Trả lại nguồn lực cho đất nước phát triển

Thứ Sáu, 23/09/2016, 15:36
Vụ án Phạm Công Danh đã khép lại với mức án 30 năm tù cùng khoản 9.000 tỷ đồng bị coi là thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng đã khiến bao người giật mình về độ "khủng" của nó, nhưng "đại án 9.000 tỷ" chưa kết thúc bởi các cơ quan chức năng còn phải thu hồi tài sản, các khoản thất thoát trong vụ án này...


Dư luận xã hội băn khoăn là làm sao để thu hồi được những tài sản tham ô, bị chiếm đoạt để trả lại nguồn lực cho phát triển đất nước. Việc nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục là những thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Thực tế cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta thiên về các biện pháp hình sự để phát hiện, xử lý các đối tượng tham nhũng mà chưa quan tâm tới việc thu hồi tài sản tham nhũng. Thu hồi tài sản tham nhũng thường chỉ được coi như phần đi kèm với bản án đã có hiệu lực phát luật để giải quyết hậu quả, là khâu cuối cùng của quá trình đấu tranh chống tội phạm, kết án người phạm tội.

Chính vì không quan tâm, chú trọng tới việc thu hồi tài sản tham nhũng mà phần lớn các vụ việc, vụ án không thể thu hồi tài sản do không phát hiện, truy tìm được tài sản vì đã bị các đối tượng tham nhũng tiêu sài hoang phí hoặc chuyển hóa dưới nhiều hình thức khác nhau.

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ công bố thiệt hại do các vụ việc, vụ án tham nhũng đã gây ra gần 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ thu hồi được gần 5.000 tỷ.

Con số này cho thấy việc phát hiện và xác định tài sản bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại do tham nhũng gây ra mặc dù có xác định được, nhưng không thu giữ được. Số lượng tiền, tài sản bị tham ô, bị chiếm đoạt ngày càng lớn dẫn đến các dự án đầu tư, các hoạt động kinh tế của nhiều địa phương, doanh nghiệp không hiệu quả, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tới uy tín, tới môi trường đầu tư, kinh doanh mà không thể khắc phục nổi.

Bị cáo Phạm Công Danh trong đại án 9.000 tỷ.

Đảng và Nhà nước xác định "Cuộc chiến chống tham nhũng bị coi là thất bại khi không thu hồi được tài sản tham nhũng". Mục đích rõ ràng như vậy, nhưng các cơ quan có thẩm quyền, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng chưa nhận thức rõ được quá trình thu hồi tài sản tham nhũng phải diễn ra song song, thậm chí phải tiến hành trước cả quá trình khởi tố, điều tra để từ đó lần ra dấu vết tội phạm, để ngăn chặn triệt để hậu quả của tội phạm tham nhũng.

Đặc điểm của án tham nhũng là thời gian điều tra dài do tội phạm tham nhũng là loại tội phạm ẩn, đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, có tiền, có quan hệ rộng và liên quan tới nhiều lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp như: Tài chính, ngân hàng, các dự án xây dựng, mua sắm công, đất đai, khai thác khoáng sản...

Chính vì thế, hoạt động điều tra sẽ gặp nhiều khó khăn và nhiều vụ án kéo dài tới 5 đến 7 năm. Đây đã trở thành điều kiện thuận lợi để các đối tượng tham nhũng có thời gian chạy tội, chuyển hóa tiền, tài sản cho người thân, thông qua hoạt động rửa tiền, đầu tư chứng khoán, góp cổ phần vào các doanh nghiệp, mua sắm vật dụng, tài sản phương tiện có giá trị…

Khi Tòa án tuyên phạt bị cáo và yêu cầu thu, nộp tài sản tham nhũng thì cơ quan chức năng cũng chẳng thể nào thu hồi được vì không biết số tài sản đó đang nằm ở đâu. Bên cạnh đó, việc quản lý khối tài sản thu giữ được cũng chưa được quan tâm đầy đủ dẫn đến hao mòn, thất thoát ngay cả khi tài sản đã được tìm thấy.

Chúng ta cần quan tâm nghiên cứu để bổ sung vào hệ thống pháp luật các quy định phù hợp về thu hồi tài sản tham nhũng; quy định ngay khi có quyết định khởi tố vụ án đã phải tập trung vào việc phong tỏa và kê biên tài sản để đối tượng không có điều kiện tẩu tán tài sản; phải đánh vào và làm triệt tiêu động cơ, lợi ích kinh tế của tội phạm tham nhũng và những người có liên quan; quy định về hành vi làm giàu bất chính; thực hiện việc thu hồi tài sản tham nhũng theo phương thức không thông qua bản án hình sự mà qua khởi kiện dân sự; thu hồi tài sản tham nhũng do người có chức vụ, quyền hạn không chứng minh được tài sản tăng thêm; đối với những tài sản lớn mà người sở hữu không giải trình được nguồn gốc, trong khi cơ quan chức năng cũng không chứng minh được tính minh bạch và hợp phát của tài sản này thì đánh thuế thật cao những tài sản đó.

Thu hồi tài sản có nguồn gốc tham nhũng và tịch thu tài sản do tham nhũng mà có là hoạt động quan trọng và là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng. Thu hồi tài sản tham nhũng giúp khắc phục hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng và trả lại nguồn lực cho đất nước phát triển.

Cù Tấ Dũng
.
.
.