Doanh nghiệp “sốc” vì quyết định thu phí cảng biển Hải Phòng

Thứ Ba, 14/02/2017, 06:47
Ngày 13-2, tại Hà Nội, Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) cùng các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp đã có những kết quả khảo sát và nghiên cứu, đánh giá về Quyết định thu phí cảng biển của Hải Phòng (Nghị quyết 148).

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may có lượng hàng rất lớn xuất, nhập khẩu (XNK) qua cảng Hải Phòng thì phí mà Hải Phòng thu đã nằm trong các loại phí XNK như phí vận chuyển, phí D/O, phí handling, phí Seal charger, phí vệ sinh container, phí THC, phí B/L, phí AMS, phí Telex RL, phí CY moniter, phí CB Lissur fee, phí cân trọng tải container, phí Ex doc fee… mà cho đến nay DN đã phải nộp cho thành phố thông qua các công ty vận chuyển, công ty kinh doanh cầu cảng, kho bãi có sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển.

Với mức thu như quy định tại Nghị quyết 148 thì chi phí phát sinh cho một một doanh nghiệp từ vài trăm triệu tới vài tỷ đồng. Theo tính toán của Tổng Công ty Đức Giang, với mức phí 2,2 triệu đồng/ container 20 feet, 4,4 triệu đồng container 40 feet cho hàng tạm nhập tái xuất; 250.000 đồng/ tấn hàng lẻ cho hàng XNK là quá cao.

Do vậy với Tổng Công ty Đức Giang sẽ phát sinh khoảng 5 tỷ đồng/năm cho chi phí XNK; còn Tổng Công ty May 10 là 2,18 tỷ đồng.

Doanh nghiệp XNK điêu đứng vì phí cảng của Hải Phòng.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam cho rằng, việc thu phí này làm suy giảm khả năng cạnh tranh và phát triển của ngành logistics ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới và không tận dụng được lợi thế của Việt Nam trong thu hút hàng quá cảnh, hàng chuyển tải.

Đặc biệt, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian thực hiện dịch vụ logicstic, tốc độ lưu thông hàng hoá, qua khảo sát các DN hội viên phản ánh cho thấy trên 65% ý kiến cho rằng, thời gian thực hiện đóng phí kéo dài thêm trên 90 phút cho một lô hàng.

Theo khảo sát nhanh từ các hiệp hội doanh nghiệp, để thực hiện xong việc nộp phí/ 1 lần thông quan, mỗi doanh nghiệp phải bố trí ít nhất 1 nhân viên chuyên trách và mất tầm 90 phút để hoàn tất việc nộp phí. Nếu việc nộp phí diễn ra cuối ngày, DN còn mất chi phí lưu kho, bãi qua ít nhất 1 đêm; bị chậm hàng, đình đốn kinh doanh… do không kịp giờ làm thủ tục thông quan. Và trong toàn bộ khoảng thời gian hàng lưu kho này, các DN phải chịu lãi suất ngân hàng đối với lô hàng gửi.

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Phó Tổng thư ký VPSF cho rằng có 2 nội dung không hợp lý khi Hải Phòng ban hành Nghị quyết 148. Thứ nhất, thời điểm ban hành cuối tháng 12-2016, thông báo triển khai ngày cuối cùng tháng 12 nhưng áp dụng ngay từ 1-1-2017. Điều này đã đẩy hàng nghìn doanh nghiệp vào thế khó khăn, áp lực lớn vì toàn bộ các đơn hàng, hợp đồng, giá sản phẩm và dịch vụ liên quan cho năm 2017 đều đã đàm phán, ký kết với các đối tác trước đó.

Doanh nghiệp không có thời gian đàm phán với các đối tác quốc tế và không bố trí kịp nguồn lực thực hiện quy định nên nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị phạt hợp đồng, thiệt hại trong sản xuất kinh doanh, mất uy tín, mất đối tác…

Thứ hai, việc ban hành Nghị quyết diễn ra khi Hải Phòng chưa hề bố trí đủ hoặc hợp lý các nguồn lực thực hiện, mọi việc thực hiện đều thủ công dẫn tới nhiều hệ luỵ vô cùng bất cập cho doanh nghiệp.

Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, các chủ DN người Nhật sốc nặng khi nhận được thông tin này, như Jetro không thể tưởng tượng được việc thu phí dựa trên mức sử dụng dịch vụ; không thể thực hiện việc thu phí trước khi mình thực hiện xong cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, phí thu quá cao, trong khi phí vận chuyển ra tận cảng hơn 4 triệu/ 1 container 40 feet, mà phí thu một đoạn ngắn vào cảng thu phí 500.000 đồng.

Vì vậy, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam cùng các hiệp hội doanh nghiệp xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ thi hành Nghị quyết 148 của Hải Phòng để các Bộ, ngành liên quan và chính địa phương tiến hành đánh giá, xem xét lại toàn bộ các quy định chứa đựng trong đó; làm rõ kết cấu phí và mức phí hợp lý mà địa phương được quy định để tính đúng, tính đủ mức phí doanh nghiệp phải nộp; đánh giá tác động của chính sách và quy định hành chính liên quan nhằm đảm bảo các quyết định của địa phương không tác động xấu và lớn tới toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh chung của cộng đồng doanh nghiệp cũng như các chính sách quan trọng của quốc gia.

Lưu Hiệp
.
.
.