Nuôi chim yến ở Lâm Đồng: Người hốt bạc, kẻ trắng tay

Thứ Bảy, 14/04/2018, 09:07
Người dân Lâm Đồng đang đua nhau xây nhà để dụ chim yến về làm tổ, khai thác thương phẩm. Nhiều người “hốt bạc” khi chim yến kéo nhau từng bầy về ở, nhưng cũng không ít gia đình trắng tay vì nhà xây xong mà loại chim này vẫn “bặt vô âm tín”.

Kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng

Thị trấn Mađaguoi, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) vốn được xem là thủ phủ của loài chim yến trên cao nguyên Lâm Viên. Những nhà dụ loài chim này về ở trị giá cả tỉ đồng được đua nhau xây dựng. Có gia đình phất lên trông thấy, mỗi tháng cho doanh thu hàng trăm triệu đồng. Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Võ (41 tuổi), ngụ tổ dân phố 7, thị trấn Mađaguoi.

Thế nhưng, cũng có không ít gia đình vung tiền tỷ đầu tư xây nhà dụ chim nhưng thất bại ê chề vì sai kỹ thuật, yến không chịu kéo đến làm tổ.

Trong lúc cao hứng, ông Nguyễn Văn Võ đã cho chúng tôi được nhìn tận mắt ngôi nhà sinh sống của hàng nghìn con chim yến. Đã có rất nhiều người tới nhà ông Võ để tham quan, học hỏi kinh nghiệm dụ chim yến về làm tổ, nhưng chúng tôi là người lạ đầu tiên được ông Võ đặc cách cho vào khu nhà của chim yến sinh sống.

Theo ông Võ, yến là loại chim hoang dã, bản chất khó tính. Dụ được loài chim này về làm tổ trong nhà đã là điều rất khó khăn, giữ được chúng ở lại sinh sản, sinh sôi nảy nở thành bầy đàn lại khó khăn gấp bội. Vì thế, người làm nghề dụ chim yến như ông Võ thường rất kiêng kị người lạ vào khu vực nhà chim yến sinh sống, sợ làm bầy chim kinh hãi rủ nhau bỏ đi. Căn phòng tối om như mực. Phát hiện tiếng động, bầy chim yến nháo nhác chen nhau bay vụt ra ngoài như ong vỡ tổ.

Trên trần nhà, bám vào những thanh gỗ đóng thành những khoang hình chữ nhật là hàng trăm chiếc tổ chim yến màu trắng sữa, trong đó nhiều tổ đã có những chú chim non, từ đỏ hon cho tới đã đủ lông cánh. Chỉ ít ngày nữa, những chú chim đủ lông kia sẽ tung cánh bay vút lên bầu trời, tổ yến sẽ được gia chủ thu hoạch.

Hai nhà dụ chim yến (mới và cũ) của một gia đình ở thị trấn Mađaguoi, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.

Khoảng 70-80 tổ yến như thế sẽ đạt trọng lượng 1kg, giá chưa bao giờ thấp hơn 20 triệu đồng/kg. Ông Võ tiết lộ, hiện gia đình ông mỗi tháng cho thu hoạch từ 17-20kg tổ yến. Doanh thu mỗi tháng của gia đình nông dân này là một khoản không nhỏ.

Ông Võ không phải người đầu tiên làm nhà dụ yến về làm tổ ở Mađaguoi. Người đầu tiên đã thất bại do sai sót kỹ thuật. Người thứ hai là một nhân vật khá bí ẩn, từ tỉnh Đồng Nai lên mua đất xây nhà dụ yến, khá thành công. Mỗi tháng người này thu hoạch tới 35- 40kg, và chỉ lên đây để thu hoạch sản phẩm.

Năm 2012, ông Võ thuê chuyên gia từ Sài Gòn lên lắp đặt thiết bị trong căn nhà cấp 4 của mình để dụ chim yến. Nhà dụ chim yến được lắp đặt hệ thống thiết bị dẫn dụ yến gồm các loại gỗ không mùi, lắp đặt làm nơi cho yến làm tổ, loa phát tín hiệu âm thanh của chim yến, máy phun sương tạo độ ẩm thích hợp khoảng 70- 80%, nhiệt độ thích hợp 27- 28 độ C…kèm theo các tiêu chuẩn về ánh sáng, thông gió.

Ăn nên làm ra trông thấy từ nghề này, gia đình ông Võ không ngừng mở rộng quy mô. Đến nay nông dân này đã có 2 nhà dụ chim yến. Mỗi căn nhà xây 3 tầng, trị giá hơn 2 tỷ đồng/căn. Tầng dưới để ở và 2 tầng trên được ông gắn các thiết bị để dụ yến về làm tổ.

Đua nhau xây nhà dụ chim yến

Người thành công như ông Võ không nhiều. Ông Nguyễn Hóa, một người dân khác trong thị trấn buồn bã nói: “Thấy người ta bảo nuôi yến chỉ mất tiền xây nhà, rồi khoảng 3 năm sau cứ ngồi thế lấy tiền nên tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây nhà dụ yến. Nhà đã xây xong và gắn thiết bị “dụ” suốt 4 tháng nay nhưng vẫn chưa có con chim nào chịu về làm tổ. Vốn liếng tích góp cả đời tôi đã đổ hết vào đó. Yến không về thì coi như mất trắng!..”.

Toàn huyện Đạ Huoai đang có khoảng 70 ngôi nhà cao tầng được người dân đầu tư xây dựng để nuôi yến. Nghề nuôi yến ở Đạ Huoai bắt đầu cách đây khoảng 10 năm. Riêng 2 năm trở lại đây, có khoảng 50 ngôi nhà dụ yến được xây mới,  quy mô đầu tư từ 700 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/căn. Thị trấn là nơi tập trung nhà dụ yến nhiều nhất, khoảng 40 căn.

Ông Trần Anh Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, nghề nuôi yến ở địa phương chưa có quy hoạch mà chủ yếu là tự phát nên rất khó kiểm soát. Trong khoảng 50 hộ xây nhà dụ yến tại địa phương thì chỉ mới có 3 nhà cho thu nhập. Cũng theo ông Dũng, ở địa phương có trường hợp xây nhà yến đã 3 năm nhưng vẫn không có yến về làm tổ. Ông Dũng khuyến cáo: người dân không nên đổ xô vào việc xây nhà dụ yến.

Ông Đặng Hùng Việt, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đạ Huoai cho biết, UBND huyện đã  kiến nghị Sở NN&PTNT và các cơ quan chức năng xem xét để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp về công tác quản lý nghề nuôi yến. Các vấn đề được chính quyền địa phương và người dân quan tâm nhất là tiếng ồn, nguy cơ dịch bệnh và hiệu quả kinh tế.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra để đánh giá rõ hiệu quả và tiềm năng nghề nuôi yến tại địa phương để đưa ra những khuyến cáo cho người dân”, ông Việt cho biết thêm.

Khắc Lịch
.
.
.