Dân kêu trời từ “đại công trường” chống ngập

Thứ Tư, 08/06/2016, 09:59
Bà Tr. (quận Bình Tân, TP HCM) “chui lên” từ dưới “hầm” nhà sâu hơn 1,5m là nơi bày bán hàng tạp hóa hàng chục năm qua nuôi sống cả gia đình, than thở: Trong 10 năm qua, đã có nhiều lần nâng đường, đào cống thoát nước, dây cáp điện… làm đảo lộn mọi thứ, đến nay nhà tôi ngập sâu thành hầm...

Công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh  (...đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc...) hiện đang triển khai thi công, do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP làm chủ đầu tư, Công ty TNHH MTV Công trình giao thông công chánh thi công. Thời gian thi công đoạn rào chắn mũi tàu Phú Lâm từ ngày 19-4 đến 28-7-2016.

Công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân.

Dự án đã khởi công vào quý 4/2015 và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2017. Thế nhưng đến nay, sau hơn 1 tháng thi công đã có rất nhiều người dân thuộc phường An Lạc và An Lạc A, quận Bình Tân lo lắng bức xúc, cầu cứu khắp nơi.

Do phần đường cải tạo nâng lên bình quân 0,7m, phần vỉa hè nâng lên từ 0,4m đến 1,2m đã ảnh hương trực tiếp đến đời sống, kinh doanh của 539 hộ dân và 27 cơ quan hai bên đường. Nguy cơ tiềm ẩn đang trực tiếp đe dọa cuộc sống của người dân khi mùa mưa đến. Nhiều nhà hai bên đường hiện đã biến thành “hầm sâu” từ 1m đến 1,5m cùng 44 tuyến đường, hẻm và khu dân cư lân cận.

Chúng tôi đi dọc hai bên đoạn đường Kinh Dương Vương đang lổn nhổn như một đại công trường mù mịt bụi cát; các dòng xe lưu thông chạy hỗn loạn chồng chéo qua nhau và hàng quán, cơ sở kinh doanh hai bên đường chỉ còn lèo tèo trong nỗi ngao ngán, thở dài bức xúc của người dân. Ông Lắm, tài xế xe ôm đứng cạnh cây xăng mệt mỏi thở dài: “Ế ẩm hơn tháng nay rồi chú ơi. Có ai đi đâu…”.

Đường lên cao gần 1m, đồng nghĩa với dãy nhà hai bên đường “chìm sâu” hơn 1m, thành “hầm trú ngụ” khiến người dân ảnh  hưởng buôn bán, kinh doanh và đảo lộn cuộc sống.

Ông Lê Văn T. - chủ khách sạn T.M., bức xúc chỉ tay vào mép vách tường nhà giải thích: “Đường sẽ cao gần 1m đến chỗ này. Tầng trệt khách sạn sẽ còn hơn 1,5m thì coi như bỏ không, phải làm thêm cầu thang để biến tầng 1 thành trệt. Từ hôm giờ đóng cửa, ai đến thuê đâu mà kinh doanh”. Chung cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị V, nói như khóc: "Nhà tôi bỗng dưng thấp hơn mặt đường 1,5m muốn nâng nhà lên cao thì không có tiền, mà vay mượn xã hội để kịp thoát mưa ngập nay mai, chắc chắn chết mất".

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, UBND quận đã có văn bản gửi Sở GTVT TP, Trung tâm Điều hành chương trình nước ngập TP xem xét giảm độ cao thiết kế dự án nâng cấp cải tạo đường Kinh Dương Vương, nhằm giảm bớt thiệt hại cho người dân, đồng thời tránh khả năng gây ra ngập úng ở các khu vực lân cận.

Tuy nhiên, Trung tâm Điều hành giảm ngập nước TP cho rằng, việc nâng đường đảm bảo chống ngập, các đơn vị thiết kế, tư vấn đã tính toán cân nhắc rất kỹ nâng đến độ cao 1,7m đối với mép đường và 2m đối với tim đường mới chỉ cao hơn mức triều cường đạt đỉnh là 1,68m. Đường Kinh Dương Vương có nhiều chỗ trũng thấp nên phải nâng từ 0,5m đến 1,35m.

Sau khi nâng, các tuyến đường, hẻm sẽ không lo ngập do đã thay mới và cải tạo cống từ D800 lên D2000, nhiều nơi lắp máy bơm và van tự động một chiều tại cửa xả lũ sẽ đóng lại khi triều cường lên cao kết hợp mưa lớn. Riêng hẻm 574 Kinh Dương Vương, nơi có 20 hộ sinh sống, mặt đường nâng lên cao so với nền nhà hiện hữu khoảng từ 0,7m đến 1,5m thật sự gây ảnh hưởng, bất tiện trong đời sống và sinh hoạt, kinh doanh của người dân.

Chống ngập đang là một chương trình đột phá của thành phố rất được người dân mong chờ. Nhưng với cách làm và những gì đang diễn ra hai bên đường Kinh Dương Vương hiện nay cho thấy, các cơ quan chức năng thiếu tổ chức thông báo, vận động tuyên truyền và chính sách hỗ trợ  chưa tính đến.

Bà Tr. (61 tuổi) “chui lên” từ dưới “hầm” nhà sâu hơn 1,5m là nơi bày bán hàng tạp hóa hàng chục năm qua nuôi sống cả gia đình, than thở: Trong 10 năm qua, đã có nhiều lần nâng đường, đào cống thoát nước, dây cáp điện… làm đảo lộn mọi thứ, đến nay nhà tôi ngập sâu thành hầm. Nghe tin chống ngập người dân mừng lắm, nhưng chống ngập kiểu nâng cao đường thì ai cũng lo lắng nhất là khi mùa mưa bắt đầu.

Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc theo các tuyến đường thi công nâng cấp chống ngập, đã xuất hiện nhiều tấm biển rao bán nhà, sang quán, sang cơ sở…

Trái ngược với "đại công trường" trên đường Kinh Dương Vương là đường Bạch Đằng, thuộc phường 2, quận Tân Bình (đoạn từ vòng xoay Phạm Văn Đồng đến Trường Sơn, sân bay Tân Sơn Nhất). Người dân ở đây đang lao đao  khi đường đang thi công bỗng dưng hạ cốt nền xuống thấp khiến cho mọi nhà dân đều cao hơn mặt đường gần cả mét. 

Tại đoạn giao nhau đường Hồng Hà - Bạch Đằng, bà Lê Thị Vân cho biết: "Không biết họ tính toán kiểu gì mà cốt nền đường thấp hơn nhà dân 1m. Gia đình tôi không biết xử lý sao bây giờ. Nếu hạ xuống cho bằng mặt đường thì toàn bộ hệ thống ngầm bị lật tung lên phải làm lại từ đầu tốn kém sẽ rất lớn...".

Được biết, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường TP cũng đã có đề xuất với UBND TP Hồ Chí Minh có chính sách hỗ trợ cho người dân vay vốn ưu đãi để cải tạo, nâng cấp nhà và có chính sách hỗ trợ cho người dân trong các hẻm “nhà biến thành hầm”.
Theo đó, đối với gia đình, cá nhân có tài sản thế chấp, sẽ được vay theo chương trình vay vốn ưu đãi tạo lập nhà ở cho người dân có thu nhập thấp. Mức vay tối đa 500 triệu đồng, lãi suất 4,7% thời hạn 15 năm. Với gia đình, cá nhân không có tài sản thế chấp, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mức vay 30 triệu đồng, lãi suất 3% /năm.
Hoàng Châu
.
.
.