Công ty cổ phần điện tử Giảng Võ: "Ngắc ngoải" sau 10 năm cổ phần hóa

Thứ Tư, 31/08/2016, 10:03
Nằm trên khu đất “ vàng” của Hà Nội, Công ty cổ phần Điện tử Giảng Võ (Công ty Giảng Võ) đang gần như bị “xóa sổ” bởi thua lỗ dẫn đến ngừng sản xuất kinh doanh. Do không có việc làm nên nhiều cán bộ, công nhân viên xin nghỉ việc, nợ đọng thuế và bảo hiểm xã hội. Mặt tiền công ty nằm tại khu đất “vàng” ở 168 Ngọc Khánh và 121 Phủ Doãn hiện đều cho thuê và hợp đồng hợp tác đầu tư.


Có hay không chuyện vay tiền của nhân viên rồi “quỵt nợ”?        

Theo đơn kêu cứu của ông Nguyễn Như Hải và Đỗ Văn Nhiễm, nguyên là công nhân của Công ty Giảng Võ gửi tới Báo CAND thì sau 10 năm cổ phần hóa, do quản lý yếu kém dẫn đến Công ty Giảng Võ gần như bị “xóa sổ” khi những cán bộ, nhân viên còn lại không có việc làm, không được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Ban Giám đốc công ty vay tiền của cán bộ, nhân viên với tiêu chí là để kinh doanh phát triển sản xuất, nhưng đến nay chưa trả.

Trụ sở Công ty CP Điện tử Giảng Võ ở 168 Ngọc Khánh đã được cho thuê và hợp đồng hợp tác đầu tư.

“Tôi cho công ty vay hơn 300 triệu mấy năm nay rồi nhưng đến nay vẫn chưa trả hết. Đời sống của chúng tôi rất khó khăn, tôi phải bán nước chè ngoài vỉa hè, chỉ mong công ty trả tiền cho tôi để tôi còn sinh sống”- ông Nguyễn Như Hải cho biết.

Cũng theo ông Hải, cách đây hơn 10 năm, ông được Công ty thông báo mình có tên trong danh sách được phân nhà ở cho cán bộ, nhân viên là thương binh và những người có đóng góp cho công ty. “Lúc đó chúng tôi mỗi người phải nộp tiền trị giá 3 cây vàng, nhưng hơn 10 năm rồi, nhà chẳng thấy đâu mà cũng không được công ty nói đến. Vậy đất đó bây giờ đi đâu hay đã bán đi rồi? Một số người đã chết, một số vì nợ nần vay mượn để có tiền đóng tiền đất gia đình cũng đã tan nát” – ông Hải bức xúc.

Theo ông Hải thì những khuất tất này được nhân viên công ty khiếu nại và Thanh tra TP Hà Nội vào cuộc kiểm tra, đã có kết luận về những sai phạm. Tuy nhiên, đã 2 năm trôi qua mà sự việc không được giải quyết, dẫn tới bức xúc kéo dài.

Chúng tôi có buổi làm việc với Ban lãnh đạo Công ty Giảng Võ xung quanh những khiếu nại trên. Ông Phạm Toàn Thắng, Giám đốc công ty cho biết: “Năm 2010, công ty trả tiền đền bù Dự án 168 Ngọc Khánh cho cán bộ, công nhân viên (CBCNV).

Anh Hải không lấy mà để lại cho công ty vay dưới hình thức công ty ký hợp đồng huy động vốn với anh Hải, tổng số tiền là 380 triệu đồng. Trong năm 2012-2013, công ty trả lãi đều đặn cho anh Hải được trên 113 triệu đồng và 30 triệu tiền gốc.

Từ năm 2014 đến nay công ty làm ăn thua lỗ nên chưa trả được. Hội đồng quản trị cũng đã cam kết trả nợ cho anh Hải chứ không quỵt nợ”. Tuy nhiên, vì chờ đợi mỏi mòn nên anh Hải đã làm đơn kêu cứu. Giải thích về vấn đề này, Ban lãnh đạo công ty cho biết, chưa trả nốt tiền cho anh Hải là bởi công ty còn phải trả tiền nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội trước.

Còn nhiều vi phạm cần sớm giải quyết

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2005 UBND TP Hà Nội có quyết định chuyển doanh nghiệp nhà nước Công ty Điện tử Giảng Võ thành Công ty cổ phần Điện tử Giảng Võ, trong đó vốn Nhà nước là 23.474.500.000đ (chiếm 65,2%) vốn điều lệ, giao Công ty Đầu tư Thương mại và Dịch vụ quốc tế quản lý. Nhà xưởng, đất đai của công ty đều ở vị trí đẹp, nhiều lợi thế kinh doanh.

Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, công ty không phát huy được vốn Nhà nước giao, sản xuất kinh doanh thua lỗ.

Trong 10 năm sau cổ phần, CBCNV công ty không có việc làm, không có tiền trả lương và cổ tức cho các cổ đông. Nguồn thu chính của công ty là từ việc cho thuê nhà và thu từ các hợp đồng liên kết tại 168 Ngọc Khánh.

Việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước như tiền thuế giá trị gia tăng, tiền thuế đất công ty đã nợ tới 9 năm, nợ tiền BHXH của 38 người lao động. Theo lãnh đạo công ty thì tình hình công ty hiện rất khó khăn, song sẽ ưu tiên trả nợ 2 khoản nợ thuế đất và BHXH trong tháng 9-2016.

Sau khi người lao động gửi đơn thư khiếu nại, Thanh tra TP Hà Nội đã tổ chức kiểm tra, xác minh và có bản kết luận thanh tra vào tháng 3-2015. Theo đó, người lao động khiếu nại 3 nội dung thì qua thanh tra có tới 2,5 nội dung khiếu nại là đúng. UBND TP Hà Nội chỉ đạo Công ty Giảng Võ, Sở Tài chính thực hiện theo nội dung kết luận thanh tra và giao cho Thanh tra TP Hà Nội tổng hợp việc thực hiện của các đơn vị báo cáo kết quả về thành phố. Tuy nhiên, hơn 1 năm trôi qua, nhiều vấn đề nêu trong bản kết luận này vẫn chưa được thực hiện.

Về khiếu nại của người lao động trong việc huy động tiền đóng góp của CBCNV từ năm 2001 để thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho CBCNV nhưng đến nay chưa có nhà để bán cho họ,  ông Thắng cho biết: “Năm 2001 khi tổ chức thực hiện Dự án xây dựng nhà ở cho CBCNV, Ban quản lý công trình nhà ở của công ty thu của 47 CBCNV với tổng số tiền là 705 triệu đồng, mở sổ sách theo dõi riêng, không qua hệ thống sổ sách kế toán chung của công ty. Đến nay dự án vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị. Công ty sẽ làm việc chi tiết với chủ đầu tư là Công ty Xây dựng số 4 để bàn bạc lại một số vấn đề và yêu cầu chủ đầu tư ra thông báo bằng văn bản, trên cơ sở đó sẽ thông báo với CBCNV ai mua tiếp thì mua, ai không mua thì hoàn trả lại tiền”.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội về tố cáo này của người lao động là đúng. Đặc biệt, quá trình quản lý, sử dụng số tiền đóng góp của CBCNV còn có sai phạm như: không lập kế hoạch thu chi số tiền thu được; chi không có chứng từ trên 131 triệu đồng; cho các cá nhân và xí nghiệp dịch vụ sửa chữa bảo hành vay đến nay chưa thanh toán với tổng số tiền gần 600 triệu đồng.

Từ tháng 3-2015, UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty Giảng Võ chỉ đạo Ban quản lý dự án xây dựng nhà ở tổ chức hội nghị mời tất cả các CBCNV đã tham gia đóng góp tiền để công bố công khai về tài chính và việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho CBCNV theo kết luận đơn tố cáo của Thanh tra thành phố. Tuy nhiên, qua trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo công ty cho biết nội dung chỉ đạo này vẫn chưa tiến hành được.

Sau gần 2 năm, những sai phạm và tồn tại tại Công ty Giảng Võ theo thông báo kết luận Thanh tra của UBND TP Hà Nội đến nay nhiều nội dung vẫn chưa thực hiện được, đã khiến cho khiếu kiện kéo dài. Phương án đặt ra lúc này là TP Hà Nội đã có quyết định thoái vốn Nhà nước ra khỏi công ty.

Việc thoái vốn không chỉ bảo toàn tiền vốn của Nhà nước mà buộc công ty phải tự mình vực dậy, Nhà nước không thể gồng gánh cho việc quản lý yếu kém dẫn tới nợ đọng và sai phạm trong suốt thời gian qua. Theo Ban lãnh đạo công ty thì trong lúc khó khăn hiện nay, nếu thành phố thoái vốn thì công ty càng khó khăn hơn và đề nghị thành phố giãn thời gian thoái vốn để công ty hoàn thành các khoản nợ trước mắt.

Trần Hằng
.
.
.