Cần kiên quyết ngăn chặn “bẫy tàng hình” tiêu diệt chim yến
- Nghề nuôi chim yến trước thách thức từ biến đổi khí hậu
- Cảnh báo nạn săn bắt chim yến1
- Loạn nhà nuôi chim yến ở khu Nam Trung bộ
- Nuôi chim yến ở Lâm Đồng: Người hốt bạc, kẻ trắng tay
Tiếp chuyện PV Báo CAND, ông Nguyễn Tấn Hào, trú ở phường 7, TP Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết, nghỉ hưu sau hàng chục năm công tác trong ngành giáo dục, ông về quê (ở thôn Phước Bình Bắc, xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa) để đầu tư xây dựng nhà NCY. “Hơn một năm đầu, nhà NCY của tôi thu hút chim yến hội tụ, làm tổ. Chưa kịp vui thì nỗi lo ập đến khi đàn yến mất dần. Cẩn trọng kiểm tra, rà soát, tôi mới biết nguyên nhân không phải do lỗi kỹ thuật mà vì… nạn săn bắt yến”, ông Hào kể.
Bẫy săn chim yến là tấm lưới rộng giăng ngang hai cọc tre, lưới được đan kết bằng những sợi cước mỏng mảnh đến mức chim yến khó nhận biết chướng ngại vật phía trước nên giới săn chim gọi là lưới “tàng hình”. Những kẻ săn yến biết rõ quy luật đàn yến rời nhà từ 5-6h sáng và trở về vào tầm 16-17h chiều, nên họ giăng lưới trước khi đàn yến trở về.
Cần ngăn chặn hiệu quả nạn săn bắt chim yến. |
Ngoài một vài con chim yến cài đặt trên tấm lưới để “nhử mồi”, người đi săn còn mở âm thanh tiếng kêu chim yến để dẫn dụ đàn yến sa lưới. Bằng chiêu thức đó, hàng loạt chim yến sa lưới và trở thành… mồi nhậu!
Ông Nguyễn Thái Khoa, chủ nhân một nhà NCY ở thôn Phú Ân, xã Hòa An, huyện Phú Hòa (Phú Yên) kể, cách nay mấy ngày, ông mở điện thoại có kết nối với camera nhà NCY mới phát hiện hai người đàn ông giăng lưới “tàng hình” bên thửa ruộng nằm trong tầm lượn của chim yến. Tới khi ông điện báo người thân ngăn cản, những người giăng lưới mới rút lui.
Trong nhiều văn bản kiến nghị gửi đến UBND tỉnh Phú Yên và các cơ quan chức năng, Hội Yến sào Phú Yên cho biết, trong năm 2019, một số thành viên của hội đến xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa tuyên truyền vận động nhưng đã vấp phải hành động phản kháng, đe dọa hành hung từ phía những người săn bắt chim yến.
Tiếp đó, vào tháng 4/2020, thành viên Hội Yến sào Phú Yên phát hiện, ngăn chặn một nhóm người giăng lưới săn yến nhưng cũng bị họ lớn tiếng thách thức, đe dọa tính mạng. “Trong khi doanh nghiệp và người dân đầu tư tiền tỷ, vận dụng khoa học kỹ thuật để phát triển và thu hút chim yến, tạo nguồn lợi kinh tế từ tổ yến thì những nhóm săn yến ráo riết giăng lưới ở nhiều nơi chỉ vì cho rằng tổ yến có giá trị dinh dưỡng cao thì thịt chim yến cũng là thức ăn bổ dưỡng cho sức khỏe (?!) Vấn nạn này khiến nguồn chim yến tự nhiên suy giảm, phần vì bị săn bắt, phần vì yến di cư đến nơi khác để lánh nạn”, ông Phạm Duy Khiêm – Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên băn khoăn.
Theo Hội Yến sào Phú Yên, trên địa bàn tỉnh này đã có hơn 700 nhà NCY với diện tích sàn nhà khoảng 200.000m2, ước tính nguồn vốn đầu tư từ 500-800 tỷ đồng, tổng thu nhập mỗi năm hơn 200 tỷ đồng. Nếu được bảo hộ bền vững bằng nhiều biện pháp hữu hiệu thì thương hiệu “Yến sào Phú Yên” sẽ mở rộng ra nước ngoài, góp phần ổn định và phát triển kinh tế ở địa phương.
Gần đây nhất vào 25/8, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, trong đó có giao cho Công an, Viện KSND, TAND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường đấu tranh ngăn chặn, kịp thời giải quyết tin báo vi phạm pháp luật về săn bắt, mua bán, giết mổ, tàng trữ động vật hoang dã; xem xét truy tố, xét xử khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm… Thế nhưng, gần như các xã, phường ở Phú Yên chưa thật sự vào cuộc nên đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý, tịch thu tiêu hủy công cụ vi phạm. “Cần có biện pháp đồng bộ, mạnh mẽ từ các xã, phường mới có thể đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả nạn săn bắt chim yến đang lộng hành”. Đó là kiến nghị của đông đảo người nuôi chim yến ở Phú Yên.
Theo Công ước CITES, chim yến là động vật hoang dã quý hiếm, cần được bảo tồn và phát triển. Tại Việt Nam, chim yến thuộc nhóm IIB trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Tại điểm e, khoản 2, điều 25, Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ quy định chi tiết về Luật chăn nuôi nêu rõ: “Không săn bắt, không dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến, nghiên cứu khoa học”. Quy định tại điều 234 BLHS 2015 (Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã) nêu rõ mức phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù theo từng trường hợp săn bắt, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB hoặc thuộc phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp… |