lớp, nhưng vào kỳ thi viên chức vừa qua, chị đã bị trượt với bài thi năng lực đạt 65/100 điểm.

Chị Hương chua xót: “Môn tiếng Anh 15 năm không thi tuyển viên chức, nhiều năm mong mỏi nên kỳ thi đợt này chúng tôi rất hy vọng mình được công nhận giáo viên biên chế. Khi ngành Giáo dục thiếu giáo viên, những giáo viên hợp đồng như chúng tôi là một lực lượng bù đắp rất lớn cho ngành Giáo dục tỉnh nhà, thế mà sau khi cống hiến tới 19 năm thì giờ đây rơi vào thất nghiệp. Nếu như biết là cắt hợp đồng thế này thì ngành Giáo dục nên làm sớm với chúng tôi cả chục năm về trước, lúc đó chúng tôi còn nhiều cơ hội để xin việc khác”.

Theo chị Hương thì khi bị cắt hợp đồng, không chỉ chị mà nhiều giáo viên khác đã đi xin việc khắp nơi nhưng không nơi nào nhận vì lý do quá tuổi. Chị Hương xin vào 2 công ty may nhưng không được nhận và giờ đây chị phải xin làm thợ may cho một cửa hàng may tư nhân.

Nhắc đến kỳ thi tuyển viên chức vừa qua, anh Nguyễn Quốc Văn (41 tuổi), giáo viên dạy hợp đồng 18 năm tại Trường THCS Hoàng Tây (huyện Kim Bảng) chán nản: “Tôi cho rằng không có sự công bằng, bởi ngoài môn thi năng lực nhân đôi thì còn lại là xét điểm học tập và điểm thi tốt nghiệp, với những người ra trường cách đây 17-18 năm như chúng tôi điểm học tập sẽ khác với những sinh viên mới ra trường”.

Thật buồn khi anh Văn nói tiếp: “Tôi chán rồi chị ạ, không làm giáo viên nữa, tôi chuyển nghề đi chụp ảnh rồi”. Giống anh Văn, chị Trần Thị Xuân Oanh là giáo viên môn tiếng Anh tại Trường THCS Ba Sao vào nghề 19 năm khi bị cắt hợp đồng đã phải đi may quần áo thuê.

Tâm sự với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết không kìm được xúc động, nước mắt giàn giụa. Cả hai vợ chồng Tuyết đều là giáo viên ở Trường THCS Đại Cường và cả hai cùng thi trượt cuộc thi tuyển viên chức vừa qua. Chị Tuyết là giáo viên dạy nhạc và làm công tác đội, chồng là thầy giáo Nguyễn Văn Hưng dạy môn Vật lý.

Cô giáo Bùi Thị Hương được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Hơn 1 tháng nay, Tuyết để con nhỏ ở nhà, đi làm ca cho Công ty SamKyoung ở Khu công nghiệp Đồng Văn. Nhiều đêm làm ca từ 20h đến 5h sáng hôm sau, Tuyết chưa quen với công việc mới. Đối với vợ chồng cô giáo Tuyết, cuộc thi tuyển viên chức vừa qua quả là cú sốc lớn.

Điểm cao, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh vẫn trượt

Có một nghịch lý trong đợt thi tuyển viên chức giáo viên ở tỉnh Hà Nam là ngay cả giáo viên nhiều năm được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh cũng trượt. Cô giáo Lâm Thị Kim Diên, Trường Tiểu học Tân Sơn, huyện Kim Bảng cho chúng tôi xem rất nhiều giấy khen, giấy chứng nhận từ cấp tỉnh đến cấp trường.

Cô Diên có thâm niên 8 năm dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học Tân Sơn. Năm học 2017-2018 cô là giáo viên chủ nhiệm lớp 2A – lớp năng khiếu của trường. Cô Diên là giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2014-2015 và là giáo viên đạt thành tích xuất sắc trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học tỉnh Hà Nam năm học 2015-2016, nhiều năm là chiến sĩ thi đua.

Không chỉ là giáo viên dạy giỏi, cô Diên còn được nhiều phụ huynh học sinh yêu quý. Tuy nhiên, ngày 18-9 cô Diên bị cắt hợp đồng, Hiệu phó nhà trường phải thay cô đứng lớp.

“Khi nghe tin em thi trượt, Ban Giám hiệu cũng như phụ huynh đều không tin. Ngay tối hôm có điểm thi, Ban Giám hiệu đã đến nhà động viên. Học trò nhớ cô cứ hỏi khi nào thì cô tới lớp mà em chẳng biết trả lời sao”- cô Diên chia sẻ.

Theo cô Diên thì điểm thi bài năng lực cô đạt 58 điểm, nhưng một số người đạt 50 điểm vẫn đỗ do điểm học tập của những người mới ra trường cao hơn. Có người điểm thi tốt nghiệp đạt tới 100 điểm!?

Theo phản ánh của nhiều giáo viên bộ môn tiếng Anh thì đợt thi tuyển viên chức này có nhiều người vừa mới ra trường hoặc ra trường nhưng chưa đi làm có điểm thi rất cao. Có người ra trường nhiều năm chưa đi làm nhưng điểm thi đạt tới 92 điểm.

“Những giáo viên lâu năm như chúng tôi bài thi năng lực này đã soạn giáo án và dạy nhiều rồi, đề thi theo chương trình đổi mới giáo dục chúng tôi mới được tập huấn cách đây không lâu, làm bài miệt mài, không có thời gian ngẩng đầu thì mới làm kịp. Thế nhưng những người chưa từng đi giảng dạy lại làm bài thi có điểm số rất cao” – chị Trần Thị Xuân Oanh cho biết.

Theo chị Oanh thì nhiều thầy cô giáo bộ môn tiếng Anh có điểm thi năng lực cao nhưng vẫn bị trượt vì xét điểm học tập và điểm tốt nghiệp thấp hơn sinh viên mới ra trường. Chị Oanh điểm thi năng lực được 75 điểm, đứng thứ 10 nhưng xét điểm học tập thì chị đứng thứ 17 mà môn tiếng Anh huyện Kim Bảng chỉ lấy 13 chỉ tiêu. Kim Bảng có 17 giáo viên tiếng Anh THCS dự thi, trong đó có 14 người có thâm niên từ 15 -19 năm, chỉ có duy nhất 1 người đỗ và đứng thứ 13.

Một thực tế đáng buồn đang diễn ra trong ngành Giáo dục, khi tâm huyết và sự cống hiến của những giáo viên đã đóng góp cả tuổi xuân không được công nhận. Một giáo viên đã nói với chúng tôi, họ cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương lòng tự trọng nghề nghiệp khi có ý kiến nói rằng họ đi dạy 19 năm mà không thi được viên chức là do… dốt.

“Nếu không có năng lực thì tại sao nhà trường và huyện còn ký hợp đồng cho chúng tôi đi dạy, còn công nhận chúng tôi đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh?”.

Trần Hằng – Việt Hà
.
.
.