TP Hồ Chí Minh triển khai dự án chống ngập với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng

Chủ Nhật, 05/06/2016, 08:31
Mùa mưa đang bắt đầu cũng là thời điểm toàn thành phố đang tập trung triển khai các dự án chống ngập, thoát nước và hàng loạt biện pháp chống ngập khác.

Ngày 3-6, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh và đại diện nhà đầu tư Tập đoàn Trung Nam đã ký hợp đồng BT (đối tác công tư) dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), với tổng vốn đầu tư 9.926 tỷ đồng nhằm kiểm soát ngập do triều cường trên tổng diện tích 570 km², với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và khu vực trung tâm thành phố. Tổng diện tích toàn bộ sử dụng cho dự án khoảng 100,8ha, thời gian thi công dự kiến 36 tháng, khởi công ngay trong tháng 6-2016.

Dự án còn giúp điều tiết hạ mức nước tại các kênh rạch góp phần cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị, tạo cảnh quan môi trường cho thành phố. 

Theo đó, Tập đoàn Trung Nam sẽ đầu tư 6 cống ngăn triều lớn tại: Bến Nghé, Phú Xuân, Tân Thuận, Cây Khô, Mương Chuối và Phú Định với miệng cống rộng từ 40m đến 160m, chiều cao thành cống (tính âm dưới đất) từ 3,6m đến 10m. Sẽ xây 3 trạm bơm tại cống Bến Nghé với công suất 12m³/giây; một trạm bơm tại cống Phú Định công suất 36m³/giây và một trạm bơm tại cống Tân Thuận với công suất 48m³/giây.

Nhiều phương tiện giao thông bì bõm trong nước khi có mưa lớn tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Bá Dương.

Theo thiết kế dự án, Tập đoàn Trung Nam sẽ xây một đoạn đê bao dọc theo sông Sài Gòn từ sông Vàm Thuật đến sông Kinh ước chiều dài giai đoạn đầu khoảng 7,8km, gồm 25 cống nhỏ có khẩu độ từ 1m đến 10m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối (Nhà Bè). Trong quá trình thi công, tàu thuyền vẫn qua lại hoạt động bình thường qua âu thuyền tại các cửa cống.

Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh đã đề xuất với lãnh đạo thành phố về nguồn vốn để chống ngập giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến lên tới 74.350 tỷ đồng. Kế hoạch chống ngập toàn thành phố dự kiến 97.298 tỷ đồng, trong đó một số dự án đã có nguồn vốn và đang triển khai đã là 22.948 tỷ đồng, nên chỉ còn 74.350 tỷ cho kế hoạch 2016 - 2020. Kinh phí lớn, cũng chưa phải là vấn đề, nhưng hiệu quả chống ngập có khả thi, làm thay đổi được gì không đang là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm.

Cảnh ngập khi mưa ở TP Hồ Chí Minh.

Theo Trung tâm Chống ngập TP cho biết, nguyên nhân ngập nặng tại một số tuyến đường sau trận mưa lớn mới đây một phần do ống cống nhỏ nên nước đổ xuống không rút kịp và các nắp cống, lưới sắt đã làm cản trở thoát nước khiến cho nhiều tuyến đường ngập nặng.

Trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến 2020, một số dự án chống ngập  triển khai như: Hoàn thành hợp phần “Xây dựng năng lực quản lý tích hợp rủi ro ngập nước đô thị” do Ngân hàng Thế giới tài trợ; Triển khai dự án Trung tâm Điều hành khẩn cấp (EOC) - hệ thống phòng, chống ngập TP Hồ Chí Minh; Dự án hệ thống quan trắc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các kênh rạch trên địa bàn Thành phố và dự án giám sát hệ thống thoát nước lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm để xây dựng hệ thống radar quan trắc…

Ngoài ra, TP cũng triển khai các dự án hợp phần lắp đặt 5 trạm khí tượng, 1 trạm ra đa thời tiết, 80 trạm đo mưa, 20 trạm đo thủy văn và thành lập một trung tâm điều hành, xây dựng và cải tạo hàng loạt các cống, hố ga, nâng cấp đường…

Mùa mưa đang bắt đầu cũng là thời điểm toàn thành phố đang tập trung triển khai các dự án chống ngập, thoát nước, xây dựng đê bao, bờ bao, bờ kè và hàng loạt biện pháp chống ngập khác.

Hoàng Châu
.
.
.