Cần hoàn thổ và đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu

Thứ Năm, 12/10/2017, 08:55
Việc truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc” ra khỏi khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, thuộc địa bàn xã Tam Lãnh (Phú Ninh, Quảng Nam) luôn được các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam chú trọng. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng “vàng tặc” ở Bồng Miêu, không chỉ dừng lại ở công tác này…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phi Thạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, sau hơn 25 năm khai thác, dù giấy phép đã hết hạn từ tháng 3-2016, nhưng Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (Công ty vàng Bồng Miêu) vẫn chưa đóng cửa mỏ, bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Lợi dụng vấn đề này, đối tượng đào đãi vàng trái phép ở khắp nơi kéo về Bồng Miêu, trong đó có nhiều người dân xã Tam Lãnh đã lên khu vực mỏ vàng để mót quặng vàng, trồng cây, làm trang trại, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường, đặc biệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT địa phương.

Ông Thạnh khẳng định: “Trước hết trách nhiệm quản lý mỏ vàng Bồng Miêu vẫn là của Công ty vàng Bồng Miêu. Việc bảo vệ tài nguyên quốc gia là trách nhiệm của chung, nên địa phương cũng đã bỏ ra rất nhiều kinh phí để đảm bảo ANTT, tránh gây thất thoát tài nguyên. Còn những vấn đề người dân vào trồng cây, lập trang trại hiện tại rất khó xử lý, vì Công ty vàng Bồng Miêu chưa đóng cửa, bàn giao”.

Theo ông Thạnh, kể từ tháng 3-2016, Công ty vàng Bồng Miêu dừng hoạt động hoàn toàn vì giấy phép khai thác đã hết hiệu lực. Sau khi có thông báo của UBND tỉnh Quảng Nam, Cục Địa chất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về việc yêu cầu Công ty vàng Bồng Miêu dừng sản xuất, đóng cửa mỏ, bàn giao đất lại cho địa phương quản lý, nhưng đến nay công ty này vẫn chưa thực hiện.

Mặt khác, số bảo vệ của công ty cũng giảm xuống còn khoảng 30 người, chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản, thiết bị, máy móc tại khu vực nhà máy. Các khu vực còn lại không được bảo vệ đã khiến cho nhiều người dân vào khu vực này khai thác vàng trái phép. Trước tình hình trên, UBND huyện đã báo cáo lên tỉnh và đã được tỉnh tổ chức lực lượng đảm bảo ANTT tại mỏ vàng Bồng Miêu, tránh những việc đáng tiếc xảy ra.

Hiện tại, Đồn Công an xã Tam Lãnh đã tổ chức các điểm chốt chặn những người khai thác vàng trái phép. “Hiện chính quyền địa phương cũng đã làm hết những gì có thể làm được để đảm bảo ANTT tại mỏ vàng Bồng Miêu, hạn chế tình trạng làm vàng trái phép. Đồng thời có những cơ chế, chính sách để tạo công ăn việc làm ổn định cho các phu vàng là người địa phương.

Lực lượng Công an truy quét “vàng tặc” tại mỏ vàng Bồng Miêu.

Vấn đề mấu chốt cần giải quyết là buộc Công ty vàng Bồng Miêu hoàn thổ, đóng cửa mỏ và kêu gọi các các nhà đầu tư có năng lực tổ chức quản lý, khai thác mỏ vàng Bồng Miêu trở lại. Có như thế mới giải quyết dứt điểm vấn nạn “vàng tặc” ở Bồng Miêu”, ông Thạnh nói.

Thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2005 đến nay, có trên 150 vụ vi phạm pháp luật tại xã Tam Lãnh liên quan đến người làm vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu bị xử lý. Trong đó, có 6 vụ gây rối đông người, tạo ra các điểm nóng về tình hình ANTT.

Các đối tượng làm vàng trái phép kéo về Tam Lãnh khá đông, kéo theo các tệ nạn xã hội, như buôn bán, sử dụng chất ma túy; các đối tượng này còn lôi kéo thanh niên địa phương vào con đường nghiện ngập, gây phẫn nộ trong nhân dân. Diện tích đất cấp cho Công ty vàng Bồng Miêu không được hoàn thổ môi trường theo đúng quy định của Luật Khoáng sản, để người dân vào lấn chiếm đất làm trang trại, trồng cây với diện tích trên 125ha, trong đó còn có đối tượng kết hợp tận thu quặng dùng hóa chất tách lấy vàng gây ô nhiễm môi trường…

Trước tình hình đó, Công an xã Tam Lãnh và các cấp chính quyền đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý tình trạng làm vàng không phép xảy ra trên địa bàn. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Công an xã Tam Lãnh phối hợp với Đồn Công an Tam Lãnh, Công an huyện Phú Ninh, Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều đợt truy quét, tiêu hủy nhiều lán trại, phương tiện của “vàng tặc”, tạm giữ hàng ngàn kilogam đá quặng…

Trong đó, thu giữ khoảng 2 tấn đá quặng thải tại nhà ông Hà Thanh Phi (thôn An Lâu 2, xã Tam Lãnh) và nhà ông Phạm Minh Tâm (thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh) đổ vào đập thải Công ty vàng Bồng Miêu để xử lý môi trường; đẩy đuổi hơn 400 lượt đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn...

 Trước việc Công ty Vàng Bồng Miêu không đóng cửa mỏ vàng, bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý dẫn đến những sự việc nêu trên đã gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tình hình ANTT phức tạp tại mỏ vàng Bồng Miêu thời gian qua cũng dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực trong tiến trình xây dựng nông thôn mới xã Tam Lãnh nói riêng và huyện Phú Ninh nói chung.

Đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam cần có có động thái tích cực giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Hà Vy
.
.
.