Thuốc tân dược – dòng chảy thời đại dịch

Thứ Ba, 25/08/2020, 10:11
Cảnh sát thành phố Haryana, bang Gurugram, Ấn Độ vừa mới bắt giữ bốn đối tượng người Iraq trong một đường dây vận chuyển thuốc men và dụng cụ y tế xuyên biên giới. Ba đối tượng nam và một đối tượng nữ bị bắt giữ đều đã sống nhiều năm ở Haryanal và đã dùng các mối quan hệ của mình để mua được những loại thuốc sử dụng trong điều trị COVID-19.


Họ bị bắt giữ khi trên người đang mang theo tám lok Remdesivir, 55 vỉ Favipiravir, và 18 hộp Lopikast. Nếu số tân dược trên được chuyển thành công về Iraq thì những kẻ buôn lậu hoàn toàn có thể kiếm được khoản lợi nhuận gấp 20 lần số tiền mình bỏ ra - tại Ấn Độ một lọ Remdesivir 100mg có giá 5400 Ru-pi, nhưng nếu như tại Iraq thì nó có giá 100.000 Ru-pi.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều những vụ án buôn lậu thuốc được cảnh sát các nước phát hiện ra trong thời gian gần đây. Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng thiếu thuốc men thật sự nghiêm trọng, và nhiều đối tượng bất lương đang lợi dụng cơ hội này để trục lợi thông qua việc buôn lậu  tân  dược. Không chỉ những loại thuốc giúp điều trị COVID-19, mà cả các loại thuốc kê đơn bình thường cho bệnh đái tháo đường, trầm cảm, v.v… cũng đang kiếm được nguồn lợi nhuận khổng lồ cho những kẻ buôn lậu. Tình trạng buôn lậu thuốc gia tăng đang đặt ra nhiều trở ngại đối với các quốc gia trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành như hiện nay.

Thuốc nhập lậu và thuốc giả đang tràn ngập thị trường nhiều nước trong thời đại dịch.

Cảnh sát Pháp vừa mới triển khai một chiến dịch mang tầm cả nước để đưa ra ánh sáng một đường dây buôn lậu thuốc men, khẩu trang và các trang thiết bị y tế khác. Tổng giá trị các hàng hoá thu được vảo khoảng 30 triệu Euro (hơn 32 triệu Đô-la), trong đó có giá trị nhất là 438.000 chiếc khẩu trang. Những lô hàng này sẽ được chia nhỏ ra và chuyển cho những người ngoại quốc ở Pháp, nhằm lợi dụng chính sách đưa người nước ngoài trở về tổ quốc của chính phủ để buôn lậu thuốc xuyên biên giới.

Vụ án nói trên đã gây dậy sóng công luận Pháp, vì trong bối cảnh các bệnh viện nước này đang thiếu thuốc men và thiết bị y tế nghiêm trọng,nhưng  những kẻ buôn lậu lại có thể mua được một số lượng lớn hai mặt hàng này. Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner đã phải lên truyền hình trấn an dư luận và tuyên bố rằng, sẽ không người Pháp nào bị bỏ rơi vì thiếu thuốc điều trị  hay khẩu trang.

Việc buôn lậu thuốc men không có gì mới. Tuy nhiều quốc gia có chính sách miễn thuế đối với thuốc trị bệnh, thị trường thuốc  chợ đen vẫn luôn tồn tại ở các nước này. Hầu hết người mua là những người có bệnh nan y mong muốn sử dụng các loại thuốc ngoại trong giai đoạn thử nghiệm để trị bệnh. Ngoài thuốc ra thì các đối tượng buôn lậu còn móc nối với một số bác sỹ thiếu phẩm chất đạo đức để giám sát quá trình trị bệnh của khách hàng, vì nếu người dùng để lộ ra là mình đã mua và sử dụng thuốc chưa được Bộ y tế chấp thuận sẽ phải chịu hình phạt rất nặng.

Trung Quốc cũng là một thị trường thuốc lậu lớn thế giới, không chỉ vì phần lớn các công ty dược phẩm quốc tế đều đặt nhà máy ở đây, mà còn vì quá trình đưa thuốc mới vào danh mục thuốc tại Trung Quốc rất chậm. Nhiều người Trung Quốc bị ung thư giai đoạn cuối không còn sự lựa chọn nào khác là phải tìm đến các đối tượng buôn lậu thuốc.

Nhân nói về Trung Quốc, nguồn cung thuốc tân dược từ nước này ra thị trường quốc tế đã sụt giảm nghiêm trọng vì mục đích đối phó với đại dịch, vậy nên rất nhiều loại thuốc đã trở nên vô cùng khan hiếm. Điều tương tự cũng xảy ra với Ấn Độ, một "nhà máy" thuốc khác của thế giới. Tổ chức Kiểm soát Dược phẩm trung ương của Ấn Độ đã ra yêu cầu các công ty thuốc nội địa tại nước này cắt giảm các hợp đồng bán thuốc với nước ngoài để phục vụ nhu cầu trong nước, số tiền tổn thất sẽ được chính phủ đền bù phần nào. Nhu cầu tăng, nguồn cung giảm, dĩ nhiên là thị trường buôn lậu thuốc men có cơ phát triển với tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử.

Những vụ bắt giữ kể trên đang đặt một câu hỏi đối với ngành hải quan và cảnh sát quốc tế: Tại sao buôn lậu thuốc men lại tăng mạnh đến như vậy, trong khi nền giao thương thế giới lại đang gần như hoàn toàn tê liệt?! Các đối tượng buôn lậu đa quốc gia thường xuyên trà trộn hàng lậu vào những mặt hàng hợp pháp để có thể lọt lưới hải quan các nước. Theo logic thì số lượng hàng lậu cũng sẽ phải giảm xuống vì lưu lượng hàng hợp pháp giảm xuống, nhưng điều ngược lại xảy ra trên thực tế.

Những kẻ buôn lậu thuốc chữa bệnh bị cảnh sát Ấn Độ bắt giữ.

Ngoài việc các cơ quan hải quan đang siết chặt các biện pháp kiểm tra để phòng chống đại dịch, giá cả các mặt hàng quan trọng tăng mạnh cũng tạo động lực để các đối tượng buôn lậu tăng cường hoạt động. Điều này càng đúng hơn khi áp dụng với thuốc men và các vật liệu y tế đang trong tình trạng vô cùng khan hiếm. Ở những quốc gia ít phát triển hơn như ở Trung Đông, một kẻ buôn lậu khẩu trang thôi cũng có thể kiếm lời gấp ba, bốn lần số tiền mà mình bỏ ra.

Do không phận nhiều nước bị phong tỏa còn đường biên giới của họ thì bị thắt chặt kiểm soát, các đối tượng buôn bán tân dược lậu đang tăng cường chuyển hàng bằng đường biển. Việc này cũng có khó khăn riêng của nó, vì có rất nhiều hải cảng trên thế giới đã phải hứng chịu tình trạng dồn ứ hàng hoá kéo dài nhiều tháng nay rồi. Bản thân các hãng tàu biển cũng muốn nhận ít hàng hơn để giảm chi phí và rủi ro. Vì vậy mà ở một số nơi như Trung Á, các đối tượng buôn lậu đã phải chuyển qua sử dụng tàu hoả. Một lượng rất lớn thuốc lậu đang được tàu hoả trung chuyển từ Trung Quốc sang Đông Âu để từ đó "thẩm thấu" vào Tây Âu hay lên tàu thuỷ để chuyển tới Mỹ.

Vậy thì sau khi hàng đã về nước, những kẻ buôn lậu sẽ làm như thế nào để tìm được khách hàng?! Khách hàng sẽ tự tìm đến họ thông qua các trang "web đen". Những trang web này yêu cầu người dùng phải cài đặt một số phần mềm giải mã chuyên dụng mới có thể truy cập được. Người mua sẽ lập tài khoản trên trang web bí mật rồi sau đó chọn mua thuốc lậu chẳng khác gì như khi đang mua sắm với Amazon. Còn để chuyển thuốc men đến tận tay khách hàng thì đối tượng buôn lậu chỉ cần gửi chuyển phát nhanh, hoặc như là vài trường hợp ở Anh và Ấn Độ, đó là:  giả trang làm nhân viên y tế địa phương để có thể vượt qua các trạm kiểm soát trên đường.

Nguy cơ mà người dân phải đối mặt khi mua thuốc lậu là rất lớn. Không những họ có thể phải chịu cái giá đắt hơn giá thị trường bốn, năm lần, mà chưa chắc chất lượng thuốc đã được đảm bảo. Hồi đại dịch COVD - 19 mới bắt đầu và các nước hạn chế việc đi lại, các "nhà máy" sản xuất thuốc lậu phải đóng cửa một thời gian ngắn vì không nhập được nguyên liệu. Tuy thế vấn đề này các đối tượng buôn lậu giải quyết chỉ sau một thời gian ngắn. Để có thể diệt trừ nạn buôn lậu thuốc thì trước hết các cơ quan hành pháp phải triệt tiêu được đường vận chuyển thuốc từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ.

Do hầu hết các tuyến đường ra vào Trung Quốc đã bị phong toả, việc trung chuyển thuốc lậu tập trung tại ba nước là Ấn Độ, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Bản thân lực lượng cảnh sát tại các quốc gia này cũng quá mỏng và chịu áp lực lớn vì đại dịch, thế nên đã đến lúc các lực lượng hành pháp quốc gia và quốc tế khác cùng nhau phối hợp hoạt động để ngăn chặn thành công thuốc lậu.

Đấy là biện pháp khẩn cấp, còn biện pháp lâu dài để hoàn toàn triệt tiêu thuốc lậu là đảm bảo khả năng tiếp cận thuốc của người dân. Trong nhiều trường hợp người dân tìm đến thuốc lậu hoặc là vì loại thuốc họ cần chưa được kiểm chứng lâm sàng, hoặc là vì họ không có đủ tiền. Giải quyết vấn đề thứ nhất là bổn phận của bên y tế phải làm sao để tăng tốc độ kiểm chứng và cấp phép các loại thuốc. Còn vấn đề thứ hai là vấn đề mà cả xã hội phải vào cuộc.

Ngoài việc mở rộng hệ thống bảo hiểm y tế để không để lọt người bệnh nghèo nào bị bỏ lại phía sau, mỗi quốc gia cũng cần cố gắng xây dựng hệ thống nhà máy, doanh nghiệp sản xuất thuốc nội địa của mình nhằm tăng dự trữ nguồn thuốc và giảm giá bán. Những bệnh dịch nguy hiểm hơn COVID-19 sẽ còn xuất hiện trong tương lai, và để tự bảo vệ mình thì một trong những điều có ích nhất mà chúng ta có thể bắt tay vào làm ngay lúc này là triệt  tiêu tận gốc  hành vi  buôn lậu thuốc men và các loại thiết bị y tế mà thôi.

Lê Công Vũ (tổng hợp)
.
.
.