Vụ chìm phà Sewol: Tai họa từ tham nhũng và tắc trách?

Thứ Hai, 12/05/2014, 10:00

Theo các nhà điều tra Hàn Quốc, thảm họa phà Sewol có thể do nạn tham nhũng đang gặm nhấm và làm tê liệt quan chức ngành giao thông có quan hệ "thân mật" với một nhóm doanh nghiệp "ma" chỉ tồn tại trên giấy do 2 con trai của tỉ phú Yoo Byung-eun, nguyên giám đốc  Tập đoàn Semo Marine-tiền thân của công ty điều hành phà Sewol thành lập ra để làm giàu bất chính.

"Con tàu Titanic Hàn Quốc"-phà Sewol được điều hành bởi nhóm doanh nghiệp "ma" ?

Để mở rộng công tác điều tra vụ chìm phà Sewol, các công tố viên Hàn Quốc đã triệu tập ông Kim Han-sik, giám đốc điều hành Công ty Chonghaejin Marine-sở hữu và khai thác phà Sewol phải có mặt tại Văn phòng Công tố quận Incheon ở phía tây Seoul để thẩm vấn.Vào lúc khoảng 10 giờ sáng (giờ Seoul, 12 giờ trưa, giờ Hà Nội) ngày 29/4, ông Kim Han-sik đã đến Văn phòng Công tố quận Incheon theo yêu cầu từ cơ quan thực thi pháp luật.

Lệnh (giấy) triệu tập đối với ông Kim Han-sik là một phần của công tác điều tra để làm rõ nguyên nhân gây ra vụ chìm phà chết người xảy ra vào ngày 16/4 làm chết 193 người (tính đến ngày 29/4) và hơn 100 người khác vẫn còn mất tích. Có 476 hành khách trên con tàu bị chìm ở ngoài khơi phía tây đảo Jindo, chỉ có 174 người được cứu sống.

Kim Han-sik, sở hữu 11,65% cổ phần công ty cùng với 2 con trai là một trong 3 cổ đông lớn của công ty này. Kim Han-sik ngồi trên xe lăn đã xuất hiên trước công chúng vào tuần trước khi công ty Chonghaejin xin lỗi người thân của những nạn nhân vụ tai nạn chìm phà tang thương Sewol.

Công tố viên Hàn Quốc nghi ngờ ông giám đốc 72 tuổi Kim Han sik là một trong 7 phụ tá thân cận của Yoo Byung-eun, nguyên giám đốc Công ty Semo Marine-tiền thân của công ty khai thác phà Sewol và đã tham gia sâu vào những hành vi phạm pháp mà Yoo Byung-eun phạm phải.

Các công tố viên cho biết: cáo buộc chống lại Yoo Byung-eun và công ty vốn chủ sở hữu gia đình Chonghaejin Marine gồm tham ô, lơi là nhiệm vụ, trốn thuế và nhận hối lộ.

Hai trong những cổ đông lớn nhất trong công ty chứng khoán I-One-I là con trai đầu của Yoo Byung-eun gồm: Yoo Dae-hyun và Yoo Hyuck-ki. I-One-I là công ty mẹ sở hữu cổ phần Chonhaiji-một cơ sở đóng tàu sở hữu khoảng 40% vốn điều hành Chonghaejin Marine.

Yoo Hyuck-ki cũng sở hữu khoảng 10% cổ phần Tập đoàn Ahae, một doanh nghiệp sản xuất sơn và Tập đoàn Truyền thông Ahae, trong khi đó con trai đầu của Yoo Byung-eun: Yoo Dae-hyun cũng nắm giữ phần lớn cổ phần Chonghaejin Marine và công ty kinh doanh kho vận Dapanda.

Nhờ mánh lới sở hữu cổ phần chéo nên đã giúp gia đình Yoo quản lý và kiểm soát toàn bộ nhóm các công ty, trong đó có hơn 10 đơn vị ở nước ngoài, một trong số đó có liên quan đến vụ chìm phà Sewol gây chết người.

Cảnh sát biển phản ứng chậm, quan chức ngành giao thông tham nhũng...

Trước đó vào ngày 28/4, đội điều tra chung gồm lực lượng cảnh sát và cán bộ công tố Hàn Quốc đã khám xét phòng làm việc của lực lượng cảnh sát biển thành phố  Mokpo trực thuộc tỉnh Jeolla Nam, tịch thu tài liệu và các tư liệu ghi âm từ ngày chiếc phà Sewol bị chìm để xem xét liệu các quan chức bảo vệ biển của Hàn Quốc có xử lý sự cố đúng chuyên môn, nghiệp vụ ngay ở giai đoạn ban đầu. Văn phòng cảnh sát biển Mokpo chính là nơi nhận được tín hiệu cấp cứu với giọng nói run rẩy, sợ hãi từ một sinh viên nam 18 tuổi đang đi trên phà.

Theo một bản sao của bản ghi âm, một quan chức Cảnh sát biển Hàn Quốc đã yêu cầu nam sinh viên đó cung cấp vị trí kinh độ và vĩ độ nơi chiếc phà đang chìm dần, điều đó làm dấy lên những lời chỉ trích rằng các quan chức cảnh sát biển đã lãng phí những phút quí giá trước khi bắt đầu hoạt động cứu nạn.

Đội điều tra chung tuyên bố họ sẽ phân tích nhật trình làm việc và các bản sao ghi âm để xem xét liệu các quan chức bảo vệ biển có làm tròn trách nhiệm của họ.

Cảnh sát biển Hàn Quốc đã bị phê bình vì cứu thuyền trường và 20 thành viên thủy thủ đoàn, những người được cho là đã theo lệnh từ công ty chạy trốn và phó mặc mạng sống của hành khách trên phà.

Đội điều tra chung cũng khám xét văn phòng điều hành tín hiệu giao thông đường thủy trên đảo Jindo-trung tâm chỉ huy các hoạt động tìm kiếm cứu nạn để điều tra liệu có những sai lầm chết người khi ứng phó với tình trạng khẩn cấp.

Các công tố viên cho biết họ đang tìm kiếm mọi bằng chứng về hành vi sai lầm có thể dẫn đến việc buông lỏng công tác kiểm định an toàn định phà Sewol, đồng thời họ cũng điều tra liệu các quan chức Hàn Quốc có nhận hối lộ để rồi không kiểm tra độ an toàn của phà Sewol

Phạm Trúc
.
.
.