Tây Nam bộ chủ động phòng, chống cháy rừng
- Quảng Nam chủ động phòng chống cháy rừng mùa nắng nóng
- Điều tra vụ cháy rừng thông tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân
- Huy động gần 1.200 người chữa cháy rừng thông tại Nghệ An
- Tây Nguyên căng mình phòng cháy rừng
Tại An Giang, ghi nhận tại các cánh rừng trên địa bàn huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên và TP Châu Đốc, hiện thời tiết khô hanh, nắng hạn kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy cao.
Ngành chức năng tỉnh An Giang đánh giá nâng cấp cảnh báo cháy rừng tăng lên cấp độ IV (cấp nguy hiểm). Tổng diện rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 16.868ha; trong đó diện tích rừng là 13.680ha, đất rừng mới trồng và chưa có rừng là 3.188ha.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, từ tháng 2 đến tháng 5-2019, khu vực Nam Bộ, lượng mưa thiếu hụt khoảng 20-40%, từ đó có thể gây nên tình trạng thiếu nước, hạn hán. Do đó, An Giang đang đối mặt với nguy cơ xảy ra cháy rừng, cháy lớn rất cao, đặc biệt là các khu vực rừng tràm ở các huyện miền núi.
Để bảo vệ và PCCR trong những tháng mùa khô, tỉnh An Giang đã hoàn chỉnh phương án và kế hoạch hiệp đồng chữa cháy cấp tỉnh. Bố trí phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác phòng chống cháy rừng...
Các huyện, thành phố miền núi được trang bị 133 máy chữa cháy cải tiến, 34 máy chữa cháy đeo vai, 7 máy bơm chuyên dụng chữa cháy rừng đồng bằng và trên 10.500 các dụng cụ như thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa, bàn cào, dao quéo...
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh An Giang phối hợp cùng Công an kiểm tra công tác PCCR. |
Triển khai bố trí các phương tiện, máy móc và dụng cụ thô sơ phục vụ công tác PCCR rừng theo phương châm 4 tại chỗ, với tổng số điểm đã bố trí là 246/310 điểm. Song song đó, thực hiện phát dọn 7 đường băng cản lửa chóng cháy lan thuộc Núi Cấm, núi Phú Cường và rừng Tràm Trà Sư với tổng diện tích dọn băng chống cháy là 27,19ha.
Dự kiến cuối tháng 2-2019 tiến hành đốt chủ động, chống cháy lan vào rừng với tổng diện tích 23ha; thực hiện gánh nước đổ đầy 60 bồn nước với 80 bồn đã đổ đầy 50% lượng nước để dự trữ phục vụ PCCR trên các đỉnh núi.
Ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết, Chi cục đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tổ chức 2 đợt kiểm tra thực địa, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng và một số vùng trọng điểm cháy ngay trước Tết Nguyên đán và đã kiểm tra đột xuất các trạm, chốt, khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Kết quả đều chấp hành lịch trực nghiêm túc. Đến nay, các đơn vị và lực lượng Công an, Quân sự, Kiểm lâm đã phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm tra 144 đợt với 290 lượt người tham gia, nội dung kiểm tra bao gồm một số tổ chức và cá nhân là những chủ rừng thực hiện quy trình PCCR. Tiến hành rà soát, bổ sung các biện pháp PCCR phù hợp và hiệu quả trên tinh thần “đảm bảo phát hiện kịp thời, dập tắt đám cháy mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng lớn, nghiêm trọng”.
Tại tỉnh Cà Mau, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng thời gian qua được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016-2020, cho biết, trong năm 2018, toàn tỉnh phát hiện và xử lý 241 vụ vi phạm rừng. Trong đó, các vi phạm chủ yếu liên quan đến quy định chung về bảo vệ rừng, về PCCR, khai thác rừng trái phép,…
Ông Lê Văn Hải, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau nhận định, tình trạng nắng nóng kéo dài liên tiếp trong những ngày qua, đã khiến hơn 54.000ha rừng của tỉnh đứng trước nguy cơ cháy cao. Trước tình trạng thời tiết nắng nóng kéo dài, đồng thời diện tích rừng tràm tại Vườn Quốc gia Vồ Dơi (huyện Trần Văn Thời) đang cạn nước, UBND tỉnh Cà Mau đã giao cho các chủ rừng chủ động lên phương án PCCR theo phương châm 4 tại chỗ.
Đến nay các chủ rừng đã tiến hành dọn cỏ và thực bì để làm hơn 520km đường băng, 37km ban gạt đường bộ, dọn chướng ngại vật tại khoảng 300km kênh mương. Đồng thời, tỉnh Cà Mau chuẩn bị 101 máy bơm (trong đó 62 máy công suất lớn), 62.335 mét vòi phun nước chữa cháy, 12 xe ôtô chữa cháy chuyên dụng… phục vụ cho công tác chữa cháy rừng.
Ngoài ra, tỉnh lắp đặt 25 bảng dự báo cấp cháy rừng ở các ngã ba, ngã tư đường, nơi tập trung dân cư ven rừng để cảnh báo cháy rừng đến người dân. Bố trí 65 chòi quan sát kiên cố, 23 chòi canh di động và tạm thời trong lâm phần để cán bộ, nhân viên luân phiên túc trực canh lửa, giữ rừng trong mùa khô.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh có diện tích đất rừng 5.242ha, có rừng 2.951ha. Trong đó, rừng đặc dụng 1.483ha, rừng sản xuất 1.468 ha. Hiện, thực bì trong rừng còn ẩm, có nơi còn nước ngập xâm xấp.
Ban Chỉ huy Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hậu Giang cho biết, toàn tỉnh có 6 Ban Chỉ huy và 16 Tổ chữa cháy rừng chuyên trách với 102 thành viên; vận động người dân ở khu vực giáp ranh thành lập 27 tổ chữa cháy rừng tại chỗ với 733 người.
Các Hạt Kiểm lâm chủ động phối hợp với Đài truyền thanh huyện phát 102 lượt nội dung tuyên truyền bảo vệ rừng, cảnh báo cháy rừng và nghiêm cấm người ra vào rừng. Ở những nơi không có điều kiện họp dân, Kiểm lâm địa bàn sử dụng xe máy lưu thông theo các tuyến đường liên xã, liên ấp, dùng loa tay phổ biến để tất cả mọi người biết và cùng thực hiện.
Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đã có những chỉ đạo các ngành chức năng liên quan đến công tác PCCR. “Vào thời gian cao điểm mùa khô thì kể cả ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật và ban đêm phải có lãnh đạo trong Ban giám đốc của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng trực tại đơn vị để khi có xảy ra sự cố thì chỉ huy kịp thời.
Bằng mọi giải pháp, khu bảo tồn phải đảm bảo không để xảy ra cháy rừng. Bên cạnh đó, năm nay, Ban Chỉ huy Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh nghiên cứu thực hiện diễn tập PCCR vào ban đêm và trên tinh thần bất ngờ để xem công tác ứng phó, huy động lực lượng ứng cứu của các chủ rừng, đơn vị liên quan ở mức độ như thế nào.
Đặc biệt, khu bảo tồn sớm hoàn chỉnh văn bản đề nghị Sở Tài chính tỉnh cấp vốn để thực hiện lắp đặt 2 camera quan sát và mua 2 thuyền bơm phục vụ công tác PCCR…”, ông Hùng cho biết.
Cần xử lí nghiêm đối với các chủ rừng vi phạm Theo nhận định chung của các ngành chức năng các tỉnh, thành Tây Nam bộ, một trong những khó khăn trong công tác PCCR hiện nay cần phải tháo gỡ là, một vài đơn vị chủ rừng quản lý đất đai thiếu chặt chẽ, còn để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng, khi giải quyết lại không triệt để nên gây mâu thuẫn, làm tiềm ẩn nguy cơ có thể dẫn đến cháy rừng. Một số doanh nghiệp, Hợp tác xã thuê đất rừng hoặc có diện tích rừng trồng nhưng hoàn toàn không thực hiện PCCR: không phương án phòng cháy, không phương tiện chữa cháy, không tổ chức lực lượng ứng trực tại chỗ. Rừng trồng phân tán của người dân đa phần có diện tích nhỏ, phân bổ rải rác, nhiều nơi không có kênh, mương trữ nước, không có máy bơm nước chữa cháy và hầu như chỉ tận dụng phương tiện, dụng cụ sẵn có tại chỗ để chữa cháy rừng. |