Yếu tố làm ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu

Thứ Hai, 31/10/2022, 06:37

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, thành quả ngoại giao hiếm hoi giữa Nga và Ukraine đã chính thức đổ vỡ. Thỏa thuận này có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu, do cả Moscow và Kiev đều là những nhà xuất khẩu lớn ngũ cốc và phân bón.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 29/10 (giờ địa phương) xác nhận, Moscow sẽ đình chỉ vô thời hạn việc thực thi thỏa thuận ngũ cốc với Kiev, do Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, nhằm đáp trả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol, Crimea.

Yếu tố làm ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu -0
Thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine đã đạt được ở Istanbul hồi tháng 7 dưới sự trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Giải thích cho quyết định trên, chính phủ Nga cho biết, nước này không thể tiếp tục tham gia "Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen" khi an ninh hàng hải không được đảm bảo. Nga đồng thời cáo buộc Ukraine lợi dụng hành lang nhân đạo được thiết lập trong khuôn khổ thỏa thuận để tiến hành các cuộc tấn công trên không và trên biển nhằm vào các tàu và cơ sở hạ tầng của Nga.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga đã tiết lộ chi tiết về cuộc tấn công trên. Theo đó, cuộc tấn công bất thành của Ukraine nhằm vào các tàu của Hạm đội Biển Đen của Nga và các tàu dân sự cập cảng thành phố bắt đầu vào khoảng 4h20 ngày 29/10, có sự tham gia của 9 UAV của không quân và 7 UAV của hải quân.

Các tàu Hải quân Nga đã tham gia vào việc bảo đảm an ninh cho "hành lang ngũ cốc", được thiết lập để cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng Biển Đen theo thỏa thuận đạt được giữa Moskva và Kiev, do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi mùa Hè. Moscow cho biết, toàn bộ các UAV bay tới đã bị tàu chiến và lực lượng không quân Nga bắn hạ ở vịnh Sevastopol. Theo tuyên bố, cuộc tấn công đã gây ra thiệt hại nhỏ cho một tàu đánh cá và hàng rào lưới trong vịnh.

Bộ Quốc phòng Nga cũng cáo buộc: "Việc chuẩn bị cho hành động khủng bố này và huấn luyện các quân nhân của Trung tâm Điều hành Hàng hải đặc biệt số 73 của Ukraine đã được thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia Anh, tại thành phố Ochakov thuộc Vùng Nikolaev của Ukraine".

Bộ Quốc phòng Anh đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào đến cuộc tấn công UAV của Ukraine vào Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol và cho rằng những cáo buộc của Nga là "sai lệch" nhằm "chuyển hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế" khỏi chiến dịch quân sự mà nước này thực hiện ở Ukraine. Trước đó, Đô đốc Sevastopol Mikhail Razvozhayev cho biết đây là cuộc tấn công UAV lớn nhất của Ukraine vào thành phố này kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2.

Quyết định được đưa ra 1 ngày sau khi Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hối thúc Nga và Ukraine gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc. Ông đồng thời kêu gọi các nước liên quan, đặc biệt là những nước phương Tây, nhanh chóng dỡ bỏ những rào cản đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga: "Thế giới có nguy cơ bị thiếu lương thực. Vì vậy, việc tháo gỡ những trở ngại còn tồn tại liên quan đến xuất khẩu phân bón của Nga là hết sức cần thiết vào thời điểm hiện tại".

LHQ đang tích cực liên hệ với các bên nhằm khôi phục cũng như gia hạn thỏa thuận. Theo người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric, điều mấu chốt là tất cả các bên kiềm chế không có bất kỳ hành động nào làm phương hại thỏa thuận một nỗ lực nhân đạo cực kỳ quan trọng đang có tác động tích cực, rõ ràng tới khả năng tiếp cận lương thực của hàng triệu người trên thế giới.

Về phía Mỹ, trong một tuyên bố ngày 29/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ, Washington lấy làm tiếc việc Nga ngừng tham gia các hoạt động theo "Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen" do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi thúc giục tất cả các bên duy trì việc thực hiện sáng kiến quan trọng sống còn này".

Theo Ngoại trưởng Mỹ, từ khi có hiệu lực cách đây 3 tháng, thỏa thuận ngũ cốc này đã giúp đưa 9 triệu tấn lương thực ra thị trường toàn cầu và giúp "làm giảm giá cả trên khắp thế giới". Ông nhấn mạnh, sáng kiến được ký kết tại Istanbul này "là thành công và phải được tiếp tục".

Chia sẻ quan điểm này, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell lên tiếng kêu gọi Nga hủy bỏ quyết định đình chỉ thực hiện "Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen" với Ukraine. Theo ông, quyết định của Nga gây rủi ro cho con đường xuất khẩu ngũ cốc và phân bón chính đang rất cần để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay. EU kêu gọi Nga đảo ngược quyết định của mình.

Cùng với LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã liên lạc với Nga nhưng hiện còn quá sớm để biết các cuộc đàm phán với Moscow có thể làm thay đổi quyết định trên hay không. Trong khi đó, bình luận về quyết định của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi một phản ứng quốc tế mạnh mẽ của LHQ và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20). Về phần mình, Bộ Quốc phòng Anh chỉ trích Nga đang tìm cách chuyển hướng sự chú ý của quốc tế khỏi cuộc xung đột tại Ukraine.

Đạt được hồi tháng 7 vừa qua và dự kiến hết hiệu lực vào giữa tháng 11 tới, "Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen" được cho là đã giúp xuất khẩu 9 triệu tấn ngũ cốc từ Ukraine và góp phần làm giảm giá lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về hiệu quả thực tế của thỏa thuận.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev, thỏa thuận không những không giải quyết được vấn đề của các quốc gia có nhu cầu mà thậm chí còn làm trầm trọng thêm vấn đề. Bởi những con tàu từ Ukraine đều đang hướng đến những nước châu Âu giàu có thay vì những nước cần chúng.

Cụ thể, phía Nga cho rằng, chỉ có 3% số lương thực xuất khẩu theo thỏa thuận trên đến được các quốc gia nghèo nhất, trong khi các nước phương Tây chiếm một nửa số nông sản rời các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen. Bộ trưởng Dmitry Patrushev nhấn mạnh Nga sẵn sàng cung cấp tới 500.000 tấn ngũ cốc cho các nước nghèo trong vòng 4 tháng tới với sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.