Loạn nhà nuôi chim yến ở khu Nam Trung bộ

Thứ Năm, 01/11/2018, 14:55
Chưa có cơ quan nào thống kê hiệu quả làm giàu từ nghề nuôi chim yến (NCY) ở địa bàn khu vực Nam Trung bộ, thế nhưng hàng ngàn công trình nhà NCY đã và đang hình thành trên dải đất này trong vài năm gần đây như một cơn sốt bùng phát.


Từ phố thị đến nông thôn, ở đâu cũng có nhà NCY, trong số đó có rất nhiều công trình tự phát đã gây ra nhiều sự cố bi hài cùng với những hệ lụy phức tạp…

1. Hơn 4 năm trước, ngày 17-2-2014, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành quyết định 358/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch vùng NCY đến năm 2020. Theo đó, vùng NCY ở 9 khu vực với 3 mức độ ưu tiên. 

Mức độ ưu tiên 1 ở khu vực ven tuyến tỉnh lộ 710 thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước; mức độ ưu tiên 2 ở khu vực gần cầu Móng và HTX Nông nghiệp Nhơn Hội thuộc phường Đô Vinh cùng với khu vực phía Tây và phía Đông cầu Đạo Long 1, thuộc địa phường Đạo Long - TP Phan Rang -Tháp Chàm; mức độ ưu tiên 3 ở khu vực ven tuyến tỉnh lộ 708 thuộc xã Phước Thuận, thị trấn Phước Dân, xã Phước Sơn - huyện Ninh Phước và xã Mỹ Sơn – huyện Ninh Sơn.

Người dân ở Phú Yên vẫn đầu tư xây dựng nhiều nhà nuôi chim yến ngoài vùng quy hoạch.

Quy hoạch phân vùng rõ như vậy, nhưng do thiếu kiểm tra, xử lý kiên quyết nên đến tháng 1-2018, trên địa bàn Ninh Thuận đã có 184 nhà NCY, trong đó chỉ có 14 cơ sở được cấp giấy phép xây dựng trong vùng quy hoạch, còn lại 170 nhà NCY tự phát bên ngoài quy hoạch. Chưa kể đến số lượng nhà NCY phát sinh thêm từ nhiều tháng qua có đến cả trăm cơ sở.

Đi qua những đường phố Thống Nhất, 21-8, Ngô Gia Tự, Yên Ninh… ở TP Phan Rang – Tháp Chàm, ta dễ dàng nhìn thấy nhiều nhà NCY tọa lạc giữa khu dân cư. Tiếng kêu chim yến từ những chiếc loa réo rắt tra tấn thính giác cư dân gần đó khiến cho người già và trẻ em mệt mỏi. 

Chỉ tay về phía hai nhà NCY 3 tầng, ông Lê Văn Thịnh – một người dân ở phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm bức xúc nói: “Suốt ngày nghe tiếng máy dẫn dụ chim yến, nhiều gia đình ở đây thật sự mệt mỏi. Lên tiếng chê trách thì mất tình làng nghĩa xóm, im lặng thì phải chịu thiệt thòi”.

Sau một cuộc họp bàn giải pháp xử lý, ngăn chặn vi phạm, ngày 10-5-2018, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có thông báo về quản lý quy hoạch vùng NCY, yêu cầu các cơ quan chức trách, chính quyền địa phương kiên quyết xử lý vi phạm, tăng cường kiểm tra, giám sát, không để phát sinh thêm nhà NCY trong và ngoài quy hoạch, yêu cầu chủ các nhà NCY không mở rộng thêm diện tích, cam kết chủ động tháo dỡ công trình xây dựng trái phép khi nhà nước thu hồi đất để triển khai các dự án kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng…

Tuy nhiên, 6 tháng qua trên địa bàn tỉnh này vẫn phát sinh thêm nhà NCY, những trường hợp đã bị xử lý vi phạm hành chính chưa khắc phục hậu quả, không tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. 

Tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Ninh Thuận từ ngày 4 đến 6-7-2018, cử tri phường Phước Mỹ, TP Phan Rang - Tháp Chàm kiến nghị sớm có biện pháp xử lý những trường hợp bất chấp quy hoạch và chỉ đạo của chính quyền, xây dựng nhà NCY trong khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và môi trường đời sống người dân.

Một nhóm thợ lắp đặt khung gỗ bên trong một nhà nuôi chim yến.

2. Trên địa bàn Phú Yên cách đây hơn 3 năm đã có nhiều nhà NCY xây dựng từ đô thị đến nông thôn. Ngày 27-10-2017, UBND tỉnh Phú Yên mới có quyết định 1893/QĐ-UBND phê duyệt quy hoach vùng – làng nghề NCY đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. 

Đến năm 2020, Phú Yên có 4 vùng NCY ở thôn Phú Liên, xã An Phú - TP Tuy Hòa; thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1 - huyện Tây Hòa; thôn Tân Định và thôn Hội Sơn, xã An Hòa - huyện Tuy An; thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng - huyện Phú Hòa. Hai làng nghể NCY được quy hoạch đến năm 2020 ở thôn Tân Định, xã An Hòa - huyện Tuy An và thôn Ân Niên, xã Hòa An - huyện Phú Hòa.

Một năm sau khi có quyết định nêu trên, hàng loạt nhà NCY vẫn mọc lên nhiều nơi. Không chỉ ven quốc lộ 29, quốc lộ 25, tỉnh lộ 645, mà trong các khu dân cư ở thị trấn Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung, xã Hòa Tân Đông, Hòa Thành, Hòa Xuân Tây – huyện Đông Hòa; thị trấn Phú Thứ, xã Hòa Bình 1, Hòa Mỹ Đông, Hòa Đồng, Hòa Phong – huyện Tây Hòa; Hòa An, Hòa Trị, Hòa Thắng, Hòa Quang – huyện Phú Hòa; xã An Hòa, An Chấn, An Mỹ – huyện Tuy An; phường 4, phường 6, phường 9, xã Bình Kiến, Hòa Kiến, An Phú – TP Tuy Hòa… ở đâu cũng có nhiều nhà NCY đã và đang xây dựng mới. 

Đơn cử ở huyện Đông Hòa chỉ có một vùng NCY được quy hoạch tại thôn Tân Đạo, xã Hòa Tân Đông, trong khi đó đến giữa tháng 10-2018 toàn huyện đã có 122 nhà NCY, tập trung chủ yếu ở thị trấn Hòa Hiệp Trung và xã Hòa Thành gồm 69 nhà NCY ngoài vùng quy hoạch.

Ông Lê Văn Hạnh – một người dân ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa than thở: “Âm thanh dẫn dụ chim yến réo rắt suốt ngày, bên này dội sang, bên kia vọng lại. Nói không được, chịu không nổi, nhưng chẳng biết làm sao”.

Trao đổi với phóng viên chiều 24-10, ông Đào Lý Nhĩ – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, cuối năm 2016 trên địa bàn tỉnh này có 305 nhà NCY; địa phương có nhiều nhà NCY nhất là huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Tuy An và TP Tuy Hòa. Đến thời điểm này, ước tính con số đó đã tăng lên hơn 400, bởi nhiều nhà NCY đã và đang tất bật xây dựng trong vài tháng gần đây.

Cũng như Ninh Thuận và Phú Yên, trên địa bàn tỉnh Bình Định trong những năm qua đã có hàng loạt nhà NCY tự phát. Thống kê chưa đầy đủ từ Chi cục chăn nuôi – thú y tỉnh Bình Định, địa phương này có hơn 300 nhà NCY, tập trung nhiều nhất ở TP Quy Nhơn và các huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước… 

Đi qua địa phận thị trấn Tuy Phước và các xã Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Nghĩa – huyện Tuy Phước sẽ thấy có hơn 50 nhà NCY tự phát. Ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn có không ít nhà NCY xây dựng theo mô hình “2 trong 1” để người ở tầng dưới, yến len lỏi tầng trên, trong khi âm thanh từ loa dẫn dụ chim yến dội ra bên ngoài, buộc cư dân gần đó phải “sống chung” trong tâm trạng buồn bực. 

Ông Nguyễn Văn Nghĩa – trú ở phường Nhơn Bình bày tỏ: “Không gian sống của những gia đình ở gần nhà NCY đã bị “ô nhiễm” bởi âm thanh réo rắc từ sáng đến tối. Người còn khỏe mạnh cam chịu “tra tấn” đã đành, người lớn tuổi không tìm được yên tĩnh để nghỉ ngơi, mấy đứa trẻ thiếu tập trung học tập tại nhà”.

Cưỡng chế tháo dỡ một phần nhà nuôi chim yến của bà Võ Thị Thu Hằng ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên do xây dựng trên đất nghĩa địa.

3. Tìm hiểu nguyên do bùng phát nhà NCY mới biết lắm chuyện bi hài. Trong những cuộc “trà dư, tửu hậu”, giới kỹ thuật lắp đặt “nội thất” nhà NCY tung chiêu khen địa thế nơi này, chỗ kia có tiềm năng nuôi yến, rồi quảng bá trình độ của mình, chê bai chuyên môn người khác, khiến cho người nghe sướng tai chỉ vì: “Đầu tư nhà NCY một lần, không tốn công chăm sóc và chi phí thức ăn mỗi ngày như lợn, bò, gà, vịt…”. 

Cần phải biết rằng, ngoài chi phí tiền tỷ xây dựng nhà NCY, còn phải trả cho giới kỹ thuật vài trăm triệu đồng tiền công đóng khung trần nhà, tiền mua gỗ, thiết bị máy móc do kỹ thuật “tình nguyện mua giúp” để đảm bảo “đúng chủng loại, kích thước, chất lượng” với giá cao hơn rất nhiều so với thị trường. 

Ông Phan - một chủ nhà NCY ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa kể: “Tin lời anh Nguyễn K, tôi đầu tư gần 1 tỷ đồng nâng cấp thêm hai tầng từ căn nhà có sẵn để nuôi yến. Suốt hai năm chỉ thu được gần… 1 lạng yến tổ, nhưng khi dò hỏi nguyên do yến không về, anh K trả lời “Không biết sao nữa, anh vô mạng nghiên cứu xem sao”, rồi lại “tư vấn” nên đầu tư thêm cỡ trăm triệu lắp đặt xốp áp tường để tăng độ ẩm. 

Tôi từ chối thì anh K “lặn” biệt tăm vì bận vận động nhiều người khác xây nhà NCY! Xót xa nữa là khi tìm hiểu giá vật tư, thiết bị lắp đặt nhà NCY, tôi mới biết đã bị “ăn chặn” một khoản tiền. Nhìn nhà NCY hoang phí, tôi chỉ biết thở dài rồi tự trách mình không lấy nguồn vốn đó mua lô đất sẽ cầm chắc tiền lãi”. 

Tâm sự của ông Phan có thể cảnh báo những người dự định đầu tư nhà NCY, bởi lẽ không ít trường hợp vấp phải “dở khóc, dở cười” nhưng cố gượng gạo tung tin mỗi năm thu được gần chục cân yến tổ, khiến cho một số người lao vào cuộc đua xây nhà NCY.

Thêm chuyện bi hài nữa trong “cuộc chiến” âm thanh đã xảy ra ở khu phố 5, phường 9, TP Tuy Hòa. Bức xúc vì những tiếng réo rắt từ nhà NCY ở kế bên, ông Võ Đức Th. vào mạng Internet tải tiếng kêu chim cắt, cú mèo vào thẻ nhớ USB rồi bỏ ra tiền triệu để mua tăng âm, loa phát đuổi yến, tạo ra “cuộc chiến” âm thanh “bên dụ, bên đuổi”. 

Kết cục chiêu trò đó là những cuộc cãi vã mâu thuẫn gay gắt khiến chính quyền phải vào cuộc hòa giải để chủ nhà NCY điều chỉnh cường độ âm thanh, thời gian mở loa dẫn dụ chim yến.

Đi qua khu Nam Trung bộ, phóng viên ghi nhận hàng loạt nhà NCY phát sinh sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch, nhưng rất ít trường hợp bị xử lý hành chính, cưỡng chế tháo dỡ. Nhiều nơi nhận được đơn kiến nghị khi không chịu nổi âm thành từ nhà NCY, nhưng chính quyền xã, phường không có thiết bị đo lường âm thanh nên chỉ yêu cầu chủ nhà NCY điều chỉnh cường độ âm thanh. 

Gần đây, trong tháng 8-2018, UBND xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định xử phạt 4 triệu đồng và cưỡng chế tháo dỡ nhà NCY của ông Trương Đình Ân xây dựng trái phép trên diện tích 157m² đất công. 

Cùng thời điểm này, UBND xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên cưỡng chế tháo dỡ nhà NCY của Võ Thị Thu Hằng xây dựng lấn chiếm hơn 126m² đất nghĩa địa. Còn lại hàng loạt nhà NCY tự phát trái phép ngoài vùng quy hoạch ở Nam Trung bộ vẫn tồn tại trong khi chính quyền địa phương và các cơ quan lúng túng không có biện pháp xử lý kiên quyết.

Được biết, ngày 22-7-2013, Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT quy định tạm thời về quản lý NCY nhưng các địa phương chưa thực thi hiệu quả nên gần như chủ nhân hàng loạt nhà NCY ở Nam Trung bộ chưa lập thủ tục khai báo trước và sau thời điểm văn bản pháp luật nêu trên có hiệu lực. 

Trong khi đó các cơ quan có thẩm quyền chưa tổ chức các cuộc kiểm tra cường độ âm thanh, vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh, khai thác, sơ chế tổ yến… nên quy định tạm thời về quản lý NCY vẫn còn bỏ ngỏ.

Đã đến lúc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần khẩn trương rà soát, tăng cường quản lý NCY theo quy định pháp luật, đồng thời có biện pháp kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những trường hợp xây dựng nhà NCY trái phép để tránh những hệ lụy phức tạp trước thực trạng “loạn” nhà NCY.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.