Dân đồng thuận giải tỏa mặt bằng để thi công tuyến metro số 2

Thứ Năm, 15/10/2020, 11:11
Từ tiền đề của tuyến metro số 1, các tuyến metro khác đang bắt đầu khởi động. Ghi nhận rõ ràng nhất là tại tuyến metro thứ 2 (Bến Than-Tham Lương), người dân không chỉ phấn khởi, hồ hởi mà còn đồng lòng cùng TP Hồ Chí Minh trong việc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để thi công.

Dọc tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám rồi qua Trường Chinh, Cộng Hòa,  chúng tôi ghi nhận mặc dù trời mưa do ảnh hưởng của bão nhưng nhiều người dân vẫn thuê thợ về tháo dỡ phần giải tỏa để trao mặt bằng cho đơn vị thi công tuyến metro thứ 2. Một số căn nhà trước đây là các cửa hiệu sầm uất, buôn bán lớn nay phải thụt lùi vào bên trong từ 10-15m đang tháo dỡ phần mặt tiền sửa sang lại phần nhà còn lại hoặc xây mới. Dọc các con đường mà tuyến metro thứ 2 đi qua, nhiều khẩu hiệu được giăng lên để ủng hộ tuyến metro thứ 2 này.

Người dân đồng lòng bàn giao mặt bằng để tuyến metro số 2 khởi công đúng tiến độ.

Đang đứng “chỉ đạo” nhóm thợ làm lại bảng hiệu cửa tiệm quần áo mới, chị Hoa cùng con gái hồ hởi: “Tuyến metro đi ngang qua nhà, ngồi trên cửa sổ cũng nhìn ngắm được đoàn tàu đi qua! Mới nghĩ đến vậy thôi mà con gái tôi đã yêu cầu sửa căn phòng của cháu cho đẹp đẽ để có không gian tốt ngắm nhìn đoàn tàu”. Theo chị Hoa, sau khi thỏa thuận giá cả đền bù căn nhà của chị phải thụt sâu vào bên trong khoảng 10m. Căn nhà của chị còn lại khoảng 15m, tuy nhiên kết cấu căn nhà không thay đổi.

“Mặt bằng tầng trệt trước giờ cho thuê làm cửa hàng buôn bán quần áo mỗi tháng cũng vài chục triệu, nay diện tích ngắn lại thì mình lấy giá thấp hơn, khách có nhu cầu thì mình cho thuê thêm tầng 1 để nâng cấp. Nhà chỉ có 3 người, tầng 3 có 2 phòng thì cũng không lo lắng gì mấy!”, chị Hoa chia sẻ.

Dọc các tuyến đường nêu trên nhiều máy xúc được tập trung để tháo dỡ mặt bằng được giải tỏa. Một số gia đình còn lấn cấn chưa giải tỏa được chính quyền động viên và được ngay cả những người nhà đã giải tỏa rồi qua động viên nên đã mạnh dạn ký vào biên bản giải tỏa. Ông Hiền, nhà ở phường 4, quận Tân Bình cho hay, căn nhà của ông rộng 4m, dài hơn 20m được xây dựng cách đây hơn 30 năm, giờ xuống cấp xập xệ. Bình thường vẫn cho thuê phần mặt tiền phía trước để sinh sống, nay giải tỏa gần 10m, số tiền đền bù cũng giúp ông xây lại căn nhà khang trang hơn cho con cái cháu chắt ở.

Theo ông Hiền, giá cả đền bù có thấp hơn so với thị trường nhưng chấp nhận được. Nhiều hộ dân trước kia chưa đồng ý tháo dỡ nhà vì lấn cấn chuyện đền bù chứ chủ trương của nhà nước thì ai cũng đồng tình. Bà Hứa Thị Thiên Hương (nhà số 1220, Cách Mạng Tháng Tám, phường 4, quận Tân Bình) cho biết, chủ trương của nhà nước nên người dân đồng thuận, giá cả đến bù không thể theo ý muốn riêng được, tuy nhiên người dân được hưởng lợi nhiều hơn thế, nhất là đời con cháu mình. Ông Phạm Phan Phước Hải (nhà số 23, Trường Chinh) khi giải tỏa căn nhà của ông chỉ còn 1,2m nên ông phải chuyển chỗ ở.

“Mình buôn bán thuốc, đa số là khách quen nên chuyển chỗ khác sẽ mất mối khá nhiều. Giờ kiếm một căn nhà mặt tiền khác gần đây quả thật rất khó nhưng chủ trương của nhà nước, thành phố ngày càng đẹp, càng hiện đại thì con cháu mai sau được thụ hưởng. Cân đo đong đếm mãi giờ vẫn chưa tìm được nơi ưng ý để lạc nghiệp. Chắc phải dạt ra vùng ven mua nhà và gầy dựng lại từ đầu”-ông Hải chia sẻ.

Dự án metro số 2 có chiều dài 11,042km, đi qua địa bàn 6 quận gồm: quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với tổng diện tích phải thu hồi 251.136m2 ảnh hưởng đến 603 nhà dân. Ông Lên Văn Khoa- Giám đốc Ban quản lý dự án 2 (Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh) cho biết, đến nay các quận cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường, đạt gần 98%, riêng quận quận 1, quận Tân Bình, Tân Phú đã đạt 100%, nhiều mặt bằng đã giải phóng xong và bàn giao với phía thi công.

“Dự án triển khai nhanh phải có sự đồng thuận của người dân cũng như chính sách của thành phố. Rút kinh nghiệm từ tuyến metro số 1 khi chưa giải phóng mặt bằng xong đã thi công dẫn đến phát sinh chi phí lớn nên tuyến metro số 2 này cho thấy người dân thật sự đồng thuận với chủ trương của thành phố”.

Tại quận Tân Bình, tuyến metro số 2 đi qua có 6 nhà ga ảnh hưởng đến 356 hộ, trong đó có 324 hộ phải di dời. Người dân nơi này có nhiều lựa chọn sau khi nhận tiền đền bù, mua nhà mới ở nơi khác hoặc tái định cư tại ba chung cư Bàu Cát, Tân Trụ (Tân Bình), Tân Thới Nhất (quận 12). Ông Nguyễn Trung Sơn-Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình cho hay, ga S7 nằm ở giao lộ Cách Mạng Tháng Tám-Trường Chinh được coi là “khu đất vàng” trong quận song nhờ chính sách đúng, phương án đền bù giải tỏa rõ ràng, hợp lý và việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền cho tuyến metro này nhanh chóng đưa vào thi công, người dân nhận thấy chính sách hợp lý nên đã có 5 tổ chức và 67 hộ gia đình đồng thuận và chịu đền bù giải tỏa. Đến nay 61 hộ đã nhận tiền đền bù, 54 căn nhà được bàn giao cho dự án.

Việc công khai minh bạch về dự án, các thông tin chi tiết về tuyến metro, phương án đền bù giải tỏa và công tác vận động tuyên truyền hợp lý đã giúp người dân tự mình hiểu về dự án, thấy mình có phần nào đó đóng góp chung cho sự phát triển của thành phố nên không lấn cấn và đồng thuận với chủ trương của nhà nước.

M.Đức
.
.
.