Nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam trong ASEAN
- Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình "hiến kế" cho du lịch Việt Nam
- Vì sao Đại sứ du lịch Việt Nam tại Pháp bán toàn bộ gia sản quay về quê hương?
- Quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam tới nhân dân Hy Lạp
- Hội thảo Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới
Trong bối cảnh hội nhập ASEAN, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn. Như sự tăng trưởng nhanh của các thị trường gửi khách, sự hình thành AEC và khu vực ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn, tác động tích cực từ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch tiểu vùng Mê Kông...
Đồng thời, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, du lịch Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN, là điểm đến an ninh, an toàn, thân thiện, tài nguyên du lịch đặc sắc, sản phẩm du lịch đa dạng, nhiều hình thái, nguồn lao động trẻ dồi dào, có khả năng cạnh tranh về giá, khu kinh tế tư nhân phát triển... Có thể thấy, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam hiện được đánh giá khá khả quan.
Tuy nhiên, những điểm yếu của du lịch Việt Nam cũng được chỉ rõ như trình độ phát triển du lịch mức trung bình; tính sáng tạo, hấp dẫn, đặc thù và đổi mới của sản phẩm, dịch vụ chưa cao, giá trị gia tăng của sản phẩm hạn chế; thiếu dịch vụ vui chơi giải trí, các tổ hợp dịch vụ đẳng cấp; kinh phí xúc tiến hạn chế; chưa có hỗ trợ mạnh mẽ về cơ chế, chính sách...
Ông Trần Ngọc Lương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn khách sạn Mường Thanh cho rằng, hội nhập AEC cơ hội cho ngành du lịch là rất lớn, trong đó các chuỗi dịch vụ sẽ được hưởng lợi trong việc trao đổi khách trong khu vực và học hỏi kinh nghiệm trong quản lý điều hành. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cũng sẽ cạnh tranh gay gắt hơn trong việc đào tạo và sự dịch chuyển lao động trong khu vực.
Du khách nước ngoài thăm quan khu vực thác Bản Giốc - Cao Bằng. |
Bởi, theo ông Lương, nhân viên hoạt động trong khách sạn là một nghề, một nghề cần phải được đào tạo một cách chuyên nghiệp và bài bản, bắt đầu từ nhận thức của mỗi người về nghề khách sạn, ý thức phục vụ khách hàng. Không đâu xa, nhìn sang Philippines, họ rất bài bản trong đào tạo nghề khách sạn, xác định được làm trong khách sạn là một nghề nghiệp. Do vậy, họ làm rất tốt và được rất nhiều nước tiếp nhận. Hiện, lao động trong du lịch, đặc biệt tại Phú Quốc (Việt Nam) đã có sự dịch chuyển lao động từ Philippines sang.
Vấn đề đào tạo nhân lực đã được ngành du lịch đặt ra từ lâu và cũng là trăn trở của nhiều thế hệ, các cấp, các ngành. Tuy nhiên, vấn đề thay đổi tư duy và ý thức về nghề nghiệp là những bước đầu rất quan trọng trong việc định hình nghề nghiệp một cách chuẩn mực. Nếu ta không có sự chuẩn bị tốt, có thể Việt Nam sẽ tụt lại phía sau trong cạnh tranh về nguồn nhân lực ngay trên sân nhà.
Trong khi đó, Giám đốc Dự án EU- ESRT Vũ Quốc Trí cho rằng, thách thức đối với việc hội nhập ASEAN của du lịch Việt Nam là phần lớn doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ, thậm chí còn chủ quan, thiếu sự chuẩn bị và chưa sẵn sàng về năng lực để hội nhập.
Bên cạnh đó, sự chậm trễ do chuyển đổi cơ chế quản lý nhà nước về đào tạo nghề theo luật việc làm cũng như hạn chế trong việc tìm được sự đồng thuận giữa các bộ, ngành liên quan đã gây cản trở đáng kể đối với ngành du lịch. Do vậy, để khắc phục những hạn chế trên, các chuyên gia Dự án EU- ESRT đã đề xuất tiếp tục phổ biến và sử dụng tài liệu “Hướng dẫn xây dựng chính sách du lịch có trách nhiệm” như một nền tảng cơ bản để biến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn, thú vị, từ đó thu hút thêm nhiều du khách.
Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện thoả thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP) và tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS), đảm bảo nhân lực du lịch Việt Nam chuyên nghiệp, có kỹ năng để cung cấp dịch vụ có tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập AEC, Tổng cục Du lịch cho biết, đã xác định một số mục tiêu chính như: sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên qua việc triển khai các hoạt động hợp tác du lịch chung ASEAN, cũng như trong phạm vi các nhóm nước thuộc ASEAN hoặc giữa ASEAN với các nước, khu vực, tổ chức và đối tác phát triển; Chủ động đề xuất sáng kiến và hoạt động hội nhập du lịch ASEAN trên cơ sở thế mạnh của du lịch Việt Nam; sớm giải quyết những điểm yếu nội tại, tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách và vấn đề mang tính liên ngành; có giải pháp ứng phó với thách thức của quá trình hội nhập du lịch trong AEC trên cơ sở phát huy tối đa những điểm mạnh và tận dụng tốt cơ hội mà AEC mang lại.